Bình yên là khi ta không còn cố chấp!

Bình yên tưởng đâu xa xôi lắm, nhưng hiểu cho sâu mới thấy bình yên sẽ đến khi chúng ta chẳng còn cố chấp với cuộc đời. Sự cố chấp vào cái đúng, cái sai đôi khi chẳng để làm gì cả, cố chấp càng lớn lại thấy càng mệt mỏi, áp lực hơn thôi.

Đi qua một hành trình dài của cuộc đời, có lẽ điều cuối cùng ai cũng mong mỏi chính là được bình yên.

Bình yên tưởng đâu xa xôi lắm, nhưng hiểu cho sâu mới thấy bình yên sẽ đến khi chúng ta chẳng còn cố chấp với cuộc đời.

Sự cố chấp vào cái đúng, cái sai đôi khi chẳng để làm gì cả, cố chấp càng lớn lại thấy càng mệt mỏi, áp lực hơn thôi.

Giống như trong một mối quan hệ vậy, ban đầu ta thấy nó tốt đẹp rồi đến lúc nào đó chợt nhận ra sự giả dối đằng sau, tự nhận ra bản thân mình đang bị ngược đãi, bị lợi dụng…Ấy cũng là lúc ta giận dỗi, ta lồng lộn lên đòi lại sự công bằng cho chính mình. Ấy cũng là lúc ta đau khổ trong vòng suy nghĩ tại sao ta chân thành đổi lại là sự chà đạp, gian dối.

Bình yên ở đâu?

300

Hay như trong các hoạt động tập thể, ở vị trí của người chủ sự ta thấy có những người nhiệt thành nhưng cũng có những người không mang trọn cái tâm để đồng hành. Thế rồi ta hậm hực với sự vô trách nhiệm ấy, ta tự vấn người khác nhưng ôm bực tức cho mình.

Cứ luẩn quẩn trong cảm xúc không hài lòng ấy, bản thân ta tự nhiên mệt mỏi, năng lượng của ta tự nhiên hao hụt, sự tích cực cũng tự nhiên bị đè nén và cuối cùng là tâm chẳng thể bình yên.

Thế mới thấy người ta có cái sai của họ, nhưng bản thân mình cũng lại sai khi cứ cố chấp nhìn vào sai lầm ấy, khơi gợi sai lầm ấy khiến cho tâm – thân của mình chẳng an định.

Sao ta không thay cách nghĩ, đổi cách nhìn.

Rằng ai trong chúng ta cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Thay vì săm soi vào cái chưa tốt của người khác rồi rước phiền muộn cho mình, gieo ác cảm cho người làm mất đi mối quan hệ… ta hãy nhìn nhận vào sự tích cực của họ, để khích lệ mặt tốt ấy phát huy, để tìm được sự đồng điệu, cảm thông và gắn kết.

Nhìn mọi chuyện bằng góc độ khác, ta sẽ hiểu hơn cho lý do khiến họ hành động như thế, đồng cảm hơn với những việc họ đã làm.

Ta chợt nhận ra sự thiếu nhiệt tình của các đồng sự có thể do sức khỏe họ không ổn, có thể do họ đang vướng vào một chuyện buồn, có thể tinh thần của họ hôm đó chưa tốt chứ không phải do tâm không muốn giúp đỡ.

Ta chợt nhận ra người bạn ấy cũng đã cho ta một chỗ dựa tinh thần, một người để chia sẻ…

Ta chợt nhận ra sự cố chấp đúng – sai chỉ dẫn đến sự rạn nứt trong tình cảm. Học được cách mềm dẻo, tùy người đối nhân xử thế không chỉ có được sự hòa hảo mà bản thân luôn thanh thản, nhẹ nhàng.

Ta chợt nhận ra là người con của Phật tử hãy luôn hoan hỉ, bao dung, vị tha và rộng lượng. Khi tâm ta bình yên, cuộc đời sẽ chẳng còn nhiều sóng gió.

Cuộc sống ngắn ngủi, nghĩ đơn giản hay đôi khi chịu thiệt một chút cũng không sao, an yên trong lòng mới là quan trọng.

Thích Quảng Tú