Bóng mẹ lồng bóng con

Sáu giờ sáng, tiếng chuông cổng leng keng phá vỡ không gian tĩnh mịch một ngày cuối hạ. Chú điệu nhỏ gác vội chiếc chổi tre, lon ton từng bước chân bé xíu ra mở cổng. Mẹ tôi lại sang thăm.

Tôi – một người đã “cắt ái, ly gia” từ những ngày còn để chỏm, nay đã được mấy mươi năm. Nhưng mẹ vẫn thế, luôn lo lắng cho tôi như thuở thiếu thời. Dáng mẹ bây giờ đã thêm phần gầy yếu, xách chiếc làn đi chợ chứa đầy rau trái mà vẫn bảo là mang sang cúng dường chư Tăng mùa Kiết hạ, miệng mom mem chuyện trò cùng chú điệu. Ánh nắng sớm mai ngày cuối hạ trải vàng trời đất, hắt lên mảnh sân chùa tựa như hình ảnh chú bé con tung tăng chạy trước, người mẹ hiền thong thả theo sau. Một bức tranh quá đỗi quen thuộc khiến trái tim tôi ấm áp, tâm hồn tôi bỗng chốc hóa trẻ thơ…

Trong con, mẹ đẹp tuyệt vời

Đảm đang, hiền hậu, suốt đời thanh cao

Lung linh tựa những vì sao

Sáng ngời muôn thuở, ngọt ngào thiên thu

(Sưu tầm)

Hình bóng mẹ trong tôi luôn tuyệt vời như thế. Bởi mẹ và con là sợi dây duyên phận vô cùng kỳ diệu. Từ chín tháng hoài thai, hình hài con lớn dần trong bụng mẹ. Tấm thân gầy mẹ chở che, bao bọc, gói trọn đời con với cả yêu thương. Bắt đầu từ giây phút ấy, trong bóng mẹ đã có con ẩn hiện. Một hình bóng thiêng liêng và cao quý đến vô ngần.

Tấm thân gầy mẹ chở che, bao bọc, gói trọn đời con với cả yêu thương. Bắt đầu từ giây phút ấy, trong bóng mẹ đã có con ẩn hiện.

Tấm thân gầy mẹ chở che, bao bọc, gói trọn đời con với cả yêu thương. Bắt đầu từ giây phút ấy, trong bóng mẹ đã có con ẩn hiện.

Ngày con được sinh ra, bóng mẹ lại ôm lấy bóng con chẳng quản đêm ngày. Từ bú mớm, ẵm bồng đến tắm giặt, lo toan. Tất cả đều chẳng thể thiếu đi bóng hình của mẹ. Những đêm hè oi ả, bóng mẹ in trên tấm phên tre, tay đều đều vẫy chiếc quạt nan cho con yên giấc ngủ. Rồi những ngày trời mưa trở gió, dáng mẹ chưa bao giờ vắng nơi đầu giường con trẻ, thức suốt canh thâu cùng với ngày dài.

Từ những bước chân đầu tiên của con, bóng mẹ vẫn luôn kề cận. Con bập bẹ tiếng “Mẹ ơi!”, vươn cánh tay bé xíu lò dò bước về phía mẹ. Mẹ cũng mở rộng vòng tay, sẵn sàng đón con vào lòng. Khi ấy, bóng mẹ ôm trọn bóng con khắng khít chẳng chia lìa. Dần dần con đã vững bước chân, theo mẹ đi khắp cùng thôn xóm. Líu ríu bước đi trên con đường đất nhỏ, bóng mẹ cùng con nhịp bước song hành.

Ngày qua ngày, năm lại thêm năm. Đứa con bé bỏng của mẹ nay đã lớn. Đi học, đi làm, thành gia lập thất. Bóng con dần ít ở cạnh mẹ hơn. Nhưng bóng mẹ vẫn thế, vẫn lặng yên bên hiên nhà cũ, lặng nghe tiếng gió vi vút hàng tre, lặng chờ một ngày bóng con xuất hiện phía đầu làng, chạy ào vào lòng mẹ như những ngày thơ. Con cứ mải miết tiến về phía trước nào hay mẹ vẫn bước cùng con. Chỉ đến khi vấp ngã giữa dòng đời tấp nập, một đôi bàn tay gầy vội ôm con an ủi, tiếp sức đôi chân đã mỏi mệt, đớn đau. Vậy là con biết mẹ chính là bến đỗ bình yên nhất của cả cuộc đời con.

Mấy mươi năm một cuộc đời, mẹ dành trọn cho con. Bóng mẹ lồng vào bóng con, chở che, vỗ về từng giây từng phút. Chỉ có con trẻ vô tâm, chứ chẳng bao giờ mẹ thôi thương thôi nhớ. Cứ thế mà bóng mẹ dần khòm lúc nào con chẳng biết. Đến khi thảng thốt quay đầu, ta chợt nhận ra, thời gian để ta kề cận bên bóng hình của mẹ đã chẳng còn nhiều nữa. Rồi sẽ đến một ngày:

Gió đưa gió đẩy đầu non

Giờ về quê cũ nay còn mẹ đâu

Ngỡ rằng hôn tóc bạc màu

Ngờ đâu thân mẹ ngủ sâu đất lành.

(Sưu tầm)

Bóng mẹ đã theo mây trời khuất núi để lại đàn con chợt hóa bơ vơ. Nhưng dù có như thế, lòng mẹ vẫn mãi hướng về con. Tháng bảy – tháng Vu Lan – lại về hanh hao màu nắng. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì còn có cha mẹ bên đời. Lặng nhìn bóng mẹ đang rảo bước, tôi ngẩn ngơ nhẩm lại đã bao lâu rồi mình chưa kịp về thăm mẹ, chưa nói với mẹ câu “Con yêu mẹ thật nhiều”. Liệu tôi sẽ còn được bao nhiêu ngày đón mẹ về trong vạt nắng, bao nhiêu lần được mẹ sang thăm?

Cây cau cũ trước hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần rồi mẹ hãy dần dần đi…

(Sưu tầm)

Vậy mới biết, bao tháng ngày qua, chúng con đã vô tâm đến dường nào. Đường đã chẳng xa mà còn xin ngắn lại. Mẹ ơi! Cho con xin một lần phủ phục bên chân mẹ để nói lên lời tri ân và tạ tội. Chắc mẹ sẽ cười mà chẳng trách con đâu. Vì lòng mẹ vẫn luôn là như thế, luôn bao dung, thứ tha cho con dẫu mọi lỗi lầm, chỉ cần con quay trở về. Thậm chí chẳng cần con quay lại, mẹ sẽ sẵn sàng chạy về phía con bất kể đêm ngày. Rồi mẹ lại ôm con, bóng con lại nằm gọn trong bóng mẹ như bao ngày qua chẳng có chia lìa.

Tình thương của mẹ bao la tựa biển, phận làm con biết đáp ra sao? Trong kinh, Đức Phật dạy: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên” nghĩa là ngàn quyển kinh, trăm quyển sách tôn vinh hiếu nghĩa làm đầu. Ngày xưa, chúng ta hay kể nhau nghe câu chuyện nàng Xuân Đào cắt thịt cứu mẹ, ngày nay chúng ta lại bồi hồi xúc động với những người con hiếu hạnh. Chắc hẳn bạn đã nghe câu chuyện chàng trai bỏ du học để hiến gan cứu mẹ hay em bé ngày qua ngày bón thức ăn cho người mẹ cụt tay… Hay nhìn xa hơn vào tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật Thích Ca để thấy chữ hiếu ý nghĩa biết nhường nào. Trong những lần gặp gỡ phụ thân và kế mẫu, Ngài đã thuyết pháp để độ cả hai người chứng đắc quả A-La-Hán, với mẫu hậu, Ngài đã lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ. Chữ Hiếu, sự thể hiện của lòng từ bi được Ngài thể hiện với tất cả bà mẹ đang cư ngụ tại thế gian, trên thiên giới hay đang thọ nghiệp nơi các cõi. Ngài đã thuyết pháp, đưa họ từ nơi tối tăm đến nơi ánh sáng, từ chốn khổ đau đến nơi bình an hạnh phúc. Đức Phật là biểu trưng cao nhất của tấm lòng hiếu thảo, thì thân là những người con Phật, chúng ta hãy theo tấm gương Ngài mà thực hành hiếu đạo trong từng hơi thở, từng phút giây và trong từng hành động nhỏ mỗi ngày. Hiếu không chỉ cho mẹ cha mà còn cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

“Lung linh tình mẹ trong tim

Nâng niu phụng dường, cần tìm đâu xa

Biển trời lồng lộng hoan ca

Vu Lan báo hiếu, mặn mà nghĩa ân”.

(Sưu tầm)

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, tôi xin gửi đôi dòng nhắn nhủ đến với chính bản thân và những người con khác: Xin hãy yêu thương cha mẹ thật nhiều. Bằng cách này hay cách khác, hãy dùng tất cả tấm lòng thành để đáp đền thâm ân trong muôn một. Hãy làm tất cả những gì có thể khi mẹ còn tại thế. Đừng đợi đến khi bóng chiều khuất núi mới ngơ ngẩn tiếc thương. Mẹ đã dùng cả cuộc đời để ôm con thì đến những giây phút cuối, khi tay mẹ đã run, mắt mẹ cũng mờ, xin hãy chủ động bước về phía mẹ, đỡ lấy đôi tay run, gạt đi dòng lệ nơi khóe mắt người. Hãy để đến tận cuối cùng, bóng mẹ mãi mãi lồng vào bóng con trọn vẹn.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con…

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo

Thích Tâm Như