Buôn gian bán lận là đốt phước của chính mình

Tổ Ấn Quang từng dạy rằng: “Phận người giàu sang hay nghèo hèn vốn đều do nghiệp nhân từ trước, không phải do duyên hiện tại. Cho nên lúc giàu sang đừng khởi tâm kiêu mạn, lúc nghèo hèn chỉ nên an nhẫn sám hối cùng làm lành lánh ác, rộng tích âm đức mà tự thay đổi số phận của chính mình.”

Theo chuyện “Bà Hàng Trứng Rán” – “Nhân quả báo ứng hiện đời” – Tập 3 – Ni sư Hạnh Doan dịch, Ngài Quả Khanh kể:

“Một buổi chiều năm 1993, có người nhấn chuông cổng. Tôi ra mở cửa thì gặp một phụ nữ độ ngoài 50. Phía sau bà còn có hai cô gái khoảng hai mươi mấy tuổi khiêng theo một bao gạo to.

Tôi hỏi bà tìm ai, bà nói tìm tôi. Nhưng tôi không quen bà (mà bà đối với tôi ra vẻ rất quen). Bà ngoái đầu kêu con gái vào nhà, không đợi tôi mời, đã tự đóng cổng rồi tiến vào phòng khách, sau đó bảo hai con thả bao gạo xuống để cùng theo bà bái Phật. Họ lễ xong, tôi vẫn chưa nhận ra bà là ai.

 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Bà cười nói:

– Một năm trước tôi có tới nhà tôn huynh, tôi là bà hàng trứng rán nè.

Tôi nghe qua thì sực nhớ, liền nói:

– Ôi, xin lỗi, tôi nhất thời không nhận ra, xin mời ngồi! Lưng bà khỏe hẳn chưa?

– Dạ khỏe rồi. Hôm nay tôi cho hai con khiêng bao gạo này đến để cảm tạ. Tôi biết tôn huynh xưa nay không nhận quà, nhưng hôm nay tôn huynh nhất định phải nhận bao gạo này. Vì nhờ tôn huynh và vị sư phụ kia mà tôi mới sống được đến ngày hôm nay.

Nghe bà nói, dòng tư tưởng tôi trôi về quá khứ…

“Năm ngoái, một cư sĩ dẫn bà tới nhà tôi. Chồng bà bị chứng “thoát đĩa đệm cột sống”, phải nằm trên giường 6 năm. Tuy bà ân cần chăm sóc, nhưng cuối cùng ông vẫn không thể đứng dậy và đã qua đời nửa năm trước.

Ngờ đâu, bà cũng mắc chứng bịnh giống vậy. Nghĩ đến chồng mình bị bịnh hành, tiêu tốn rất nhiều tiền mà không giữ được mạng, bà nghĩ thầm: “Chi bằng mình chết sớm tốt hơn, khỏi làm lụy đến hai con!” Vì vậy mà bà không thèm đi khám bịnh, cũng chẳng uống thuốc chi.

Con gái biết được ý mẹ, vạn phần lo lắng. Chúng bèn đến chùa Quan Âm cầu Phật gia hộ. May gặp một cư sĩ tốt bụng (trước đây ông là láng giềng của họ). Sau khi biết chuyện, ông rất cảm thông. Sẵn dịp nghe tin Hòa thượng Diệu Pháp vừa đến nhà tôi, ông bèn dắt bà tới, cầu sư phụ chỉ cho con đường sống.

Hòa thượng lắng nghe bà kể rõ bịnh tình rồi, liền hỏi:

– Nghề bà mưu sinh có liên hệ đến trứng gà?

Bà có vẻ kinh ngạc, nói:

– Con sống bằng nghề bán bánh trứng rán, một ngày tối đa tráng mười mấy cân trứng. Có phải vụ này liên hệ tới bịnh của con?

– Bà làm vậy không phải đề kiếm tiền sao?

– Dạ, con nương vào sức lao động chân chính để kiếm tiền, mong ngài chỉ giùm nguyên nhân bị bịnh.

– Bà đừng trách tôi nói thẳng nhé. Một cân khoảng 11-12 trứng gà, bà tính mỗi cân chỉ có 7- 8 trứng, còn bán trứng gà nhỏ cao bằng giá trứng gà lớn. Bà kiếm lời trong chỗ cân thiếu này, phải thế chăng?

Bà đáp:

– Dạ, ai cũng làm vậy, để kiếm chút tiền mà. Trên thực tế, đâu phải là khách không biết, nhưng lúc mua chẳng ai để tâm so đo.

– Nói theo Phật pháp thì bà làm vậy là tham, là dối lừa. Bà bán hàng, cân thiếu vì mong có thêm chút tiền. Nhưng “giọt nước lâu ngày xuyên thủng đá, tích ác nhỏ sẽ thành họa lớn”. Đây là nguyên nhân căn bịnh của bà.

– Thế chồng tôi không liên can việc này, vì sao cũng bịnh giống vậy?

Sư phụ nhẫn nại giải thích:

– Bị giống một chứng bịnh không có nghĩa là đồng một nguyên nhân!

Ví như bịnh cảm sốt – đa số các chứng viêm thường bắt đầu từ bịnh sốt cả – Có thể bà sẽ hỏi, phải chăng ai bán bánh trứng rán cũng mắc bệnh này? Đây không nhất định! Mỗi người từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, nhân quả chồng chéo phức tạp, chẳng ai giống nhau.

Đọc báo chúng ta thấy mô tả tai nạn xe, cũng đồng một tai nạn nhưng kẻ thì chết thảm, có người bị văng ra xa mấy mét nhưng lại bình an vô sự, tưởng chết lại được sống… Nghĩa là có rất nhiều chuyện lạ lùng ngoài sức tưởng, nhưng thực ra đây đều liên quan đến đức hạnh của mỗi người. Những người sống thiện, dù gặp nạn dữ rất dễ hóa lành, hay biến nguy thành an. Chuyện làm ăn buôn bán kiếm tiền là thường tình, là “thiên kinh địa nghĩa”.

Cổ nhân nói: “Quân tử yêu tài, thủ chi hữu đạo” nghĩa là “dù ưa tiền, song kiếm tiền cũng phải có đạo đức”. Bà đã cân thiếu hai lượng, dùng hành vi giả dối này làm phương pháp phát tài là không có đạo đức. Hơn nữa, việc này đồng nghĩa với “dưỡng hổ vi họa”. Hiện giờ số tiền lớn nhờ cân thiếu mà kiếm được, trong tương lai bà sẽ phải đổ vào chi phí thuốc men hết mà không đủ nữa… Tôi giải thích vậy bà có tiếp thu được chăng?

– Sư phụ, con rõ rồi. Sau này sẽ khống tham tài, lừa khách hàng nữa.

Hòa thượng bảo bà thỉnh tôn tượng Phật về thờ, mỗi ngày lễ bái sám hối. Bởi bà không biết chữ nên Hòa thượng dạy bà khi lạy Phật cứ niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, và phải phóng sinh, thì bịnh bà có thể lành.

Lúc ra về, bà cảm thấy lưng khỏe hơn rất nhiều, nên càng tăng thêm tín tâm đối với Phật pháp.

Thật không ngờ, hơn một năm thì bịnh bà lành. Còn chuyên trình đến đây đáp tạ”.

Bà thấy tôi không chịu nhận bao gạo, kích động nói:

– Sau khi tôi từ nhà tôn huynh ra về, ngày nào cũng nghĩ đến những việc làm thất đức của mình, lòng ăn năn khôn xiết. Hôm sau vội đi thỉnh tượng Quán Âm về thờ, hằng ngày thắp hương lễ bái. Một ngày lễ tối đa ba trăm lạy, lưng tôi chẳng những không đau mà ngày càng khỏe lên. Nhưng có một hôm, đột nhiên lưng tồi đau kịch liệt, đau tới đứng không nổi. Các con khuyên tôi nên đi bịnh viện.

Tôi nói: – Bịnh viện nếu chữa được thì ba tụi bây đã không chết. Sư phụ kia nói đúng, má tin ông ta!

Thực ra, dù bịnh lành hay không tôi cũng tin! Ai bảo tôi phạm tội buôn bán gian xảo làm chi? Đau đớn hành tới mức tôi chẳng thể ngồi được nữa. Tôi đành nằm trên giường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi niệm kiên trì như thế cả tháng.

Một đêm nọ tôi nằm mộng, thấy Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện trước mặt mình. Tôi vội khấu đầu làm lễ, Bồ Tát hỏi:

– Con ngày ngày niệm danh ta là muốn cầu điều gì?

Tôi thưa:

– Con do tham tài mà lưng đau, bị “thoát đĩa đệm cột sống”, xin Ngài trị bịnh giúp cho. Con mà lành rồi thì ngày ngày luôn niệm Phật, lễ Phật.

Bồ Tát cúi xuống, đưa tay sờ vào lưng tôi, mỉm cười bảo:

– Ngươi vốn không có bịnh. Nếu bị bịnh thì sao có thể khấu đầu làm lễ trước ta được?

Nói xong Bồ Tát biến mất. Tôi mừng rỡ niệm to danh Ngài rồi ngồi bật dậy trên giường. Hai con gái bị tiếng của tôi đánh thức, vội chạy tới bên giường an ủi. Đột nhiên chúng kinh ngạc, vui mừng reo lên:

– Má, má ngồi dậy được rồi nè!

Lúc này tôi mới phát hiện mình đã tự ngồi dậy được. Hồi tưởng lại tình cảnh trong mộng thì đột nhiên lưng có cảm giác nóng ấm, hết sức dễ chịu, thư thái. Lúc này mới biết là bịnh mình lành rồi, lòng quá cảm động, lệ tuôn không cầm được. Tôi kể cho hai con nghe chuyện giấc mộng, chúng chưa tin lắm.

Tôi bảo hai con đỡ mình dậy, chúng dìu tôi đi thử mấy bước, lưng tôi một chút cũng không thấy đau, chỉ là hai giò còn hơi yếu, tôi hiểu đây là tại mình nằm mãi trên giường hơn cả tháng. Thế là ba mẹ con chúng tôi mừng đến không ngủ được.

Bịnh lành hẳn hoàn toàn. Lòng tôi tràn đầy niềm tri ân Bồ Tát Quán Thế Âm, đồng thời cũng nhớ đến ông xã giờ đã thành nắm tro xương. Nếu như ổng được gặp Phật pháp, chẳng phải là đã cứu được rồi sao? Thế là tôi quyết định về quê, ra thăm mộ ông, khoe là tôi từ cõi chết mà được sống.

Thăm mộ xong, bà con thân thích mời tôi ghé chơi mấy ngày, tôi bằng lòng. Trong thời gian ở quê, thấy người ta gặt còn sót bông lúa rất nhiều. Tôi hỏi người trong thôn:

– Lúa còn sót dữ quá sao không ai mót hết vậy?

Họ đáp: – Hiện nay nhà ai cũng sung túc khá giả, nên chẳng thèm phơi đầu dưới nắng mót lúa làm chi nữa.

Tôi hỏi: – Vậy… tôi mót có được không?

Họ đáp: – Có gi mà không được, vài ngày sau rơm, rạ đều sẽ bị thiêu trụi hết thôi.

Ngừng một lúc bà nói tiếp:

– Tôi thấy lúa còn sót quá nhiều mà bị đem đốt hết thì rất uổng, bèn bỏ ra một tuần để mót lúa, mót được bốn ôm to đùng. Đem xay ra thành 98 kí gạo. Hôm nay tôi chở tới cho tôn huynh 50 kí. Đây chẳng phải là lễ vật gì đâu, mà muốn để tôn huynh biết lưng tôi thật sự lành rồi (nên mới có thể khom lâu như vậy để mót ra ngần ấy gạo đó!) Xem như Phật Bồ-tát đã ban cho tôi mạng sống lần thứ hai!

Tôi thường nhờ con gái giúp tôi tụng kinh “Bồ Tát Quán Thế Âm Phổ Môn Phẩm” hồi hướng phúc cho chúng sinh. Kính tặng tôn huynh bao gạo này để cùng chia vui với chúng tôi.

Tôi mỉm cười bảo:

– Tôi không dám thu lễ của bà đâu! Hãy đem đến chùa cúng dường người xuất gia đi, vì các vị ấy mới là đại diện Phật tại nhân gian. Hơn nữa, hòa thượng Diệu Pháp cũng là người xuất gia đấy! Tự thân và không thể không âm thầm sinh tâm sám hối. Tính ra tuổi tôi lớn hơn cô, thời gian tạo nghiệp ắt nhiều hơn, tham tâm cũng bự, to hơn và chuyện vấp sai lầm càng “khủng” hơn!

Cô gái này tính cách lương thiện, chưa đánh mất nét thuần khiết, chất phác. Còn tôi thì cực kỳ nóng nảy, các lỗi ngu si, tham sân v.v… có đủ hết. Nếu chẳng sớm tu hành, tiền đồ bi thảm ắt có thể tưởng tượng được.

Những câu chuyện nhân quả phát sinh bên cạnh tôi, không ngừng cảnh tỉnh, sách tấn tôi rằng: “Phải ráng tu, thời giờ không đợi mình đâu!””

Ni sư Hạnh Đoan soạn dịch