Bốn pháp tâm tăng thượng: Niệm tưởng Tăng
Tăng-già là đoàn thể xuất gia tu học thanh tịnh và hòa hợp. Nên nhớ nghĩ về Tăng-già với những phẩm chất cao thượng sẽ khiến cho tâm được tăng thượng, hiện pháp lạc trú.
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:
– Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.
…
Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử niệm chúng Tăng, Thánh chúng của Như Lai là những bậc thiện thú hướng, chánh thú hướng, như lý hành, tùy pháp hành, chúng ấy thật có A-la-hán hướng, A-la-hán quả, có A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, có Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, có Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả. Đó là bốn cặp tám bậc, là chúng của Như Lai thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng cúng, là ruộng phước an lành của thế gian.
Người ấy nhớ nghĩ chúng của Như Lai như vậy, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào chúng của Như Lai, tâm được hoan hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ ba, hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])
Tâm tăng thượng nghĩa là tâm được định tĩnh, an trú, định tâm. Kinh tạng Pàli, niệm ân đức Tăng bảo là “Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Thiện hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Trực hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Như lý hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Chân chánh hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn nếu tính đôi thì có bốn, nếu tính riêng rẽ thì có tám. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn đáng được thọ lãnh lễ vật, đáng được nghênh tiếp, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay chào, đáng là phước điền vô thượng ở trên đời”.
Kinh tạng A-hàm, niệm Tăng có chút khác biệt về từ ngữ nhưng nội dung đại thể vẫn tương đồng. Hàng đệ tử Phật (xuất gia và tại gia) luôn niệm Tăng để biết được các phẩm chất tốt đẹp của Tăng-già mà nương tựa, hộ trì. Niệm Tăng để xây dựng lòng tin Tăng bảo, noi gương tu tập. Dù đây đó vẫn còn những người xuất gia chưa thanh tịnh nhưng cá nhân thì không phải Tăng-già. Ngược lại, tôn thờ hay sùng bái một cá nhân cũng không phải niệm Tăng. Tăng-già là đoàn thể xuất gia tu học thanh tịnh và hòa hợp. Nên nhớ nghĩ về Tăng-già với những phẩm chất cao thượng sẽ khiến cho tâm được tăng thượng, hiện pháp lạc trú.