Bồ tát hạnh trong Phẩm Nhập pháp giới – Kinh Hoa Nghiêm
Bồ-tát đạo trong Phật giáo Đại thừa đến giai đoạn kinh Hoa Nghiêm phát triển hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất, thông qua hành trình học đạo của đồng tử Thiện Tài.
Nói về Phật giáo Đại thừa người ta thường nghĩ đến tinh thần Bồ-tát đạo với những phương tiện thiện xảo để làm lợi ích chúng sinh. Lý tưởng Bồ-tát được nói đến rất nhiều trong các kinh điển Đại thừa như kinh Bát-nhã, kinh Lăng-già, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Phạm Võng…“Nhờ vào phương tiện thiện xảo mà Bồ-tát có thể hành động tuy khác với giới luật hoặc nguyên tắc đạo đức được áp dụng khá khắt khe trong đời sống của người xuất gia, nhưng hoàn toàn vì lợi ích cho người khác”.[1] Điều này được thể hiện rất rõ qua hạnh nguyện độ sinh của 54 vị thiện tri thức mà Thiện Tài đến cầu đạo. Đó là những hạnh nguyện tiêu biểu trong vô lượng đại nguyện của Bồ-tát.
Trong Phật giáo Đại thừa ta thấy Bồ-tát không phải chỉ là người xuất gia mà bao gồm đủ các thành phần trong xã hội như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, vua, quan, cư sĩ, đồng tử, đồng nữ… đều mang hạnh nguyện Bồ-tát, thể hiện qua các Ba-la-mật, những phương tiện, thần thông… một cách uyên áo, thâm sâu, không thể nghĩ bàn.
Tác giả qua đề tài “Bồ-tát hạnh trong phẩm Gaṇḍa-vyūha (Phẩm Nhập pháp giới) của kinh Hoa Nghiêm” đã làm rõ hành trình cầu đạo Bồ-tát của Thiện Tài, để thấy được năng lực và cảnh giới của các vị Bồ-tát trong phẩm này rất trang nghiêm, thù thắng, bất khả tư nghì. Bên cạnh đó, hạnh nguyện của các ngài thật rộng lớn, phong phú và đa dạng. Các nhà nghiên cứu cho rằng Bồ-tát hạnh đến thời kỳ kinh Hoa Nghiêm phát triển mạnh và hoàn thiện nhất. Đây cũng chính tư tưởng chủ đạo của Bồ-tát hạnh trong Phật giáo Đại thừa.
Kinh Hoa Nghiêm (S: Avataṃsaka Sūtra, C:華嚴經) tên đầy đủ là kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (S: Mahāvaipulya Buddhāvataṃsaka Sūtra, C: 大方廣佛華嚴經), một trong những bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Giáo lý Bồ-tát được hình thành và phát triển qua các giai đoạn, đến thời điểm kinh Hoa Nghiêm thì tương đối hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất. Đặc biệt, con đường thực hành hạnh Bồ-tát được thể hiện rõ trong Gaṇḍa-vyūha (Phẩm 39: Nhập Pháp giới) qua quá trình tham vấn của một thanh niên tên Thiện Tài (S: Sudhana Kumāra, C:善財 童子) với 54 lần tham vấn, tổng cộng được 54 vị Thiện tri thức chỉ dạy, trong đó: lần thứ 51 tham học với hai vị: Đức Sinh (Shrisambhava) và Hữu Đức (Shrimati); 2 lần tham vấn Bồ-tát Văn-thù.
Vấn đề đồng tử Thiện Tài muốn thưa hỏi chính là “Phải học Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào? … Phải làm thế nào cho Phổ Hiền hạnh mau được viên mãn.”[2]
Sau đây là 54 lần tham vấn với 54 vị Thiện tri thức mà đồng tử Thiện Tài đã tới học đạo:
Qua hành trình tham học của đồng tử Thiện Tài, để thành tựu viên mãn Bồ-tát hạnh thì người cầu học cần phải:
– Điều đầu tiên, như Bồ-tát Văn Thù đã dạy là phải thỉnh cầu các bậc thiện tri thức chỉ dạy, không hề lười mỏi như Thiện Tài đã trải qua 54 lần tham vấn và được 54 vị Thiện tri thức hết lòng chỉ dạy, trong đó: Thiện Tài tham học với Bồ-tát Văn Thù 2 lần: lần đầu tiên[56] và lần kế cuối,[57] lần thứ 51 tham vấn với 2 vị: đồng tử Ðức Sinh và đồng nữ Hữu Ðức.[58] Dù đường đạo dài xa và gian khổ nhưng Thiện Tài không hề thối thất, vẫn kiên trì đến từng vị để tham học. Tinh thần cầu đạo như Thiện Tài rất đáng khâm phục, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo.
– Điều thứ hai, khi tìm được bậc thiện tri thức chân chính phải cầu học với tâm chân thành, tha thiết, tôn trọng dù đó là cô gái như Bà-tu-mật-đa, hay hung dữ như vua Vô Yểm Túc, đồng thời tin tưởng tuyệt đối nơi thầy thậm chí như Bà-la-môn Thắng Nhiệt dạy Thiện Tài “leo lên núi cao, nhảy vào đống lửa”. Nhờ lòng tin tuyệt đối đó Thiện Tài “liền leo lên núi đao, nhảy vào đống lửa, khi rơi xuống giữa chừng, liền chứng được Bồ-tát thiện trụ tam muội. Vừa chạm ngọn lửa, Thiện Tài lại chứng được Bồ-tát tịch tịnh lạc thần thông tam muội”.[59] Ở đây, ngụ ý rằng khi gặp được bậc thầy chân chính phải tận tâm học cho thấu đáo, người học hạnh Bồ-tát phải chấp nhận hy sinh lớn lao, làm những việc khó làm như “leo lên núi đao, nhảy vào đống lửa”, hay thậm chí phải xả bỏ thân mạng này để cầu đạo.
– Dõi theo bước chân học đạo của Thiện Tài, ta thấy 54 vị Thiện tri thức này rất khiêm cung, sở đắc của mình về pháp môn nào thì nói thẳng: “Ta chỉ biết pháp môn … này, còn … ta làm sao biết được” và giới thiệu một vị khác giỏi hơn để Thiện Tài đến tham học. Tinh thần này thật phóng khoáng, cao thượng, không chấp thủ vào người này là học trò, đệ tử của mình phải học với mình, phải thân cận mình. Vì muốn thành tựu sở học của đệ tử, các bậc thầy đã dạy Thiện Tài đến tham học với những vị thầy khác giỏi hơn. Bậc thầy đầu tiên là Bồ-tát Văn Thù đã dạy Thiện Tài phải cầu học các vị Thiện tri thức chân chính và giới thiệu Thiện Tài hãy đến cầu học với Tỳ-kheo Đức Vân. Khi Thiện Tài đến Tỳ-kheo Đức Vân tham học xong, Tỳ-kheo Đức Vân lại giới thiệu đến tỳ kheo Hải Vân… Cứ như thế, lần lượt trải qua 54 vị thầy, Bồ-tát Phổ Hiền là vị cuối cùng và Thiện Tài lúc này cũng được thành tựu hạnh Bồ-tát.
– Trong phẩm Gaṇḍa-vyūha này, Bồ-tát hiện thân qua rất nhiều nhân vật, có khi Bồ-tát là một Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Bà-la-môn, trưởng giả… Thậm chí là một kỹ nữ cao cấp như Bà-tu-mật-đa hay một ông vua hung bạo như vua Vô Yểm Túc. Bên cạnh đó, Bồ-tát dùng vô số phương tiện để làm bất cứ việc gì nhằm mục đích hóa độ chúng sinh, đưa họ đến giác ngộ, chẳng hạn như Bà-tu-mật-đa không phải là một kỹ nữ tầm thường, bà là vị Bồ-tát chứng được pháp môn giải thoát ly tham dục tế, tùy theo sở dục của chúng sinh mà hiện thân. Những người nào vì lòng dục, vì thích sắc đẹp tìm tới bà, thì khi tiếp xúc với bà và nghe bà thuyết pháp liền được lìa tham dục, chứng được các tam muội của Bồ-tát. Vua Vô Yểm Túc cũng là một Bồ-tát chứng được pháp môn như huyễn giải thoát. Ông thị hiện nghịch hạnh Bồ-tát, đối với những chúng sinh bạo ác, ngoan cố, ông dùng hình phạt đao trượng đánh đập… khiến các chúng sinh ấy thấy hình phạt mà kinh sợ, không dám làm ác nữa. Thật ra, trong tâm ông không hề có niệm ác, chỉ tùy theo căn tính thiện ác của chúng sinh mà hóa độ. Đây là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo để khiến chúng sinh bỏ mười điều ác, làm mười việc lành, rốt ráo được an lạc, giải thoát.
– Điều cuối cùng, Bồ-tát hạnh được tóm tắt đầy đủ trong mười hạnh nguyện rộng lớn của Bồ-tát Phổ Hiền.[60] Mở đầu cuộc hành trình, Thiện Tài học đạo với Bồ-tát Văn Thù, tượng trưng cho trí huệ dẫn đầu của muôn hạnh Bồ-tát. Lúc trở về Thiện Tài cũng được Bồ-tát Văn Thù khai tâm mở trí một lần nữa liền chứng Vô thượng Bồ-đề. Thiện Tài được Bồ-tát Văn Thù chỉ dạy ngay từ bước ban đầu nên đi đúng đường, đúng hướng, tìm đúng người, do đó thành tựu được quả vị. Cũng vậy, hành giả tu tập cần phải có trí huệ dẫn đường mới có thể đạt được giác ngộ. Sau đó, Thiện Tài được Bồ-tát Phổ Hiền chỉ dạy mười hạnh nguyện của Bồ-tát rồi đi giáo hóa chúng sinh ở khắp mười phương. Điều đó mang ý nghĩa rằng dùng phương tiện để đi vào đời hóa độ chúng sinh nhưng không bao giờ bỏ quên trí tuệ. Kết thúc là tham học với Bồ-tát Phổ Hiền, viên mãn Bồ-tát hạnh. Trong một niệm thành tựu đầy đủ muôn hạnh giống như Bồ-tát Phổ Hiền, dạo đi tất cả pháp giới, đảnh lễ chư Phật khắp mười phương.
Tóm lại, Bồ-tát đạo trong Phật giáo Đại thừa đến giai đoạn kinh Hoa Nghiêm phát triển hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất, thông qua hành trình học đạo của đồng tử Thiện Tài. Đặc biệt, mười hạnh nguyện rộng lớn của Bồ-tát Phổ Hiền là giáo lý căn bản để thành tựu Bồ-tát đạo, là bậc thang bước lên quả vị Phật. Thiện Tài tượng trưng cho Bồ-đề tâm của chúng sinh, muốn thành tựu Bồ-tát đạo phải thân cận và học hỏi các bậc thiện tri thức. 54 vị tri thức mà Thiện Tài tham học chính là 54 vị Bồ-tát, cũng chính là những hạnh nguyện tiêu biểu trong muôn ngàn hạnh nguyện của Bồ-tát. Từ đó, chứng tỏ rằng Bồ-tát hạnh trong Phật giáo Đại thừa, điển hình là kinh Hoa Nghiêm rất phong phú và đa dạng, muôn hình vạn trạng, tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà Bồ-tát dùng phương tiện hóa hiện cứu độ chúng sinh. Giá trị của lý tưởng Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa chính là phương diện làm lợi ích nhân sinh, những hạnh nguyện của Bồ-tát và các Ba-la-mật được 54 vị Bồ-tát thể hiện rất sâu sắc và đa dạng. Kinh Hoa Nghiêm tiêu biểu cho Phật giáo Đại thừa nhằm giáo dục và xây dựng con người toàn diện cả hai yếu tố: trí huệ và hạnh nguyện, có trí huệ mới có thể làm việc lợi ích nhân sinh một cách trọn vẹn nhất. Đó cũng chính là những phương tiện thiện xảo bất khả tư nghì của Bồ-tát hạnh trong Phật giáo Đại thừa như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói rõ “Ðại Bồ-tát dùng Bát-nhã Ba-la-mật làm mẹ, phương tiện thiện xảo làm cha, thí Ba-la-mật làm nhũ mẫu, giới Ba-la-mật làm dưỡng mẫu, nhẫn Ba-la-mật làm đồ trang nghiêm, tinh tấn Ba-la-mật làm ông già dưỡng dục, thiền Ba-la-mật làm người rửa giặt, thiện tri thức làm thầy dạy,…”.[61]
CHÚ THÍCH
[1] Paul Williams, Thích Thiện Chánh dịch, Nền tảng Phật giáo Đại thừa, Nxb. Thuận Hóa, 2022, tr.268.
[2] Thích Trí Tịnh dịch, Trí Tịnh Toàn Tập, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, Nxb.Tôn Giáo, 2011, tr.102.
[3] Sđd, tr.104.
[4] Sđd, tr.107.
[5] Sđd, tr.117.
[6] Sđd, tr.123.
[7] Sđd, tr.128.
[8] Sđd, tr. 139.
[9] Sđd, tr.155.
[10] Sđd, tr.167.
[11] Sđd, tr.171.
[12] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.185.
[13] Sđd, tr.189.
[14] Sđd, tr.197.
[15] Sđd, tr.202.
[16] Sđd, tr.209.
[17] Sđd, tr.213.
[18] Sđd, tr.220.
[19] Sđd, tr.224.
[20] Sđd, tr.230.
[21] Sđd, tr.240.
[22] Sđd, tr.252.
[23] Sđd, tr.256.
[24] Sđd, tr.258.
[25] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.264.
[26] Sđd, tr.271.
[27] Sđd, tr.283.
[28] Sđd, tr.289.
[29] Sđd, tr.292.
[30] Sđd, tr.295.
[31] Sđd, tr.299.
[32] Sđd, tr.303.
[33] Sđd, tr.306.
[34] Sđd, tr.321.
[35] Sđd, tr.328.
[36] Sđd, tr.362.
[37] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.399.
[38] Sđd, tr.422.
[39] Sđd, tr.436.
[40] Sđd, tr.473.
[41] Sđd, tr.508.
[42] Sđd, tr.531.
[43] Sđd, tr.575.
[44] Sđd, tr.604.
[45] Sđd, tr.607.
[46] Sđd, tr.614.
[47] Sđd, tr.616.
[48] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.617.
[49] Sđd, tr.617.
[50] Sđd, tr.618.
[51] Sđd, tr.619.
[52] Sđd, tr.621.
[53] Sđd, tr.724.
[54] Sđd, tr.732.
[55] Sđd, tr.770.
[56] Sđd, tr.101.
[57] Sđd, tr.732.
[58] Sđd, tr.620.
[59] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.185.
[60] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.771.
[61] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới Thứ Ba Mươi Chín, tr.727.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Paul Williams, Thích Thiện Chánh dịch, Nền tảng Phật giáo Đại thừa, Nxb.Thuận Hóa, 2022.
T0293大方廣佛華嚴經 (40第).
Thích Trí Tịnh dịch, Trí Tịnh Toàn Tập, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4, Phẩm Nhập Pháp Giới
Thứ Ba Mươi Chín, Nxb.Tôn Giáo, 2011.
Thích Trí Quảng, Lược giải Kinh Hoa Nghiêm, Nxb.Tp Hồ Chí Minh, 2000