Cái gốc của phước đức là gì?
Gốc rễ của trăm ngàn ức phước đức của Chư Phật Như Lai chính là điều đầu tiên trong tịnh nghiệp tam phước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”.
Gốc chính là thập thiện nghiệp đạo, làm sao chúng ta có thể lơ là được?
Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện cũng nói đến điều này, nhưng có khinh trọng khác nhau, là lấy “hiếu thân tôn sư” làm trọng. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo với kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện không hai không khác, nhưng nghiêng nặng về “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Hai bộ kinh này hợp chung lại xem thì điều thứ nhất của “tịnh nghiệp tam phước” là viên mãn rồi.
Chư Phật Bồ-tát khởi tu từ chỗ này và cũng hoàn thành ở ngay chỗ này. Phát tâm khởi tu, đây chính là Bồ-tát phát tâm trụ. Công đức viên mãn chính là Phật quả cứu cánh. Phật quả cứu cánh chẳng qua là đem mười sáu chữ trong điều một này làm đến thật sự viên mãn mà thôi. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, sau đó mới biết được tu học như thế nào? Cho nên “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp” là vô cùng quan trọng.
Chúng ta thử nghĩ, thân của chúng ta sinh ra từ trăm ngàn ức nghiệp chướng. Theo như lời trong kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh cõi diêm phù đề khởi tâm động niệm, đều là tội lỗi”, chúng ta là sinh ra từ tội nghiệp. Tại sao có hiện tượng này vậy? Thực ra chúng ta trong kinh giáo trải qua thời gian tu học dài như vậy không phải không hiểu, mà hiểu cả! Tội nghiệp của chúng ta là niệm niệm đều là lợi ích riêng tư. Ý nghĩ lợi ích riêng tư, xưa nay chưa từng nói là một giây, một phút nào buông xả đi, không hề! Niệm niệm đều là lợi ích riêng tư, đây chính là tội! Trong kinh Địa Tạng nói: “Khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”.
Phật là phước, là đức. Phật khởi tâm động niệm quyết không vì chính mình. Làm sao biết vậy? Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Phật Bồ-tát vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”; “vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến”. Cho nên, các Ngài thành tựu là vô lượng phước đức. Chúng ta khởi tâm động niệm là lợi ích riêng tư, đây là đầy đủ bốn tướng, toàn là tội lỗi. Đạo lý này hiểu rõ ràng rồi, chân tướng sự thật cũng hiểu rõ rồi, chúng ta phải làm như thế nào đây? Có nên học Phật hay không? Quả báo của Phật, câu phía dưới nói: “Tùng bách thiên ức, phước đức sở sanh”, đây là nhân, dưới đây nói quả là “chư tướng trang nghiêm”. Câu này là nói tổng quát về quả báo.
Phật Đà thị hiện ở trong thế gian này của chúng ta, chúng sanh ở thế gian này phước mỏng, các Ngài luôn luôn hiện cùng loại thân với tất cả chúng sanh, ở trong cùng loại thân nhưng tương đối tốt hơn một chút là “32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp”, tướng tốt ở trong cùng loại thân. Trong kinh tán thán báo thân của Phật, Phật Lô-xá-na ở trong kinh Hoa Nghiêm, Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc là “thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, không phải 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Đây là cảnh giới trên quả vị Như Lai, nói với phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta cũng không có cách gì lý giải. Chúng ta có thể đối với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, về mặt tương đối có thể lý giải được một chút, có thể thể hội được một chút.
Kẻ chí sĩ ở thế gian là giống như tôn giả A-Nan, nhìn thấy tướng đẹp sáng ngời của Phật, phát tâm học tập theo Phật. Đây là đem quả báo trưng bày ra. Chúng ta xem thử quả báo này tốt hay không? Nếu như bạn cảm thấy quả báo này tốt, bạn cũng muốn có, vậy bạn cần phải tu nhân giống như Phật Bồ-tát vậy. Nhân tròn thì quả đủ ngay. Bạn không tu nhân thì quả báo chắc chắn không thể có được. Ý nghĩa của đoạn văn này sâu rộng vô cùng. Chúng ta phải rất tỉ mỉ mà thể hội, phải biết tu học như thế nào.
HT. Tịnh Không