Cánh cò cõng nắng qua sông
Ngày đó, khi tôi còn học lớp 3, tôi ngồi bàn nhất còn bạn thì ngồi bàn nhì. Chúng tôi mặc áo trắng đồng phục nhưng ngày nào đi học về, tôi cũng thấy lưng áo mình dính đầy vết mực.
Một hôm, tôi quyết định bắt quả tang. Quả nhiên, bạn cố ý để mũi viết ngay cạnh bàn. Mỗi lần tôi dựa lưng vào, mực tím lại dính ngay lên áo.
Lần đầu tiên, tôi nhỏ nhẹ: “Bạn để viết vậy, mực dính vào áo mình rồi.” Bạn nhe răng cười. Lần thứ hai, tôi nghiêm giọng hơn: “Mình không thích giỡn kiểu vậy đâu.” Nhưng bạn vẫn chỉ cười đắc chí. Đến lần thứ ba, tôi đã không kiềm chế được mà hất nguyên bình mực tím vào người bạn. Bạn tím cả người. Hôm đó, cô giáo mời phụ huynh của hai chúng tôi đến trường.
Chiều hôm ấy, mẹ tôi mặt mày xanh lét khi thấy bạn tím rịm từ đầu đến chân. Mẹ xin lỗi rối rít, hứa sẽ đền lại một chiếc áo mới. Ba của bạn may mắn dễ tính, chỉ cười trừ: “Con nít mà!”. Nhưng về đến nhà, mẹ không dễ bỏ qua. Mẹ bắt tôi nằm sấp lên giường, nhịp roi nhẹ vào mông mà trách: “Có chuyện gì thì thưa cô, về nhà nói với ba mẹ. Sao lại dữ tợn như vậy? Còn tái phạm nữa không?” Tôi lí nhí: “Dạ không.” “Đánh một roi cho chừa!” rồi mẹ đánh thật.
Những giọt nước mắt tôi rơi không phải vì roi đau, mà vì tôi cảm thấy có lỗi khi để mẹ mình phải cúi đầu xin lỗi người khác. Từ ngày đó, tôi tự hứa sẽ không bao giờ để ba mẹ phải cúi đầu vì lỗi lầm của mình nữa.
Cũng buổi chiều hôm đó, trên chuyến xe buýt, tôi tình cờ nhìn thấy cảnh một người mẹ quê dẫn con trai lên thành phố nhập học. Mẹ che chiếc nón lá cũ kỹ cho con trai mình, lo sợ con ướt dưới cơn mưa lất phất. Lời ru thuở nào lại vang lên trong tôi: “Ầu ơ… Cầu tre lắc lẻo mẹ dẫn con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”.
Những hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí tôi, nhắc tôi về tình thương vô bờ của cha mẹ. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ có tình yêu và sự bảo bọc.
Vài năm sau, tôi nghe tin ông Năm, người cậu của mẹ tôi, bị ung thư giai đoạn cuối. Ông từng sang Pháp để xây dựng cuộc sống mới cho gia đình. Những năm đầu xa quê hương, ông đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng khi về già, ông bà lại không được sống gần con cái mà phải thuê nhà trong khu dành cho người già neo đơn.
Tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể. Ông chưa bao giờ quên những ánh mắt lạnh nhạt và sự dằn hắt của các con dâu, nhưng vì thương con trai tật nguyền, ông đành im lặng. Lời ru của ông trĩu nặng nỗi đau bị bỏ rơi. Ông đã mang cánh cò của mình, cõng không chỉ nắng mà còn cả những giọt nước mắt cay đắng qua dòng sông đời người.
Cánh cò ấy, bao giờ mới nhẹ bớt?
Và tôi hiểu rằng, cuộc đời của những bậc cha mẹ, dù khó khăn hay tủi nhục, vẫn luôn dành trọn cho con cái mình. Bởi cha mẹ, dù ở trong hoàn cảnh nào, cũng chỉ mong con được an yên, trưởng thành. Giống như cánh cò kia, lặng lẽ cõng nắng qua sông, chở hết những nỗi đau và giọt nước mắt cay nồng.
Ngọc Ánh