Bước đầu tiên để thoát khổ

Dukkha là một trong ba pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) – những chân lý cốt lõi của Phật giáo.

 

Tại sao không nói là khổ vì nếu nói khổ thì đối lập với nó là vui nhưng trong chữ dukkha thì vui cũng chính là dukkha. Nếu dịch cho dễ hiểu thì là bất như ý, vì không những khổ là điều bất như ý mà đôi khi cả vui cũng có những điều bất như ý. Nó là vị đắng của cuộc đời.

Cuộc sống vốn dĩ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà luôn ẩn chứa những điều bất như ý, những thử thách và khó khăn. Nó có thể đến từ những điều nhỏ bé như việc làm đổ ly cà phê buổi sáng, hay những biến cố lớn lao như mất đi người thân, thất nghiệp, thất tình, hay mắc bệnh hiểm nghèo.

Dù rơi vào trường hợp nào, những điều bất như ý đều mang đến cho chúng ta những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng, tức giận, hay thậm chí là tuyệt vọng.

vượt-qua-nỗi-sợ-hãi-mùa-dịch-1

Khổ bắt nguồn từ tham ái – sự ham muốn, chấp trước vào những thứ không thuộc về bản thân. Khi chúng ta mong muốn có được thứ gì đó mà không thể, hoặc cố gắng níu giữ những thứ vốn dĩ vô thường, ta sẽ sinh ra khổ đau. Tuy nhiên, thay vì chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, chúng ta cần học cách đối diện và vượt qua những điều bất như ý một cách tích cực.

Nhận thức được khổ là bước đầu tiên để thoát khỏi nó. Khi chúng ta hiểu rõ bản chất của dukkha, chúng ta sẽ không còn cố gắng níu giữ những thứ không thuộc về mình, và từ đó giảm bớt sự tham ái, dẫn đến giảm bớt khổ đau. Cách đối diện với những điều bất như ý đầu tiên là chấp nhận, điều này rất quan trọng vì phải hiểu rằng những điều bất như ý là một phần của cuộc sống. Không ai có thể tránh khỏi những điều này. Thay vì cố gắng chống lại hay phủ nhận nó, hãy học cách chấp nhận và đối diện với nó một cách bình tĩnh. Kế đến là tìm ra nguyên nhân (tập đế) của những điều bất như ý đó. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp chúng ta có những cách giải quyết phù hợp hơn. Kế đến là dùng cách để giải thoát khỏi khổ (đạo đế), trong đó con đường căn bản nhất là tu tập theo Bát Chánh đạo. Tu tập theo Bát Chánh đạo là con đường dẫn đến sự Giác ngộ, giúp con người thoát khỏi bể khổ luân hồi và đạt được Niết-bàn – trạng thái an lạc hoàn toàn.

Hãy nhớ rằng, những điều bất như ý là một phần của cuộc sống, và nó là cơ hội để chúng ta học hỏi và trưởng thành. Hãy đối diện với nó một cách tích cực, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Vượt qua những điều bất như ý không phải là điều dễ dàng, nhưng nó hoàn toàn có thể. Hãy có thái độ đúng đắn khi đối diện với dukkha. Buông xả để được bình yên.

 

Dạ Khách (nhà sư)