Cần có một giải thưởng Phật giáo tầm quốc tế

Chiều ngày 22 tháng 2 năm 2022 chúng tôi tổ chức lễ phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam” đồng thời đưa ra mong muốn triển khai giải thưởng “Khuyến Đọc Việt Nam” nhằm động viên khuyến khích các tập thể và cá nhân hết mình cho công tác khuyến đọc, có những đóng góp lớn cho phát triển văn hoá đọc nước nhà.

Dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các cá nhân. Kết quả khiêm tốn ban đầu là đến nay 62 tủ sách đã được tặng, mỗi tháng tặng các bạn đọc cá nhân 220 cuốn sách, 91 chương trình “Đọc sách cùng nhau – Reading Books Together”, hơn 30 chương trình livestream kết nối với các tác giả, dịch giả, biên tập viên, chuyên gia,… với bạn đọc.

Cũng ngay tối ngày  22 tháng 2 năm 2022 đó, chúng tôi lại đã ngồi với nhau để bàn về dự án “Khuyến tu” kèm theo giải thưởng “Khuyến tu” với mong muốn động viên, khích lệ các cá nhân và tập thể hết lòng truyền bá, lan truyền chánh pháp, mang những triết lý vi diệu “Thiết thực hiện tại; Đến để mà thấy; Không có thời gian; Có tính hướng thượng; Cho người trí tự mình giác ngộ” của Đạo Phật đến với toàn xã hội. Việc khuyến tu vẫn được làm tốt trong nhiều năm nay, nhưng có lẽ cần những kế hoạch lớn, tổng thể, dài hơi, cần những quyết tâm cao, sự tham gia của số đông để Chánh Pháp được lan toả sâu rộng hơn nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà

Thế rồi, nhân rằm tháng 7 vừa qua, khi kết thúc mùa an cư kiết hạ, chúng tôi lại ngồi với nhau bàn về một mong muốn lớn hơn, một ý tưởng cần thiết phải triển khai, một việc làm cần làm, càng sớm càng tốt. Đó là GIẢI THƯỞNG PHẬT GIÁO.

Như chúng ta đã biết, Giải thưởng Nobel rất nổi tiếng và có uy tín. Giải thưởng quốc tế này  được tổ chức trao hằng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hoà bình. Được biết, tổng cộng đã có 962 cá nhân gồm 905 nam và 57 nữ và 25 tổ chức đã nhận giải này. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, vào thời điểm năm 2020, mỗi giải thưởng trị giá 10.000.000 SEK tương đương với 1,144 triệu USD, hoặc 968.000 €.

Huy chương Fields được coi là Giải thưởng Nobel Toán học vì đây là giải thưởng được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực toán học. Giải Fields được trao 4 năm một lần. Cũng cần biết thêm rằng giá trị tiền thưởng của giải Fields là 15.000 USD. GS Ngô Bảo Châu đã vinh dự được nhận giải thưởng này

Ông Phạm Nhật Vượng Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Nhà sáng lập Quỹ VinFuture

Ông Phạm Nhật Vượng Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Nhà sáng lập Quỹ VinFuture

Có một Vingroup khác: Quỹ Thiện Tâm!

Ngày nhận được tin về ý tưởng Giải thưởng VinFuture tôi rất sung sướng, rất xúc động. Tôi đã nói ngay với các anh chị trong ban chuẩn bị giải thưởng rằng đây là việc làm rất lớn, không chỉ của Vin Group mà còn là niềm tự hào của đất nước Việt Nam chúng ta. Tôi xin tình nguyện xung phong làm bất cứ gì có thể để góp phần, dù chỉ là 1 giọt nước nhỏ trong đại dương nước mênh mông của giải thưởng quá tuyệt vời này. Thật tâm là như vậy!

Như chúng ta biết rất rõ, VinFuture có một Giải Thưởng Chính trị giá 70 tỉ đồng, tương đương 3 triệu USD; ba giải Đặc Biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỉ đồng, tương đương 500.000 USD, dành cho khoa học đổi mới từ các nước đang phát triển, phụ nữ trong khoa học và lĩnh vực nghiên cứu mới.

Ngày lễ trao giải VinFuture tôi có mặt trong sự hồi hộp. Tôi đến Nhà hát lớn khá sớm để quan sát, để cảm nhận, để thấy và biết rõ về một giải thường lớn, có giá trị, rất ý nghĩa được trao ngay tại Việt Nam, bởi một doanh nghiệp Việt Nam, tại nơi rất trang trọng. Tôi đã thật sự xúc động trong buổi tối hôm đó và niềm vui này lan trong tôi rất lâu sau đó.

Sau buổi tối của lễ trao giải VinFuture, cũng ngay tại Nhà hát lớn, tôi được các anh chị VinGroup tặng một bức tượng Phật bằng ngọc xanh rất đẹp. Tôi đã mang về trong niềm vui được nhân lên! Được biết bức tượng được tạc tại Thái Lan bởi các nghệ nhân đã tạc bức tượng Phật Ngọc Hoà Bình Thế Giới của ngài Ian Green và ngọc cũng được VinGroup mua ở Canada, cạnh ngay khối ngọc mà ngài Ian Green đã mua để tạc Phật Ngọc Hoà Bình. Tôi vẫn đang để bức tượng Phật quý giá này tại phòng làm việc ở công ty và như một món quà quý, như một thông điệp từ vũ trụ và Tam Bảo.

TS Nguyễn Mạnh Hùng có nhiều bài viết về đạo Phật.

TS Nguyễn Mạnh Hùng có nhiều bài viết về đạo Phật.

Và mấy hôm nay, ngồi ngắm bức tượng Phật ngọc rất sáng và đẹp, rất có thần thái và ý nghĩa này, tôi trăn trở về ý tưởng GIẢI THƯỞNG PHẬT GIÁO tầm quốc tế. Giải thưởng lớn này, nếu không trao hàng năm thì cũng phải 2 năm một lần hoặc ít nhất là 4 năm một lần. Giải thưởng này phải được trao cho cá cá nhân và tập thể có đóng góp lớn nhất cho Phật Giáo. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ban giám khảo có thể chọn ra những người xứng đáng nhận giải từ khắp thế giới và họ cần được tôn vinh. Bởi trong tâm khảm chúng tôi, không có nhà bác học nào vĩ đại hơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và không có thầy giáo nào, không có nhà giáo dục nào vĩ đại hơn Ngài. Tôi tin rằng, lễ trao GIẢI THƯỞNG PHẬT GIÁO lần đầu tiên tại Hà Nội sẽ đưa vị thế của Việt Nam chúng ta lên tầm cao mới. Bởi Việt Nam là đất nước Phật giáo. Bởi Việt Nam ta có thiền sư Khương Tăng Hội và biết bao thiền sư nổi tiếng khác. Bởi đất nước chúng ta có thời kỳ Lý – Trần vàng son. Bởi Phật giáo hiện nay đang phát triển rất mạnh trên khắp mọi miền đất nước.

Cuốn sách “Thế Giới Phật Giáo”.

Cuốn sách “Thế Giới Phật Giáo”.

Và tôi cũng vẫn đang cùng các cộng sự âm thầm cho mong muốn từ mấy chục năm nay: xuất khẩu thiền ra thế giới. Trên tay tôi lúc này là cuốn sách “Thế Giới Phật Giáo” phiên bản đặc biệt được xuất bản với số lượng hạn chế, rất đẹp, rất trân trọng, rất ý nghĩa. Tôi đang muốn tặng ngay cho ai đó đang có suy nghĩ giống tôi, hay là ít nhất ủng hộ ý tưởng của tôi.

05.09.2022

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà