Bồ tát Đại Thế Chí là ai?
Bồ tát Đại Thế Chí hay còn gọi là Đắc Đại Thế hiệu hay Vô Biên Quang Bồ Tát. Trong Tây Phương Tam Thánh, ngài là vị Bồ Tát đứng bên phải của đức Phật A Di Đà, cổ đeo chuỗi anh lạc và tay thì cầm hoa sen xanh.
Bồ tát Đại Thế Chí là ai trong kinh điển?
Bồ Tát Đại Thế Chí còn được gọi là Đắc Đại Thế. Ngài rất mạnh, đến mức độ mỗi khi ngài nhấc tay, động chân, hay lắc đầu, thì đất bằng chuyển động. Khi ngài đi, thì đất rung chuyển. “Pháp vương tử” có nghĩa là Bồ Tát.”
Tiền thân đức Đại Thế Chí Bồ Tát là Vương Tử Ni Ma. Theo Kinh Bi Hoa: “Trong kiếp Thiện Trì, Phật hiệu là Bảo Tạng. Lúc ấy đức Phật A Di Đà có hiệu là Ly Tịnh. Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện làm Thái Tử thứ nhất, Đại Thế Chí Bồ Tát thị hiện làm thái tử thứ hai, tên là Ni Ma.
Trong Tam Tạng Kinh Điển, Bồ tát Đại Thế Chí được nhắc đến nhiều nhất trong hai kinh: Kinh Bi Hoa và Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nơi kinh Bi Hoa là nói đến tiền thân của Ngài lúc còn hành Bồ Tát Đạo. Nơi Kinh Lăng Nghiêm là nơi Ngài cùng 24 vị Thánh lược nói về 25 pháp môn viên thông. Cũng trong kinh này, môn Niệm Phật Viên Thông của Ngài được hậu thế tôn xưng là kim chỉ nam để vào được Niệm Phật Tam Muội.
Hạnh nguyện của Bồ tát Đại Thế Chí
Theo một số ghi chép trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Đại Thế Chí Bồ Tát là đại diện của trí tuệ, ngài dùng ánh sáng trí tuệ phổ chiếu hết thảy, giúp mọi chúng sinh rời xa cõi ác. Và khi ngài di chuyển, thế giới thập phương như trải qua cơn địa chấn cho nên được gọi là Đại Thế Chí.
Ngài đứng bên tay phải cùng với đức Quán Thế Âm trở thành thị giả của đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cả ba vị tạo thành Tây Phương Tam Thánh mà chúng ta vẫn kính thờ mỗi ngày. Quán Thế Âm thì tượng trưng cho từ bi, còn Đại Thế Chí thì tượng trưng cho trí tuệ. Để trở thành Phật, nhất định phải có hai yếu tố này, từ bi và trí tuệ.
Trí tuệ là thanh gươm tinh nhuệ cắt đứt mọi ràng buộc, vướng mắc trong cõi trần ai, trải qua nhiều kiếp tu hành tích lũy với biết bao công phu, đức Đại Thế Chí đã đạt được. Ngài dùng trí của mình để độ kiếp lầm than, theo đúng tinh thần của Phật giáo.
Muốn cứu vớt chúng sanh về tịnh độ, trước phải dạy họ dứt sạch phiền não ô uế. Vì thế, danh hiệu Ngài đã nói lên ý nghĩa vận dụng ánh sáng trí tuệ chiếu soi cho chúng sanh thấy rõ những uế trược nơi mình, đồng thời giúp cho họ có sức mạnh đoạn trừ những uế tạp, hướng về tịnh độ.
Đức Đại Thế Chí Bồ tát khuyên người niệm Phật như thế nào?
Đại hùng đại lực đại từ bi của Thế Chí Bồ Tát chính là tinh thần và trí tuệ cao nhất để Ngài hoàn thành nguyện cũng như trọng trách mà Phật đạo giao phó. Sức mạnh ấy thể hiện ở các phương diện là Đại hùng: sự mạnh mẽ, can trường dám xả thân rời xa những tham muốn hưởng lạc của thế gian. Điều này không những cần tiến tu mà còn phải có đại hùng, tu đạo Bồ Tát, kham những công hạnh, quyết dấn thân vào những việc khó khăn, quyết nhẫn nhục những điều vượt qua giới hạn bằng sức mạnh của tu tập.
Đại lực: Tuy đã thành Phật nhưng Ngài không an trụ tại cảnh giới Niết Bàn, tận hưởng pháp lạc mà tiếp tục hiện thân Bồ Tát Đẳng Giác để xả thân cứu độ chúng sinh, giáo hóa giác ngộ lầm than. Cái ác của chúng sinh có sâu dày đến đâu, ác nghiệp có cường thịnh đến đâu Thế Chí cũng không nản lòng, thệ nguyện vào những nơi tối tăm nhất, chốn ngọc nhằn nguy khó nhất để giác ngộ chúng sinh.
Trong kinh Lăng Nghiêm, chương Niệm Phật viên thông, khi Đức Phật Thích Ca hỏi về pháp môn tu hành, Đại Thế Chí Bồ Tát cho biết Ngài tu theo pháp môn niệm Phật. Nhân lành mà Ngài gặt hái được là dùng tâm niệm Phật, vô sinh pháp nhẫn, vì thế Ngài quyết dùng đại hùng đại lực đại bi mà mình có để tiếp dẫn những người niệm Phật vãng sinh tịnh độ.
Ngọc Ánh