Bông hoa và nụ cười ngài Ca Diếp

Có câu chuyện thiền về bông hoa mà giới thiền tông ai cũng biết. Một ngày kia, Bụt đưa một cành hoa lên trước cử tọa 1.250 vị khất sĩ. Ngài không nói một lời nào.

Ai cũng suy nghĩ nát óc để tìm hiểu ý của Ngài. Bỗng nhiên thấy Bụt mỉm cười. Ngài mỉm cười vì một người trong đoàn khất sĩ đã mỉm cười với Ngài và với bông hoa. Người đó tên là Ma Ha Ca Diếp. Trong đoàn khất sĩ chỉ có một mình Ca Diếp mỉm cười và được đức Bụt cười lại. Ngài nói: “Ta có kho tàng của cái thấy chánh pháp và ta đã trao truyền kho tàng ấy cho Ca Diếp”.

Câu chuyện đã được bàn cải sôi nổi trong giới thiền tông qua nhiều thế hệ và cho đến nay người ta vẫn còn đi tìm ý nghĩa của nó. Với tôi, tôi hiểu rất đơn giản. Khi có người nâng một cành hoa lên trước mắt bạn. Người ấy muốn bạn nhìn thấy bông hoa. Nếu đầu óc bạn bận bịu suy nghĩ thì làm sao bạn nhìn thấy bông hoa?

Chỉ có người nào đầu óc không bận bịu tính toán, người đó đang thảnh thơi thì mới có thể tiếp xúc được với bông hoa và mỉm cười.

 

Chúng ta thực tập chánh niệm là để có thể nhìn sâu vào lòng mọi sự vật trong đời sống hàng ngày, lúc uống trà, lúc đi thiền hành, thiền tọa, hay cắm hoa.

Chúng ta thực tập chánh niệm là để có thể nhìn sâu vào lòng mọi sự vật trong đời sống hàng ngày, lúc uống trà, lúc đi thiền hành, thiền tọa, hay cắm hoa.

Cho nên vấn đề là ở chỗ có mặt trong giây phút hiện tại, nếu không ta sẽ đánh mất tất cả. Khi một em bé đến với bạn và mỉm cười với bạn, nếu bạn không có mặt ở đó, nếu bạn đang bận suy nghĩ về tương lai hay quá khứ hay với bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời, thì dù em bé đang có mặt cũng bằng như không có mặt đối với bạn. Cho nên nghệ thuật sống là biết trở về với chính mình để có thể thấy được em bé là một thực tại tuyệt vời.

Lúc ấy bạn mới có thể thấy được nụ cười của em bé và ôm em bé vào lòng.

Tôi muốn đọc cho bạn nghe bài thơ của một người bạn đã chết tại Sài Gòn cách đây mười lăm năm. Lúc ấy anh ta mới hai mươi tám tuổi. Sau khi anh ta chết, người ta tìm thấy nhiều bài thơ thật hay. Khi tôi đọc bài thơ này của anh, tôi đã giựt mình. Chỉ có một vài dòng, nhưng bài thơ thật đẹp:

Đứng yên ngoài hàng dậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Vừa thoáng nghe em hát

Lời ca em thiên thâu

Tôi sụp lạy cúi đầu.

“Em” đây là một đoá hoa thược dược mà thi sĩ Quách Thoại chợt nhìn thấy một buổi sáng khi đi ngang qua một hàng dậu, anh ta sững sờ, dừng lại và viết bài thơ này.

Bài thơ làm tôi rất cảm động. Bạn có thể cho là nhà thơ hơi huyền bí, vì cách nhìn và diễn đạt sự vật hơi bí hiểm. Thật ra thi sĩ cũng là một

người bình thường như chúng ta. Tôi không biết nhờ đâu mà buổi sáng đó anh ta đã nhìn thấy được đóa hao một cách sâu sắc như vậy. Chúng ta thực tập chánh niệm là để có thể nhìn sâu vào lòng mọi sự vật trong đời sống hàng ngày, lúc uống trà, lúc đi thiền hành, thiền tọa, hay cắm hoa.

Nếu ta dừng lại để quay trở về với chính mình, ta sẽ tiếp xúc được dễ dàng với những mầu nhiệm của đời sống trong giây phút hiện tại.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh