Bốn cách niệm Phật của Hoà thượng Tinh Vân

Hòa thượng dạy: Tôi đã niệm Phật hơn 50 năm, chủ trì các khóa tu Phật thất hơn 100 lần, nên đối với việc niệm Phật tôi có vài điều tâm đắc.

Nay tôi muốn nói ra cho thính chúng nghe. Tôi đề ra 4 pháp niệm, tùy ai thích pháp niệm nào thì cứ theo pháp đó mà thực hành, đi đến chí thành tha thiết để được cảm ứng với Phật A Di Đà.

1. Dùng tâm bi thiết mà niệm Phật: (Như đang gặp nạn, xin Phật cứu ngay; gặp khổ, xin Phật rửa sạch oan khổ): giống như đứa bé bị oan ức, khóc to: “Ôi, mẹ ơi!” Nó rất thương tâm, gào khóc lớn xin mẹ giúp đỡ. Chúng ta niệm A Di Đà Phật cũng theo cách ấy. A Di Đà Phật! A Di Đà Phật. Niệm đến trào nước mắt, niệm đến đau khóc, nhỏ lệ, giống như đứa bé bơ vơ không nơi nương tựa, đem tất cả nỗi oan ức, đau thương giãi bày trước đấng Từ Phụ A-di-đà Phật, niệm hết mực thành khẩn để có thể rửa sạch sầu khổ trong lòng.

2. Dùng tâm hoan hỉ, bình an mà niệm Phật (như lúc thoát được khổ, lòng vui vẻ, hát một bài ca vui): giống như cách ca hát A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Niệm một cách hoan hỉ, giống như đứa trẻ đi lạc biết được đường về, đến quì dưới tòa Phật đài, trong lòng vừa bình an, vừa hoan hỉ.

Chân dung cố Hoà thượng Tinh Vân.

Chân dung cố Hoà thượng Tinh Vân.

3. Dùng tâm không hư mà niệm Phật: Tức là niệm cho được (cảnh giới) “người cũng không – ta cũng không”; Niệm cho được (cảnh giới) “tay cũng không – chân cũng không”; Niệm cho được (cảnh giới) “mọi cái đều không có”; Niệm cho được (cảnh giới) “không có sự phân cách, đối phó giữa người với ta”; Niệm cho được (cảnh giới) “không có sự khác biệt giữa yêu và ghét”. Niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, tất cả thế giới đều không có, chỉ có âm thanh A Di Đà Phật vang xa vời vợi. Nếu bạn có niệm Phật thành thục Thánh hiệu A Di Đà Phật, niệm thành thục A Di Đà Phật mà quên đi cái tâm ta đang trì niệm, thì nhất định có thể thấy Phật.

4. Dùng tâm niệm thực tại mà niệm Phật: Khi ngồi bất kỳ nơi đâu (xe hơi, xe lửa…) đều có thể niệm được, không dùng tràng hạt đếm số cũng niệm được tự tại, vô ngại, vì các cột dây điện trên đường chính là tràng hạt của tôi. A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Từng gốc cây, từng gốc cây, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật… cũng là một câu Phật hiệu của tôi. Thậm chí, tôi lấy từng người từng người để niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật. Núi, sông, đất đai, tất cả chúng sinh đều được dùng để niệm thành A Di Đà Phật. Trong A Di Đà Phật có ta. Ta với A Di Đà Phật tuy hai mà một, tuy một mà hai. Vui không gì sánh bằng.”

Nhận xét của tác giả Thích Nữ Tuệ Uyển: Hai cách niệm trên xếp vào sự niệm. Hai cách niệm dưới thuộc về lý niệm. Nay nói về cách niệm Lý, tức bát-nhã Tịnh độ. Bát-nhã từ duyên khởi mà rõ tánh Không. Trong tánh Không mà không ngoài duyên khởi. Tịnh độ tức tánh Không mà duyên khởi. Tuy “duyên khởi” mà không ngại “tánh Không”. Nay tuy “duyên khởi mà không ngại tánh Không”, nên niệm cho được trời cũng không – đất cũng không, người cũng không – ta cũng không, chỉ có một âm thanh A-di-đà Phật vang xa vời vợi. Nói khác hơn, nơi trì quán dù rõ, chỉ có phần ánh sáng của âm ba vang xa khắp nơi, giống như mùi hương là phần tinh túy của hoa, lan tỏa trong không gian. Xét phần “tuy tánh Không mà duyên khởi”, kinh Hoa nghiêm nói: “Danh từ thế gian bao nhiêu, hồng danh chư Phật đồng số đó”. Nên nói: “Một chiếc lá là một A-di-đà, Như Lai là mỗi hàm linh”. Lại như trong nhà thiền nói: “Ngàn thông xanh biếc mấy pho kinh” hay “Hoa vàng trúc biết phu màu Đạo”. Nơi đâu chẳng phải là Tịnh độ!

Trích “Niệm Phật thoát sinh tử”

Thích Nữ Tuệ Uyển