Bình yên là hạnh phúc, vậy làm sao để góp phần gìn giữ bình yên?
Ai cũng muốn sống bình yên hạnh phúc. Có bình yên sẽ có thể có hạnh phúc, không bình yên sẽ không có hạnh phúc. Vậy làm sao để góp phần gìn giữ bình yên?
Người biết cất giữ hạt giống thiện lành để đổi lấy bình yên
Hãy cùng nhau trân quý môi trường sống, bảo vệ động vật và thiên nhiên, gìn giữ những phong tục văn hóa tốt đẹp, trân trọng tình thân và mối quan hệ xóm giềng, đề cao đạo lý nhân nghĩa hiếu thuận, dạy dỗ con cháu tử tế.
Định hướng sống thiện tích cực, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, siêng năng làm việc, phát triển nghề nghiệp, từng bước nâng cao mọi mặt của đời sống cả vật chất và tâm linh.
Càng nhiều tham muốn, hơn thua và cố chấp thì càng nhiều bất an. Càng đơn giản, bình dị và lạc quan thì càng thấy bình yên.
Ta hãy nhớ, tài giỏi chớ khoe khoang, giàu sang chớ kênh kiệu, quyền thế chớ hiếp người. Nếu không sẽ khó được bình yên.
Quy y Tam Bảo, hành thiện tích đức, học phật tu thiền. Tâm lực, ý chí càng mạnh mẽ và từ bi thì cuộc sống càng bình yên vững chải.
Đúng như lời đức Phật đã dạy: Tâm bình là thế giới bình, tâm an thì vạn sự yên.
Thông thường phần lớn đối với những người bình thường, thì cả môi trường hoàn cảnh và tâm ý góp phần tạo nên sự bình yên trong cuộc sống.
Đối với những người có phẩm chất đạo đức, trí tuệ và định lực cao, thì tâm lực ý chí họ đủ mạnh, đủ vững chải, dù trong môi trường, hoàn cảnh không được như ý, họ vẫn thiết lập được sự bình yên vững vàng trong đời. Xét đến cùng, sự bình yên vững vàng của nội tâm là quan trọng, có tính quyết định hơn hoàn cảnh và môi trường sống.
Ta hãy cùng nhau quan sát thật kỹ càng và thấu đáo giá trị của sự bình yên, gìn giữ và trân quý nó, để sau này, ta không phải hối hận khi đã muộn màng.
Bình yên ấy
Quý vô cùng
Mất đi, khó tìm
Khuyên nhau gìn giữ
Vui thanh bình.
Trích từ “Bình yên là hạnh phúc”.
TS. Thích Hạnh Tuệ