Bố thí đồ xấu quả phước xấu – tốt

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bố thí, cho đi là hạnh khó làm. Tuy khó nhưng rất nhiều người làm được. Bố thí đồ xấu, cho người những vật có giá trị thấp hoặc mình không dùng nữa nhưng nhiều người khác đang cần.

“Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Cư sĩ Tu-đạt-đa đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

– Gia đình của Cư sĩ có thực hành hạnh bố thí chăng?

Cư sĩ trả lời:

– Dạ có, bạch Thế Tôn, gia đình con có bố thí; nhưng chỉ bố thí những thức thô xấu, không được mỹ diệu, như cơm lẫn với cám, canh lá gai, chỉ có một miếng gừng, một lá rau.

Đức Thế Tôn bảo:

– Này Cư sĩ, dù bố thí những thức thô xấu, hay bố thí những thức mỹ diệu, thì đều có quả báo.

– Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn được nhà đẹp, không muốn được xe đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.

– Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu nhưng có tín mà bố thí, có tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe đẹp, muốn được áo chăn đẹp, muốn được đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Tu-đạt-đa, số 155 [trích])

Bố thí, cho đi là hạnh khó làm. Tuy khó nhưng rất nhiều người làm được. Bố thí đồ xấu, cho người những vật có giá trị thấp hoặc mình không dùng nữa nhưng nhiều người khác đang cần. Dân gian có câu “Của cho không bằng cách cho”. Của cho dẫu bình thường nhưng cách cho thì mỗi người một vẻ khác nhau. Pháp thoại này Đức Phật nhấn mạnh đến cách cho. Cách cho đúng pháp thì phước đức vô lượng.

Trước khi cho người vật gì, người cho có niềm tin vào giá trị của việc san sẻ và thí xả. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dù chỉ giúp nhau một tí thôi nhưng việc tốt làm kịp lúc sẽ có hiệu quả to lớn. Quan trọng hơn là tấm lòng, có tâm bố thí, quan tâm đến người, không quay lưng bỏ mặc, sẵn sàng chia sẻ trong khả năng của mình. Cao quý hơn nữa là đích thân mình làm, tự tay trao tặng món quà nhỏ. Đặc biệt là biết rõ quả phước của việc đang làm. Dù vật cho đi không lớn nhưng với tấm lòng rộng mở đã mang về cho thí chủ phước đức vô lượng.

Ngược lại, nếu không biết cách cho thì sự cho đi cũng có phước báo nhưng nhỏ nhoi, ít ỏi. Quan sát cuộc sống của những người có thực hành bố thí sẽ thấy rõ có người càng bố thí thì càng thành công trong sự nghiệp và cuộc sống nhưng cũng có người thực hành bố thí mà đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn và chướng ngại. Mấu chốt của vấn đề là không biết cách cho nên phước quả không nhiều.

Thế nên, những ai có của đem cho cần phải học thêm nữa về cách cho để sự thí xả đạt được phước báo viên mãn. Cho với sự chí tâm, trân trọng và hết lòng, thấy được giá trị tích cực của việc lành. Cứ vun bồi công đức phước báo mỗi ngày từ những việc nhỏ nhặt thì phước đức ngày một tăng thêm. Đời người có nhiều thứ cần phải đầu tư, tích lũy, chắt chiu mới thành công mỹ mãn. Đầu tư vào phước đức với trí tuệ là việc vô cùng cần thiết của mỗi người. Cuộc sống vốn dĩ bấp bênh, ai thường gieo trồng thêm phước đức mới mong được bình an, thịnh vượng lâu dài.