Bức tranh sơn thủy Vũ Lăng Nghiêm
Đến Vũ Lăng Nguyên vào bất cứ mùa nào trong năm cũng có thể cảm nhận vẻ nguy nga, hùng vĩ, hoang sơ của đất trời nơi này. Những ngọn núi đột khởi, vách đá dựng đứng cao ngất giữa rừng già, huyệt động âm u, sâu thẳm, chiều về từng áng mây bảng lảng trên lưng trời xanh thẳm… Tất cả tạo cảm giác kỳ thú như chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian.
Nhìn từ độ cao ngàn mét
Quần thể thiên nhiên Vũ Lăng Nguyên chia làm ba khu vực chính, gồm: Công viên Rừng quốc gia, Vườn Địa chất quốc gia và ba khu bảo tồn thiên nhiên: thung lũng Sở Khê, núi Thiên Tử, Trương Gia Giới với tổng diện tích khoảng 391km2, riêng khu vực cảnh quan trung tâm rộng trên 250km2.
Vũ Lăng Nguyên có hệ sinh thái gần như nguyên thủy, địa mạo rừng núi đa dạng với trên 3.000 ngọn núi hình thù kỳ dị, hơn 800 con suối vắt vẻo qua rặng núi, rừng già… Năm 1980, Vũ Lăng Nguyên bắt đầu được khai thác phục vụ khách tham quan, năm 1988 chính thức trở thành Danh thắng trọng điểm quốc gia, đồng thời thành lập chính quyền Khu Vũ Lăng Nguyên.
Để chiêm ngưỡng cảnh quan này, người ta đã làm những con đường ăn sâu vào rừng, đi xuyên qua núi, như: cáp treo, thang cuốn trong lòng núi, thang máy áp sát vách núi, hệ thống đài quan sát nhìn từ trên cao, 999 bậc thang lên trời, cung đường 99 khúc cua, đặc biệt là cây cầu kính dài 403m nằm ở độ cao 1.430m so với mực nước biển nối qua hai tảng núi sừng sững… Tất cả công trình này vừa giúp du khách đến gần di sản chiêm ngưỡng vẻ nguy nga, kỳ vĩ, đồ sộ của thiên nhiên, vừa là bằng chứng ghi nhận sức người trên phương diện chinh phục thử thách.
Ngồi trên cáp treo lơ lửng, đung đưa qua rặng núi dựng đứng như cột trụ trời hiên ngang, không thể tưởng tượng thiên nhiên đã sáng tạo ra cảnh tượng ấy hàng triệu triệu năm về trước. Vào thời viễn cổ, Vũ Lăng Nguyên còn là đại dương mênh mông. Sau khi biển lùi, các lớp trầm tích lưu lại trên nham cát, đá thạch anh, đá ong cùng cảnh quan kỳ vĩ. Khi thời khắc, khí tượng chuyển mùa, chuyển mình, những ngọn núi thoắt ẩn thoắt hiện sau bức màn mây mù vần vũ. Cảnh núi rừng mơ màng, mây mù điệp trùng bao phủ khu rừng tạo nên vẻ thần bí, đượm chất “Liêu trai”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Dương Khiết lại chọn Vũ Lăng Nguyên làm bối cảnh tập phim “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”. Vì, đây hội tụ cả năm sắc thái: kỳ vĩ, oai hùng, u tịch, hoang dã và tú lệ.
Chiêm ngưỡng vẻ choáng ngợp của thiên nhiên mới hiểu tại sao đề tài sơn thủy lại ám ảnh nhiều họa sĩ Trung Quốc đến thế, đồng thời tiết lộ ai là người thầy đầu tiên dạy vẽ sơn thủy. Từ cổ chí kim, đề tài sơn thủy luôn dẫn đầu các thể tài trong tranh thủy mặc. Nó như một giá trị trường tồn. Sơn thủy chính là hình ảnh phóng dụ từ thiên nhiên. Suối, rừng, khe núi, tùng, trúc, hoa, điểu… tất cả đã đi từ thiên nhiên vào hội họa thủy mặc. Xưa kia, nhiều họa sĩ trước khi vẽ đã phải lên đường vào núi học tập, quan sát khí tượng. Sau khi thâu nhiếp sự biến ảo của thời tiết, khí tượng, khí núi, mây mù… vào ký ức, từ hình ảnh vãng lai trở thành thường trú trong tâm hồn, rồi chờ một ngày đẹp trời chúng sẽ nhảy múa trên giấy lụa.
Đường vào di sản
Địa chất Vũ Lăng Nguyên chủ yếu cấu tạo bởi đá ong thạch anh, gồm 3.103 ngọn núi phân bổ trên độ cao từ 500 đến 1.100m so với mực nước biển. Chúng có dạng trụ đá đột khởi giữa rừng núi điệp trùng, đáng kể có quần thể Thiên Tử sơn nằm phía bắc Vũ Lăng Nguyên. Thiên Tử sơn cao 1.262m so với mực nước biển. Con đường quanh co lên núi dài hơn 40km. Còn thung lũng Sở Khê, khu cảnh quan thiên nhiên có trên 2.000 ngọn núi, 19 rãnh nước, 6 khe suối, cùng các danh thắng như dãy hành lang tranh Thập Lý, thác Uyên Ương, cửa Trời Nam, động Hoàng Long…
Bên cạnh địa hình, địa chất phức tạp, khí hậu ôn hòa, lượng mưa phong phú của Vũ Lăng Nguyên cũng trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi sống quần thể thực vật nguyên thủy rậm rạp. Ở đây, rừng bao phủ với mật độ 88%, nơi bảo tồn 4 loại thực vật quý hiếm cấp 1 quốc gia, 19 loại cấp 2, thực vật mẫu 770 loại, trong đó, thông Vũ Lăng là loại độc nhất vô nhị. Ngoài ra, còn có Củng đồng, cây Bá Lạc, thông quả đỏ miền Nam, thông quả trắng, thông bí tử ba nhánh…
Để chiêm ngưỡng cảnh nguy nga, đồ sộ của thiên nhiên Vũ Lăng Nguyên, hệ thống cáp treo, thang máy, thang cuốn, đường đèo, thang lên trời… băng rừng, vượt núi, đi xuyên lòng núi, vách động, cộng thêm những cây cầu treo leo, lơ lửng bắc ngang huyệt động, tạc sâu vào lòng núi hiểm trở… qua đó, du khách có thể ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ trên cao xuống, từ dưới thấp lên, tất cả như những tạo vật trong tuyệt tác đất trời.
Làng mây giữa chốn non ngàn
Cùng với dung nham, huyệt động, thác nước, núi, rừng… Vũ Lăng Nguyên chính là ngôi làng của mây. Ngay giữa mùa hạ tiết trời tạnh ráo xanh trong, những áng mây phiêu bồng vẫn lởn vởn, quẩn quanh, không rời xa khu rừng. Ngồi trên cáp treo lơ lửng băng qua dãy núi, tăng dần lên cao, mây la đà xung quanh như có cảm giác bị vây hãm bởi màn sương trắng xóa. Nhờ mây, sương mù khiến cho cảm giác sợ hãi độ cao vơi đi phần nào. Mây bay ngang đầu, mây quanh quẩn dưới chân, mây thấp thoáng, chập chờn khắp sườn núi, mùi mây quyện vào gió lạnh. Tất cả vẽ nên lạc cảnh giữa chốn mây ngàn. Khi bước lên một ngọn núi cao ngất có thể nhìn thấy mây trải dải miên man bất tận. So với những đám mây khổng lồ vươn dần ra xa, con người thật nhỏ bé. Xóm làng của mây ngự trị ngay giữa Vũ Lăng Nguyên. Chiều về, mây lang thang qua đỉnh núi, sà xuống cánh rừng và tối về ngủ trên lưng trời.