Bức thư gửi Đức Bồ Đề Đạt Ma

Thuở nhỏ, tôi có nghe một vị thiền sư giảng: Người chết sẽ mở mắt cho người sống. Tâm luôn đặt ở quá khứ thì không thể đạt được đâu. Tâm luôn khao khát ở hiện tại thì cũng không thể đạt được đâu.

Tâm luôn mong đợi tương lai cũng không thể đạt được đâu. Vị lai trở nên hiện sinh. Hiện sinh trở thành vãng khứ. Tìm kiếm không phải là con tim nối kết cả ba đâu. Những gì không thể nói được là những gì rất nhiều người theo đuổi. Khi đó, do còn nhỏ tuổi, nên tôi chưa thể hiểu hết ý tứ cao thâm trong lời giảng này, nhưng bây giờ, khi đã trưởng thành, khi ở tuổi 27, tôi mới thấm thía từng câu, từng chữ của vị thiền sư này.

Đức Đạt Ma

Đức Đạt Ma

Một thời gian về trước, tôi có đọc được một câu chuyện rất hay và ý nghĩa về sinh và tử: Một bà mẹ có đứa con vừa mất vì tai nạn đến gặp Đấng Thế Tôn Như Lai để xin Phật Tổ hồi sinh con mình. Đức Thế Tôn Như Lai nói: “Bà hãy đi xin một ít dầu đốt đèn của gia đình nào có ba thế hệ cùng chung sống trở lên mà không có người thân đã an nghỉ nơi Hoàng Tuyền về đây. Nếu bà xin được, ta sẽ giúp bà hồi sinh con trai bà. Người phụ nữ lớn tuổi đi khắp phủ huyện, đến đâu bà cũng kể lại tình cảnh của mình và lời nói của Đấng Thế Tôn Như Lai. Mọi người ai nấy đều thương cảm cho tình cảnh đau thương cảu bà và cảm phục tình mẫu tử cao quý của người phụ nữ lớn tuổi này. Nhưng đến tận giờ Tý, bà quay lại gặp Phật Tổ mà không mang theo được một giọt dầu đốt đèn nào. Bà khóc lóc và cầu xin Đấng Như Lai hãy hồi sinh con trai bà dù bà không thực hiện được yêu cầu của Thế Tôn vì tất cả gia đình mà bà đi xin dầu đều có ít nhất một người thân đã tạ thế. Lúc bấy giờ, Đức Như Lai mới nói: “Sinh tử là lẽ tất yếu, không thể tách rời nhau, ta cảm phục tình cảm thiêng liêng của bà dành cho con mình, nhưng ta mong bà hiểu quy luật bất di bất dịch của chốn Tam Sinh Cửu Thế để sớm giác ngộ chân lý trong cõi vô thường này.” Nhớ lại câu chuyện này, tôi càng hiểu sâu sắc thế nào là “Người chết sẽ mở mắt cho người sống.”

Người chết sẽ mở mắt cho người sống, không chỉ đối với quy luật sinh tử mà còn đối với nhiều đạo lý khác nữa. Phật giáo ra đời rất lâu trước khi Tâm Lý Học ra đời; nhưng tư tưởng của hai học thuyết này có sự giao thoa với nhau. Vị thiền sư chỉ bảo cho tôi thì nói rằng người chết sẽ mở mắt cho người sống, còn khi tôi học môn Tâm Lý Học Nhân Cách ở giảng đường Đại Học thì tôi gặp lại tư tưởng này trong thuyết Học Tập Xã Hội của nhà Tâm Lý Học Albert Bandura. Khái lược học thuyết đó như sau: “Mọi người trong xã hội đều học hỏi gần như mọi thứ của nhau, kể cả tốt lẫn xấu. Chúng ta học tập xã hội kể cả từ kết quả tốt đẹp lẫn kết quả tồi tệ của người khác. Nhưng Bandura cũng chỉ ra rằng vì đặc thù của xã hội loài người chúng ta, mà mỗi người học tập từ thất bại, từ kết quả tồi tệ của người khác dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc học tập từ thành công và kết quả tốt đẹp của người khác. Để thành công cần sự tinh túy, mà khi ta quan sát một người thành công, khó mà nhận biết tất cả những gì tinh túy đó bằng mắt. Thậm chí nhiều lúc ta biết đến một người thành công không phải bằng việc chứng kiến mà chỉ bằng việc nghe kể lại, khi đó càng khó khăn hơn để học được bí quyết thành công của người đó. Chưa kể là có những nét tinh túy không thể nhận biết bằng mắt, và chưa kể là người thành công cố tình giấu đi bí quyết của họ. Nhưng khi một người thất bại ê chề, lâm vào tình cảnh tồi tệ, thậm chí đến mức mất mạng thì mọi nguyên do dẫn kết kết quả đó dễ được nhận biết hơn rất nhiều so với bí quyết thành công.” Vậy không phải là người chết mở mắt cho người sống sao?

“Tâm luôn đặt ở quá khứ thì không thể đạt được đâu. Tâm luôn khao khát ở hiện tại thì cũng không thể đạt được đâu. Tâm luôn mong đợi tương lai cũng không thể đạt được đâu. Vị lai trở nên hiện sinh. Hiện sinh trở thành vãng khứ. Tìm kiếm không phải là con tim nối kết cả ba đâu.” Nghĩa là gì? Lời giảng này chính là đang đề cập đến tâm ý con người và bộ ba “Quá Khứ – Hiện Tại – Tương Lai.” Quá khứ không phải không là gì cả, nó là kỷ niệm, là bài học, nhưng đừng để nó phá hoại hiện tại và cản bước tương lai. Sẽ rất sai lầm khi luôn đặt tâm ở quá khứ. Trên đời này không ít chúng sinh chấp mê bất ngộ mà níu kéo quá khứ, không chịu buông bỏ. Nhưng tâm cũng không thể luôn khao khát ở hiện tại. Đúng là hiện tại rất quan trọng. Quá khứ là lịch sử, tương lai là điều bí ẩn, và hiện tại là điều quan trọng nhất, chính vì vậy mà chúng ta gọi nó là “món quà”. Nhưng món quà này sẽ kém đi giá trị nếu bỏ quên quá khứ, lãng quên lịch sử. Chỉ có kẻ cơ trí mới biết đạo lý lấy sử mà noi gương. Không ôn cũ thì làm sao biết mới. Còn nói về tương lai, tương lai tuy là điều bí ẩn nhưng chúng ta cũng có thể dự trù, hoạch định được nó. Điều này được gọi là nhìn xa trông rộng. Sẽ rất sai lầm và thiển cận khi luôn đặt tâm ở hiện tại mà quên hết bài học, kỷ niệm trong quá khứ và không màng đến một tầm nhìn xa cho tương lai. Nhưng ta cũng không thể luôn mong chờ vào tương lai vì không thể có bất cứ ngày mai nào nếu không có ngày hôm nay hoàn thiện, thân thể đầm đìa mồ hôi, thậm chí bê bết máu tươi, làm tất cả mọi thứ thậm chí khiến người khác nghĩ mình bị điên, tất cả chỉ để thấy ngày mai – ngày mai, tương lai được quyết định bởi hiện tại, được quyết định bởi hôm nay, được quyết định ngay bây giờ.

“Tìm kiếm không phải con tim nối kết cả ba đâu.” Nghĩa là sao? Có nghĩa là ta không cần tìm kiếm sự nối kết ba điều này khi nó ở sâu bên trong ta. Sự nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai luôn nằm sâu trong tâm thức ta. Điều cần thiết là đánh thức nó dậy, như đánh thức người khổng lồ đang say ngủ. Khi được đánh thức, người khổng lồ ấy đã sẵn sàng chia đôi bầu trời.

“Những gì không thể nói được là những gì rất nhiều người theo đuổi?” Điều này được hiểu là nhiều khi nhân loại chúng ta theo đuổi những thứ mơ hồ, không cụ thể, không thực tế. Điều này gây nên nhiều cảnh lầm than, thê lương, và đó cũng là một trong những điều sầu muộn lớn nhất của chúng sinh trong cõi vô thường này. Là người khôn ngoan, phải giác tỉnh điều này càng sớm càng tốt.

Thưa Đức Bồ Đề Đạt Ma, hôm nay, một buổi chiều trời xanh không nắng, gió nhẹ thổi những đám mây bạc trôi lang thang, con ngồi bên cửa sổ viết bức thư này cho người. Con mong rằng ở miền Cực Lạc, trên cõi niết bàn, tâm tư của con sẽ vọng đến tai người. Con mong người nhìn thấu, nghe tận nỗi khổ của chúng sinh nhân gian. Con không mong được người chiếu cố, chỉ mong sao người hiểu rằng con ở cõi luân hồi luôn ngưỡng vọng người và luôn ngẩng cao đầu làm một bậc đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất.

Bức thư này không chỉ gửi cho Đức Đạt Ma mà còn gửi cho hết thảy chúng sinh đang khao khát giải thoát khỏi nỗi đau nơi trần thế và biến can qua thành bạch ngọc.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Minh Hoàng; địa chỉ: Đường Nguyễn Hoàng – số nhà 27 – tổ 1 – ấp 4 – xã Sông Trầu – huyện Trảng Bom – tỉnh Đồng Nai.

Nguyễn Minh Hoàng