Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường

Ai cũng biết bố thí và cúng dường là việc tốt, là nhân lành của phước báo giàu sang, đủ đầy ở tương lai. Nhưng vì tâm và hạnh trước, trong và sau khi bố thí vốn khác nhau nên phước quả cũng tương ưng sai biệt thành năm bảy đường.

Gia chủ Ma-ha-nam nước Xá-vệ trong pháp thoại dưới đây là một điển hình. Ông giàu sụ mà không được hưởng, vì ngày xưa cúng dường mà không có lòng kính tin, sau lại hối tiếc. Nên giàu mà không biết thụ hưởng một cách đúng pháp thì chẳng khác nào một kẻ vô phước, thiểu phần.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nước Xá-vệ có gia chủ Ma-ha-nam mạng chung, nhưng không có con cháu. Vua Ba-tư-nặc mới đem tài sản không có con, không có thân thuộc nhập hết về nhà vua. Vua Ba-tư-nặc hàng ngày phải đi xem xét tài sản, thân thể dính bụi bặm, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ Thế Tôn hỏi vua Ba-tư-nặc:

Đại vương từ đâu đến, thân thể dính bụi bặm và có vẻ mệt nhọc?

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, gia chủ Ma-ha-nam nước này mạng chung, để lại tài sản, nhưng không con, nên tất cả phải nhập về nhà vua. Con phải trông coi, liệu lý, nên bụi bặm dính vào người, mệt nhọc. Từ nhà đó con đến đây.

Phật hỏi vua Ba-tư-nặc:

Gia chủ Ma-ha-nam kia giàu có nhiều của lắm sao?

Vua đáp:

Bạch Thế Tôn, rất giàu, tiền của rất nhiều, tiền vàng của báu có đến trăm nghìn ức, huống lại là những của khác. Bạch Thế Tôn, ông Ma-ha-nam kia lúc còn sống mặc thô sơ, ăn uống cực khổ.

Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

Ông Ma-ha-nam kia vào thời quá khứ, gặp Bích-chi Phật Đa-ca-la-thi-khí có cúng dường một bữa ăn, nhưng không có lòng tin thanh tịnh, không cung kính cúng dường, không tự tay cúng dường; sau khi cúng rồi lại hối tiếc nói rằng: ‘Cơm này ta có thể cho những tôi tớ của mình, không tội gì lại đem cho Sa-môn!’. Nhờ phước bố thí này, bảy lần được sanh lên trời Tam thập tam và bảy lần sanh vào nước Xá-vệ này thuộc dòng họ tối thắng, tiền của giàu có bậc nhất. Nhưng vì khi cúng dường vị Bích-chi Phật kia với lòng tin không thanh tịnh, không cung kính cúng dường, không tự tay cúng dường; sau khi cúng dường rồi lại hối tiếc, nên dù nơi khi sanh ra tuy được giàu có, nhưng phải thọ dụng quần áo thô sơ, ăn uống khổ cực, ngọa cụ, nhà cửa, xe cộ thô sơ cũ kỹ. Ngay từ đầu chưa nếm qua được sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đẹp để tự an thân.

Hãy tận hưởng phước cũ để nay vui và tận lực tạo ra phước mới để đời sau vui, khiến cho cả hai đời đều vui.

Hãy tận hưởng phước cũ để nay vui và tận lực tạo ra phước mới để đời sau vui, khiến cho cả hai đời đều vui.

Lại nữa, Đại vương, trước kia gia chủ Ma-ha-nam đã giết người anh khác mẹ của mình để chiếm lấy tài sản. Vì tội này nên trải qua trăm nghìn năm phải đọa vào địa ngục, tội báo ấy còn sót nên sanh vào nước Xá-vệ, bảy lần thọ thân mà thường không có con; tài sản tịch thâu về nhà vua. Đại vương, gia chủ Ma-ha-nam nay mạng chung, phước báo bố thí quá khứ đã hết mà đời này ông lại keo kiệt, tham lam, buông lung đối với tài sản, nhân tạo tội ác, sau khi mạng chung ở đây sẽ đọa địa ngục, chịu nhiều khổ não.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, gia chủ Ma-ha-nam sau khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục chịu khổ đau phải không?

Phật đáp:

Đúng vậy, Đại vương! Đã đọa vào địa ngục”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1233 [trích])

Làm giàu đã khó, biết thọ hưởng đúng pháp lại càng khó hơn. Ma-ha-nam có tiền mà không biết xài, chẳng phục vụ bản thân, không giúp ích gì cho gia đình và xã hội. Phước cũ đã dùng hết, phước mới chẳng vun bồi thêm, đến khi chết tài sản bị sung công, phước hết nên rơi vào đọa xứ, vậy hẳn quá đúng khi hỏi “Tiền nhiều để làm gì?”.

Thế nên, người Phật tử chánh kiến cần phải học cách thọ hưởng đúng pháp những tài vật do mình làm ra. Hãy tận hưởng phước cũ để nay vui và tận lực tạo ra phước mới để đời sau vui, khiến cho cả hai đời đều vui.

Quảng Tánh