Các loại vãng sinh theo kinh điển Phật giáo
Cực Lạc Vãng Sanh và Đâu Suất Vãng Sanh là hai dòng tư tưởng chủ lưu của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,.. Đối với Tam Luân Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông,.. Cực Lạc Vãng Sanh là phương pháp tự lực thành đạo.
Vãng sanh được chia làm 3 loại: Cực Lạc Vãng Sanh, căn cứ vào thuyết của Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh và A Di Đà Kinh; tức là xa lìa thế giới Ta Bà, đi về cõi Cực Lạc Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây, hóa sanh trong hoa sen của cõi đó.
Thập Phương Vãng Sanh, căn cứ vào thuyết của Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh, tức vãng sanh về các cõi Tịnh Độ khác ngoài thế giới của đức Phật A Di Đà.
Đâu Suất Vãng Sanh, y cứ vào thuyết của Di Lặc Thượng Sanh Kinh cũng như Di Lặc Hạ Sanh Kinh; có nghĩa rằng Bồ Tát Di Lặc hiện đang trú tại Nội Viện Đâu Suất, đến 16 ức 7 ngàn vạn năm sau, Ngài sẽ giáng sanh xuống cõi Ta Bà để hóa độ chúng sanh. Người tu pháp môn này sẽ được vãng sanh về cung trời Đâu Suất, tương lai sẽ cùng Bồ Tát Di Lặc xuống thế giới Ta Bà. Phần nhiều hành giả Pháp Tướng Tông đều tu theo pháp môn này.
Ngoài ra, còn có các tín ngưỡng vãng sanh khác như người phụng thờ đức Phật Dược Sư thì sẽ được vãng sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly của Ngài; người phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm thì được vãng sanh về cõi Bổ Đà Lạc Ca; người tín phụng đức Phật Thích Ca thì được sanh về Linh Thứu Sơn; người tín phụng Hoa Nghiêm Kinh thì được vãng sanh về Hoa Tạng Giới; tuy nhiên, các tín ngưỡng này rất ít, nên vẫn chưa hình thành tư trào.
Như đã nêu trên, Cực Lạc Vãng Sanh và Đâu Suất Vãng Sanh là hai dòng tư tưởng chủ lưu của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Đối với Tam Luân Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông, v.v., Cực Lạc Vãng Sanh là phương pháp tự lực thành đạo.
Riêng đối với Tịnh Độ Tông, tư tưởng này nương vào sự cứu độ của đức giáo chủ Di Đà làm con đường thành Phật, nên được gọi là Tha Lực Tín Ngưỡng. Còn Đâu Suất Vãng Sanh là tư tưởng thích hợp đối với Pháp Tướng Tông, được xem như là pháp môn phương tiện tu đạo.
Tại Nhật Bản, trong Tây Sơn Tịnh Độ Tông có lưu hành 2 thuyết về vãng sanh là Tức Tiện Vãng Sanh và Đương Đắc Vãng Sanh. Tịnh Độ Chơn Tông thì chủ trương thuyết Hóa Sanh vãng sanh về Chân Thật Báo Độ, và Thai Sanh vãng sanh về Phương Tiện Hóa Độ, v.v..
Một số tác phẩm của Trung Quốc về tư tưởng vãng sanh như An Lạc Tập của Đạo Xước nhà Đường, Vãng Sanh Luận Chú của Đàm Loan thời Bắc Ngụy, v.v.
Về phía Nhật Bản, cũng có khá nhiều thư tịch liên quan đến tư tưởng này như Vãng Sanh Thập Nhân của Vĩnh Quán; Vãng Sanh Yếu Tập của Nguyên Tín; Nhật Bản Vãng Sanh Cực Lạc Ký của Khánh Tư Bảo Dận; Tục Bản Triều Vãng Sanh Truyện của Đại Giang Khuông Phòng; Thập Di Vãng Sanh Truyện, Hậu Thập Di Vãng Sanh Truyện của Tam Thiện Vi Khang; Tam Ngoại Vãng Sanh Truyện của Liên Thiền; Bản Triều Tân Tu Vãng Sanh Truyện của Đằng Nguyên Tông Hữu; Cao Dã Sơn Vãng Sanh Truyện của Như Tịch, v.v.
Thần chú trì tụng để được vãng sanh về cõi Tịnh Độ là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni, còn gọi là Vãng Sanh Quyết Định Chơn Ngôn hay Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú.
Trong Tịnh Độ Chứng Tâm Tập của Vạn Liên Pháp Sư nhà Thanh có câu: “Tam Giáo đồng nguyên, thống Nho Thích Đạo, câu kham niệm Phật, nhất tâm quy mạng, cụ Tín Nguyện Hạnh, tận khả vãng sanh, Ba Giáo cùng gốc, cả Nho Thích Đạo, đều chung Niệm Phật; một lòng quy mạng, đủ Tín Nguyện Hạnh, thảy được vãng sanh).”