Cái gì là “hồn” của Trúc Lâm?
Có một người khách khác tới chùa, ông thầy Tri khách tiếp chuyện. Họ khen Thiền viện Trúc Lâm đẹp, ông Tri khách liền nói: Quí vị thấy chùa Trúc Lâm đẹp, đó là cái xác của Trúc Lâm, chưa phải hồn của Trúc Lâm…
Ông Tri khách nói như vậy mà không giải thích, thành ra ông khách ôm lòng thắc mắc, chưa biết cái gì là hồn của Trúc Lâm.
Bất thần ông hỏi một thầy khác:
– Thưa thầy, cái gì là hồn của Trúc Lâm?
Ông thầy kia đáp thật thà:
– Thầy Viện trưởng là hồn Trúc Lâm.
Ông khách không bằng lòng, tìm đến Thầy hỏi.
Tụi con thấy khó cho Thầy chưa?
Nếu Thầy nói người trả lời sai, tức phủ nhận người gần Thầy chưa thấu đáo.
Nếu nói trúng thì chưa hài lòng Thầy.
Nên Thầy trả lời:
– Thầy đó nói rất hợp lý, bởi người thế gian thường quan niệm chủ nhà là linh hồn tạo nên sự nghiệp.
Thầy đó tưởng Phật tử là người mới đến với đạo, hiểu theo nghĩa thông thường, nên mới chỉ thầy Viện trưởng là linh hồn Trúc Lâm.
Đúng ra, phương pháp tu là linh hồn.
Ông khách nói:
– Thưa thầy, nói như vậy con cũng chưa bằng lòng, vì linh hồn là cái không có tướng, không sanh diệt, nếu hồn Trúc lâm là tướng sanh diệt, con không thể chấp nhận.
Thầy trả lời tiếp:
– Đó cũng là nói theo lẽ thường.
Thầy sẽ nói hồn Trúc Lâm phát xuất từ đức Phật Thích-ca.
Đức Phật xuất gia và tìm ra chân lý, Ngài giác ngộ và đi truyền bá, đó là cái hồn.
Không phải chỉ nơi đức Phật, mà chư Tổ cho đến Tổ Trúc Lâm Yên Tử, bây giờ tới Thầy cũng đem hồn đó truyền cho mọi người.
Cái đó không phải chỉ có nơi con người, mà bàng bạc khắp cả muôn loài, mọi nơi.
Nghe gió thổi thông reo cũng là hồn Trúc Lâm, thấy mây bay cũng là hồn Trúc Lâm, tất cả đều là hồn Trúc Lâm.
Thầy nói vậy ông khách mới chịu.
Vậy tụi con biết hồn Trúc Lâm chưa?
Để mai kia người ta hỏi trả lời cho đúng, bằng không gặp người hiểu đạo chút chút, họ bẻ lại.
Bởi vậy, tụi con tu có tư cách một tu sĩ thanh tịnh, tu hành nghiêm mật đàng hoàng, đó là phương pháp tu Trúc Lâm chớ không phải hồn Trúc Lâm.
Mai kia tụi con nhận ra nơi mình có cái bất sanh bất diệt, chẳng những riêng mình mà tất cả đều có, đó là tụi con biết được hồn Trúc Lâm.
Hồn Trúc Lâm vĩnh viễn không bị vô thường chi phối.
Phật pháp không khó hành.
Sở dĩ thấy khó vì tất cả chúng sanh chạy theo hình thức thế gian quen rồi, bây giờ nói điều cao siêu vượt ngoài thế tình thì hơi hoảng.
Thí dụ Thầy nói nhà kiểu này kiểu kia có hình ảnh dễ thấy, còn nói hồn Trúc Lâm không biết lấy đâu mà dò tìm.
Khó ở chỗ không có hình thức, ngôn từ để bám víu, nhưng tu rồi sẽ thấy dễ.
Đây chính là mục tiêu đời tu.
Trích trong: Câu Chuyện Buổi Chiều (II).
HT. Thích Thanh Từ