Cảm hứng sáng tạo, ức chế và giải tỏa

Tôi thong dong đi giữa thế cuộc mà tu theo cách của mình. Tôi không bị buộc ràng với thanh qui, giáo luật, mỗi ngày tôi sống “độc cư” trong không gian của sáng tạo, lấy “giới luật” lấy “giáo pháp” làm thầy. Thậm chí tôi chưa kịp chuẩn bị cho mình một “pháp danh”…

 

Đã nhiều lần tôi chia sẻ về công việc của mình, một nhà báo, một cây bút lý luận phê bình, viết văn, làm thơ…và sau này khi từ giả vị trí một viên chức, tôi chọn một công việc nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn, an định hơn vừa tu tập vừa làm bài thu hoạch. Tôi viết cho Phatgiao.org.vn, và cũng từ đây, mỗi một ngày tôi đang trở thành là một con người khác. Các bạn có quyền nghi ngờ nhưng thực tế hoàn toàn chính xác là vậy.

Chính ngòi bút là sự bộc lộ chân xác con người thực của mình: văn là người, tôi viết, tôi tư duy những vấn đề trong giáo Pháp đúng như lời Phật dạy “Hãy thắp đuốc lên mà đi” “Hãy nương vào chính mình, không dựa vào gì khác”. Tôi thong dong đi giữa thế cuộc mà tu theo cách của mình. Tôi không bị buộc ràng với thanh qui, giáo luật, mỗi ngày tôi sống “độc cư” trong không gian của sáng tạo, lấy “giới luật” lấy “giáo pháp” làm thầy. Thậm chí tôi chưa kịp chuẩn bị cho mình một “pháp danh”…

Thực sự tôi chưa có pháp danh  để mà giới thiệu với mọi người. Đó cũng chính là một điểm “yếu” nhắc nhở tôi thận trọng hơn một khi đã viết cho những người vốn là Phật tử, vốn là những Tỳ kheo một lòng vững tin chánh Pháp thì không cho phép xem thường, không cho phép sai sót.

Mới đây, một người vốn là người bạn đồng niên, một Phật tử thuần thành, người dựng lên đến 3 trú xứ ở TP.HCM, ở Bình Thuận và một ở Nghệ An rất chân thành khuyên tôi nên “Thôi, dừng viết đi”, công việc suốt ngày như vậy tạo nên “ức chế tâm lý”. Cần dành thời gian xả tâm ly dục ly ác pháp, tu tập để giải thoát. Người bạn thú thực rằng từ lâu xem tôi như người trót vướng nghiệp, phải trả nên thôi chịu. Giờ thì đã đến lúc “tẩy não”, “cải tạo”, phải hoà nhập vào cái cộng đồng ngày ngày lao tác, nghe pháp, sinh hoạt theo cái chung…Và như vậy anh không phải là một ngoại lệ để tuỳ tiện…đứng ngoài để xách tấn. Phải vào khuôn phép?!

Tôi biết: “…Tu ly dục ly ác pháp. Đó là ngồi chơi như người vô sự, không nhắm măt, gò bó ức chế tâm…” (lập luận được truyền dạy) Một người làm việc với tư duy, giúp tư duy hoạt động để mỗi ngày nâng cao năng lực ấy, để nhận thức rõ ràng hơn về nhân quả, để mỗi ngày một khá hơn, thấy được quan niệm hôm qua, hôm kia chưa đúng và điều  chỉnh nó thuận chiều nhân quả thiện lương, chân thành hơn, đó đúng với lời dạy của Đức Phật. “Hãy thắp đuốc lên mà đi” nó không có nghĩa là ức chế.

426539780_439304452090572_6853548837058282234_n

Ức chế là hoạt động không tư duy, một áp lực từ trên xuống cứ nhất nhất tuân phục theo lời chỉ giáo của bậc bề trên, không trải nghiệm, thực nghiệm, cứ thuộc lòng lời dạy, không tư duy đó mới chính là ức chế vì không chịu hành xử theo lời dạy của trí tuệ, của lương tri, của ý thức. Hoạt động của ý thức, hôm nay có thể sai, ngày mai lại thấy và sửa nó, ngày kia lại tiếp tục sửa. Tiếp tục tư duy, tiếp tục sửa…đó mới gọi là tu, sao lại gọi là ức chế. Ngồi chơi đi nhưng để suy nghĩ, để tư duy chứ đừng tiếp tục nhồi nhét theo ý muốn của bất kỳ ai. Bởi thức ăn của  tinh thần cũng không khác với thể chất, cần được tiêu hoá, thẩm thấu một cách tự nhiên không ức chế. Cứ ép mình đến ngán ngẩm mà cố nuốt, cố thuộc đó mới chính là ức chế chứ…”.

Chính cách tu học của Châu Lợi Bàn Đặc lại hiệu quả hơn các học trò nhiều tri thức, đa văn như A-Nan vì sự trải nghiệm, không chịu sự chi phối của “sở tri chướng”. Sau những ngày tháng sống trong trú xứ gần như thoát ly thế tục, tôi từ giả anh bạn, nhẹ nhàng, không tranh luận. Tương tự như lần tôi nói đến Bát chánh đạo trong 37 phẩm. Anh bảo “Trong 37 phẩm trơ đạo không có Bát Chánh Đạo”. Tôi lại thôi, không tranh luận. Từ Bình Thuận (trú xứ Làng Chay) “bốc Honda”, tôi chạy về Bình Dương cứ phom phom như một thời trai trẻ, một phóng viên lăn xả không ngại nắng mưa, sương gió, mặc cho anh bạn hết lời khuyên can. Thực sự giữa chúng tôi không có gì bất hoà, chỉ có chưa đồng tình với nhau trong cách nhìn nhận sự “ức chế”.  Anh coi tôi là người ức chế, hoang tưởng khi luôn đặt ra những vấn đề về trạng thái “ức chế” trong tu tập Phật giáo Nguyên thuỷ. Hoang tưởng hay ức chế với tôi hoàn toàn khác nó là sự sai sử của tưởng dục, của ham muốn, của sự ép mình cưỡng bức tư duy, của sự thiếu vắng phản tỉnh, thiếu vắng sự cảm nhận, suy xét của hành trình nhận thức. Nói chung, trong giáo dục “học thuộc lòng” mới chính là ức chế.

Tôi copy cho anh một đoạn trong bài viết gần đây như vừa kể trên.

Vấn đề thực sự đến với tôi khi chính con tôi, đứa con trong gia đình mà tôi đã chia sẻ là “trung gian” trong một gia đình 3 chế độ ăn

– Tôi thực hành theo Nguyên Thuỷ “ăn chay ngày một bữa”

– Con tôi ăn chay nhưng 3 bữa

– Vợ tôi ngã mặn hoàn toàn vì không theo cách sống “khắc kỷ”

Con tôi cũng khuyên tôi hệt như người bạn mà tôi vừa kể. “Ba không thấy rằng từ khi ba hành trì pháp tu, niềm tin của ba, sự sáng tạo của ba đã kéo ba đi xa mọi người ra sao. Ba tạo ra sự cách biệt với mọi người. Cái dục của sự “sáng tạo” làm ba say sưa ngày một lún sâu hơn”.

Tôi vẫn thường nhắc mình đừng tỏ ra “lập dị”, giờ giống như cái tát cuối cùng, khiến tôi nhớ đến bài viết của thầy Thích Thái Hoà “Tu là đụng chạm” . Và đặc biệt hơn ai hết tôi hiểu mình là một con cua trong thau nhôm cố vượt thoát bầy đàn, vượt thoát sự vây hãm của nhân quả.

Đã từ lâu, tôi nghiệm xét thật thấu đáo để nhìn nhận giá trị của lý nhân quả. Tôi biết chấp nhận sự sòng phẳng của vay trả, trả vay, của nhân quả. Điều đó có nghĩa rằng anh chưa dứt hẳn nợ nhân gian, nợ thế tục thì còn nhân còn quả  là tự nhiên. Tôi luôn bị buộc phải nghiệm xét thật thấu đáo đâu là hiệu ứng số đông và đâu là chân lý. “Chân lý” và “hiệu ứng cộng đồng” hoàn toàn khác nhau. Chân lý là đạo mà hiệu ứng là đời. Cứ theo cái đúng của thế tục thì Tất Đạt Đa đã không trở thành Đức Phật, cứ yên vị thứ bậc một thái tử để lên ngôi trị vì, làm vua làm chúa, sống trong cung vàng điện ngọc. Và chúng ta đã… không có đạo Phật.

Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh tôi để bạn cảm nhận đầy đủ những điều mà mọi người nghĩ về bạn, luận về bạn, một con người “tự ức chế”, say sưa như con thiêu thân lao vào ánh đèn… Và để cùng các bạn, chúng ta phân tích 2 trạng thái ức chế và giải toả đây chính là vấn đề mà tất cả các “làng tu Phật giáo Nguyên Thuỷ” một giáo phái thịnh hành từ Nam đến Bắc hiện nay đang cần khảo nghiệm, thẩm xét.

Ức chế: Đó là một trạng thái gò ép vào một ý tưởng nào đấy mà tự thân bạn không được phép cưỡng lại, không được “xét lại”, bạn phải ngoan ngoãn thực hành theo, không luận đúng sai. Nhất nhất tuân thủ theo “y lệnh” của bác sĩ cũng là một cung cách ức chế để thực hành “cái đúng”. Nếu người bệnh “bật chế độ hoạt động” tâm lý để tiếp nhận, để thấy mình đang làm theo sự chỉ đạo, dẫn dắt của “nhận biết” của “trí tuệ” tức là bạn đang làm theo lời dạy của Đức Phật “thắp đuốc lên” chứ không phải nhắm mắt mà đi. Cái “y lệnh” kia không dẫn đường mà “ý thức” bạn dẫn đường. Sự nhầm lẫn của người xả tâm lại chính là những người ức chế khủng khiếp vì giờ giấc sinh hoạt, vì “thanh qui” vì “oai nghi tế hạnh”…

Ở rất nhiều trú xứ, họ đi qua nhau lầm lầm, lũi lũi, chẳng ai nói đến ai một lời với suy nghĩ “đóng kín các cửa” phòng hộ các căn. Những người quản xứ tương tự như “quản giáo” trại cải tạo, đúng giờ gọi cửa  từng thất (ngay từ 2 giờ đêm các bạn ạ) để bắt đầu công phu, hành trì. Lối cai quản như trại cải tạo chỉ không diễn ra ở trú xứ Yên Bái của thầy P.L. Với một “đức tin tôn giáo” sự ức chế được bảo đảm duy trì thường trực, thật nghiêm mật, không thoát ra được. Và rồi nhiều người đã xin thôi, từ giả trú xứ sau một thời gian tu tập chẳng đến đâu. Thoát ra khỏi trú xứ, nhiều người ngơ ngơ, ngáo ngáo mất một thời gian khá dài. Và cũng chính từ đây, không có trú xứ nào “ổn định quân số”. “Tu tập độc cư”, “phòng hộ các căn” đó là các pháp vi diệu của Đức Phật đã bị hiểu sai khi hành trì. Đức Phật dạy 3 pháp cho người sơ cơ: Phòng hộ các căn/ chú tâm tỉnh giác/ Tiết độ ăn uống. Trong đó sống độc cư ( trong thất) là điều kiện để hổ trợ 3 pháp.

1. Phòng hộ:  nó không có nghĩa là “đóng kín cửa” mà những người độc cư áp dụng, không cho gió lùa vào. Thấu triệt Tứ chánh cần. Đó là việc cần làm, một cơn gió thổi vào hay một hơi thở đi ra đều đi qua cái bộ lọc đó: Ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện…Đấy mới là phòng hộ.

2. Chú tâm tỉnh giác không phải nhồi thật thiều giáo lý vào đến vượt quá công suất của “bộ máy tiêu hoá”. Các bạn còn chưa thấm thía sự “vượt ngưỡng” của bộ máy tiêu hoá là thế nào. Đó là tình trạng mà lâu nay, mọi thứ bị tống xuất ra khi chưa kịp “hấp thụ”. Bộ máy tiêu hoá của bạn từ lâu đã hỏng mà bạn không biết. Nó chỉ hoạt động theo chu kỳ, theo công suất…của nó. Bộ máy tiêu hoá của bạn chịu sự nhiếp phục của tham dục, của đắm nhiễm mà bạn không hay. Chú tâm tỉnh giác là ý thức chủ động thoát ra khỏi tình trạng đắm nhiễm đó.

3. Và đây một phương pháp chữa bệnh cho bộ máy tiêu hoá cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đó là tiết độ ăn uống. Tiết độ ăn uống, nếu bạn không thể luyện tập được ăn chay ngày một bữa thì cũng đừng nên tiếp tục ức chế mình làm gì. Đó là điều kiện quyết định con đường tu tập rốt ráo. Ức chế chưa bao giờ được mổ xẻ, phân tích để Phật tử chọn lựa. Cũng chính vì vậy, họ pha trộn hai khái niệm thiểu dục tri túc với ly dục, ăn chay ngày một bữa.

Cách pha trộn khái niệm không khác với thủ thuật pha trộn hàng trong kinh doanh khi tất cả nhãn hàng cứ là loại 1 cho dù là chính phẩm hay thứ phẩm.

“…Tu ly dục ly ác pháp. Đó là ngồi chơi như người vô sự, không nhắm măt, gò bó ức chế tâm…” Để hiểu được thế nào là ức chế ngươi ta cần hiểu được nguyên lý hoạt động của “trí tuệ”. Nó không bao giờ là sự nhồi nhét. Nhồi nhét tức “ức chế” bạn phải được chọn lựa thức ăn. Mỗi con người đều có những hình tướng, nhân tướng và đặc tướng  sai biệt, chẳng ai giống ai. Dồn nhau vào một chỗ để truyền pháp đó là điều bất ổn mà tất cả trú xứ cứ nhại theo i xì. Hoạt động “tư duy” lại được gọi là “ức chế” chẳng nghiệm xét gì cứ cố mà “nuốt” mọi thứ được mớm vào một cách ngoan ngoãn như người bệnh với “y lệnh” thế mà bảo rằng không ức chế, là xả tâm thực lòng tôi chưa thông anh bạn của tôi ơi.

Tôi nói điều này lại là một đụng chạm đến phương pháp tu tập của các bạn, đó là khi mà Bát chánh đạo bị bốc ra khỏi 37 phẩm trợ đạo, làm nền tảng tu tập cứ như đó là một công thức cơ bản,  như là mảnh vườn ươm A-la-hán. Không bao giờ chánh kiến, chánh tư duy là khuôn thước, là công thức để áp dụng. Tư duy không hình tướng, chánh kiến không hình tướng. Nó luôn là khái niệm, là tương tác, là sự vận động để từ đấy sản sinh: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định…

Sư B.N từng giải thích Giới Định Tuệ, ba bậc từ thấp đến cao trong chương trình hoằng pháp của Đức Trưởng Lão được ví như tiểu học, trung học, và đại học lại được sư thuyết: “…chánh kiến,chánh tư duy thuộc về tuệ, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn thuộc giới, chánh niệm, chánh định thuộc về định..”. Đó chính là sai lầm do nhồi nhét kiến thức đã dẫn chúng ta đến thực trạng này. Khi mà lộ trình tu tâp lại được diễn giải theo trình tự Tuệ – Giới – Định tức là “lấy bằng” đại học đi đã rồi mới về học tiểu học và sau đó vào trung học!. Đây là trường hợp điển hình cho tình trạng triển khai Bát chánh đạo (theo thứ tự) như một tập hợp pháp , một chuẩn mực công thức gieo ươm A-la-han, chứ không còn là “phẩm trợ đạo”. Nêu lên sai làm căn bản này không là sự đả phá, công kích mà là chỉnh đốn, xây dựng lại những cái sai rất cơ bản.

Có lẽ đến đây cũng đã quá dài cho một đề mục là ức chế. Tôi xin tiếp tục sang đề mục thứ hai là  giải tỏa.

Giải tỏa: Hoạt động tâm lý của con người thực sự là sự tương thích giữa thức và tưởng mà ít ai lưu tâm xem cái tưởng đã tham gia theo kiểu nào trong từng hành động. Nếu thức là trực giác thì tưởng là hệ xử lý mà chính khi thực hiện định hiện tại an lạc trú là ta loại tưởng ra, chỉ để sống với sự nhận chân hiện thực như bài kinh Nhất dạ hiền.

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây,

Không động, không rung chuyển.

Khi bạn ra chợ mua bó rau, con cá, thì tưởng cũng cùng đi để “tư vấn” cho bạn chọn lựa, đánh giá, xấu tốt, mắc rẽ…Ý thức, cận ý thức (tiềm thức) và tàng thức. Đó là 3 tầng của tảng băng trôi theo phân tâm học. Chính vì không hiểu cái nguyên lý đó khi bạn không đồng tình với ai thì lại cho rằng “người ấy bị tưởng – bị hoang tưởng” nặng nề rồi. Nếu không cần phải nghiệm xét như kinh “Nhất dạ hiền” vừa kể tức ban đang an trú trong định: xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, diệt hỉ ưu đã có  để thong dong đi vào tứ thiền, tịnh chỉ các hành, tịnh chỉ hơi thở, một trạng thái vượt thoát cái ranh giới nhị nguyên: thiện, ác- đúng sai- thành bại…Đó là cái ranh giới của sự pha trộn âm dương vừa đối kháng, vừa tương hợp, vừa tương sinh vừa tương khắc…mà gần như tất cả các hành giả thường ước ao nhập vào trạng thái cao nhất của thiền định Tứ thánh đó.

Nhưng cuối cùng những đệ tử đã chọn lọc của thầy đều bị ngũ ấm ma  quật ngã. Diệt tưởng và thọ đó là cái mốc cuối cùng mà người tu tập thiền định phải vượt qua được. Nó là công phu điều thân (diệt thọ) điều tâm (diệt tưởng) không lúc nào ngơi nghỉ. Để diệt được tưởng bạn phải luôn làm chủ được tư duy phán đoán được thiện ác điều không dễ dàng nhận ra gương mặt thật khi mà cái ác bao giờ cũng đeo bám cái thiện, trà trộn, nguỵ trang, nhiếp phục…cái thiện (trong âm có dương, trong dương có âm). Bạn muốn đạt đến cái ranh giới Nhất dạ hiền một cách khiên cưỡng, đi tắt bằng sự nhồi nhét, sự tuân phục…

Điều thân và điều tâm đó là hai hoạt động đồng thời của con đường thiền định mà Đức Phật đã dày công khai phá, trải nghiệm và trao truyền cho hậu thế chưa bao giờ được phân tích đầy đủ, hành trì nghiêm mật để có A-la-hán thật sự, để nối tiếp con đường giải thoát sang bờ bên kia.

Mới đây “…Vị giáo phẩm đứng đầu Hội đồng Chứng minh GHPGVN nhấn mạnh về tầm quan trọng pháp hành Tứ niệm xứ, vai trò của Tứ chánh cần trong sự thực hành Thiền định; đồng thời ngài cũng chia sẻ những kinh nghiệm điều thân qua việc tiết giảm ăn uống theo nếp thiểu dục tri túc của phương Đông nhằm vượt lên và vượt qua được các chướng duyên của đời người…”.

Chưa bao giờ tôi nghe ai nhắc đến việc “điều thân” cho đến nay ngoài vị Trưởng Lão Thích Trí Quảng đã nhắc nhở mọi người. Đây chính là chiếc chìa khoá mà Trưởng lão Thích Thông Lạc tìm thấy nhưng rồi lại đánh rơi vì hiểu sai giá trị: nhất tâm, tứ niệm xứ, tứ chánh cần… Nhất tâm là định là thiền định mà HT. Thích Trí Quảng đã nhắc đến. Nó luôn đi cùng với những người bạn đồng hành Tứ chánh cần, Tứ niệm xứ.  Anh xé nhỏ chúng ra, đem Tứ niệm xứ đi, rồi mang Bát chánh đạo  rời khỏi 37 phẩm…Đó là cuộc cách tân táo bạo theo phong cách của đại chúng bộ…

Kỳ Nam