Bốn tâm thái tạo nên một nhân phẩm cao thượng
Từ xưa đến nay, người ta thường dùng tài năng và chức vị để đánh giá một người đàn ông, dùng tướng mạo và hòa khí để đánh giá người phụ nữ, rất ít người đánh giá tâm linh con người. Tâm linh của một người sẽ thể hiện ra phẩm cách của người đó, cũng quyết định sự thành bại cả đời của họ.
Tâm từ bi
Những người tu tập thường nói: “Từ bi là một loại tâm thái cao thượng, là biểu hiện của trí huệ”. Người đắm chìm trong cuộc sống hiện thực, trong sự vây khốn của “danh, lợi, tình” thì khó liễu giải và hiểu hết được ý nghĩa thực sự của từ bi.
Có câu nói rất hay rằng, sự tiến bộ của xã hội là sự tiến bộ của tâm từ bi. Trong cuộc sống hiện thực, nếu chúng ta không thể cải biến được quan niệm tự tư tự lợi thì sẽ không cách nào có thể đối xử từ bi với mọi người xung quanh. Kỳ thực, tâm từ bi tự thân nó đã mang năng lượng vô hạn, có thể khai thông và kết nối mọi sinh mệnh trong thế gian này.
Tâm lượng của một người rộng lớn bao nhiêu thì người ấy có thể có được bấy nhiêu năng lượng. Nếu trong cuộc sống thường ngày, một người luôn từ bi thì tâm lượng của người ấy cũng rộng lớn như cả vũ trụ vậy. Người ấy sẽ có được một loại năng lượng vĩ đại, không gì phá nổi.
Người đàn ông từ bi nhất định có tâm địa thiện lương, làm người nhân hậu, làm việc khiêm nhượng. Người phụ nữ từ bi nhất định sẽ có tri thức, hiểu biết lễ nghĩa, hiền hậu, có phong phạm thục nữ.
Tâm biết ơn
“Đối với mỗi bát cháo ta húp và mỗi hạt gạo ta ăn, ta phải nhớ về sự khó nhọc của người trồng nên chúng. Đối với từng mảnh lụa ta mặc và từng sợi chỉ ta dùng, ta phải nghĩ về công lao của người dệt nên chúng.” Thường xuyên mang trong mình tấm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, là một loại mỹ đức và là một quy phạm căn bản để làm người.
Tâm biết ơn cũng là thể hiện của tấm lòng hiếu kính đối với người bề trên. Một người mà ngay cả cha mẹ mình cũng không có tâm biết ơn thì có thể làm được điều gì vì xã hội? Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, từng ngọn núi, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và sung túc.
Một người có tâm biết ơn thì đó là người hiểu đạo lý. Người đàn ông biết ơn là người có trách nhiệm, đáng tin cậy, là chỗ dựa cho người khác. Người phụ nữ hiểu được biết ơn là người phụ nữ tốt, yêu thương gia đình, che chở tốt cho con cái.
Tâm kính sợ
Cổ nhân có câu: “Sợ thì không dám bất chấp mọi thứ nên sinh ra đức, không sợ nên thuận theo dục vọng của bản thân mà gây ra họa”. Một người không có tâm kính sợ sẽ không kiêng nể gì, muốn làm gì liền làm nấy, coi trời bằng vung, cuối cùng chỉ có thể nhận kết cục bi thương.
Tâm kính sợ chính là kính sợ Trời Đất, kính sợ Đạo, kính sợ nhân quả báo ứng. Bởi vì có tâm kính sợ nên họ luôn cung kính và không làm ra những việc vi phạm luân thường đạo lý, trái đạo đức làm người.
Đối với luân lý đạo đức, quy tắc, điều luật, người ta cần phải có tâm kính sợ thì mới có thể thực hiện được chúng. Ví như đối với người kinh doanh phải giữ chữ tín, đối với người làm quan phải giữ công bằng…
Nếu một người có tâm kính sợ thì đó là người có phẩm cách cao thượng. Người đàn ông biết kính sợ thì sự nghiệp nhất định sẽ thuận lợi, vợ hiền con hiếu, nhiều người nguyện ý kết giao. Tương tự như vậy, một người phụ nữ có tâm kính sợ nhất định có tài nghệ song toàn, khí chất hơn người, nhân ái và hiếm có trong thế gian.
Tâm khoan dung
Cổ nhân có câu: “Nước không phải bởi vì sâu, mà là vì biết dung nạp cho nên mới trở thành rộng lớn”. Con người cũng vậy, bởi vì khoan dung rộng lượng mà trở nên vĩ đại. Khoan dung người khác cũng chính là đối xử tử tế với bản thân mình, bởi vì canh cánh trong lòng chỉ làm tổn hại bản thân mà thôi.
Ngoài ra, khoan dung đối với quá khứ của bản thân chính là đối xử tốt với tương lai của mình. Coi những gì đã trải qua trong quá khứ là lễ vật thì cuộc sống tương lai mới thêm phần phong phú đặc sắc.
Tâm linh của một người sẽ quyết định nhân cách, phẩm giá và vận mệnh của người ấy. Vì vậy, mỗi người hàng ngày đều cần phải tẩy tịnh và dưỡng tốt tâm linh của bản thân mình.
Trích sách “Cho là nhận”.