Cái tôi dù lành mạnh tốt đẹp tới đâu vẫn chỉ là ảo tưởng

Thưa Thầy, con rất thích câu Thầy nói “Chỉ có giải thoát hoàn toàn khi chấm dứt bản ngã, chứ không có bản ngã giải thoát hoàn toàn!”. Con cũng hiểu ý Thầy khi thầy nói đại ý tu để hoàn thiện bản ngã thì không bao giờ giải thoát.

 

Nhưng con có một kinh nghiệm thế này xin Thầy chỉ cho con có gì sai không? Cách đây mấy năm khi con đọc phần về “phức cảm tự tôn” trong cuốn “Một kỹ thuật sống”, tự nhiên con cảm thấy là muốn vô ngã thì trước hết phải phát triển một cái Tôi lành mạnh.

“Cái Tôi lành mạnh” con nói ở đây không phải là hoàn thiện cái Tôi mà là khi “Tôi” thoát khỏi mặc cảm tự ti hay phức cảm tự tôn, nghĩa là khi không còn so sánh mình kém hay hơn người khác, mà việc so sánh đấy là biểu hiện cơ bản của bản ngã.

Lúc đó con cảm thấy đó là một cảm nhận rất quý giá đối với con, từ đó con bắt đầu cảm thấy bình an hơn, không so sánh thì con thấy bớt ghen tị và kiêu mạn. Con nghĩ nếu con nói phát triển cái Tôi lành mạnh theo ý đó thì không sai với ý của Thầy đúng không ạ?

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trả lời:

Rất nhiều người hiểu như con. Nhưng không đúng.

Con lầm cái tôi ảo tưởng với cái hoạt dụng của hợp thể pháp danh & sắc trong mỗi người.

Nếu con nói vậy thì một người chứng tuệ danh-sắc tức không thấy cái Tôi (bản ngã ảo tưởng) trong thân tâm sẽ không tu tiến được nữa sao?

Và một vị Tu-đà-hoàn không còn ngã kiến cũng không còn động cơ nào để tu tập đến A-la-hán được nữa sao?

Thực ra chính lúc đó tánh biết tự tu chứ không phải cái Tôi ảo tưởng tu, đúng không?

Trong cuốn sách con đọc là nói về sự tiến bộ theo dòng Đời, còn tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha là nói sự giác ngộ giải thoát theo dòng Pháp. Trong dòng đời vẫn có dòng pháp nhưng dòng pháp là chân đế (paramattha sacca) còn dòng đời là tục đế (sammuti sacca).

Có ngã thì chỉ tiến bộ trong tục đế, vô ngã mới giác ngộ chân đế đó con…

Thầy Viên Minh