Biết bao ân tình và tổn thương sâu
Sau năm 1990, những lần má tôi về thăm quê khi quay lại thành phố thường chở theo một tạ gạo và khá nhiều đậu xanh, khoai lang, bắp, chuối…
Khác với trước đây, mỗi khi về quê lên má chỉ đem theo được vài ba chục ký gạo mà thôi. Việc đi lại ngày càng thuận lợi, việc làm ăn buôn bán và giao thương hàng hóa từ nơi này qua nơi kia không còn quá khó khăn. Đời sống xã hội thay đổi theo hướng cởi mở cũng tác động đến chùa chiền và tín ngưỡng, nhiều Phật tử là người làm ăn buôn bán được thuận lợi nên sự cúng dường rộng rãi hơn, người dân đi lại từ tỉnh này qua tỉnh khác cũng dễ dàng hơn.
Năm 1991, anh Tư Đụi người từ làng xã quê tôi đến thăm và trình bày là chùa Bửu Thọ ở quê bị mối mọt ăn hư hại, mà làng mình là khu vực thuần nông kinh tế khó khăn, mọi người mong tôi đứng ra kêu gọi quyên góp để tu sửa ngôi chùa đã rệu rã. Bửu Thọ, ngôi chùa làng quê nơi tôi sinh ra, nơi mà tiếng trống tiếng bảng tiếng bảo chung đánh thức hạt giống lành trong tôi khi còn thơ bé, nơi đó đã tưới tẩm chí hướng xuất gia trong tôi, nơi mà vị thầy bổn sư đã đặt chiếc dao cạo tóc cho tôi để hôm nay tôi là một tu sĩ Phật giáo…
Biết bao ân tình.
Và ngoài tình riêng ra thì tôi nghĩ tu sửa ngôi chùa nghèo là một việc rất nên làm. Tuy nhiên, nếu không khéo xử sự thì có khi là chính tôi gây tổn thương cho bao ân tình đó, bởi vì hiện nay có vị thầy đang ở đó, bà Tư giữ chùa khi tôi đi học đã già yếu và về nhà với con cháu từ lâu. Dù chùa Bửu Thọ do thầy bổn sư tôi trước đây tạo dựng nhưng nay nếu tôi bỗng nhiên trở về dù là để trợ duyên cũng sẽ khiến thầy ấy khó chịu. Tôi không bao giờ muốn vậy.
Nên dù trong lòng rất xót khi nghe tình cảnh mục nát của ngôi chùa quê mình, tôi cũng không dám vội vàng. Sau khi suy nghĩ cẩn thận, tôi trả lời với anh Tư Đụi là xin vị thầy hiện nay (là thầy Minh Hiệp) bỏ chút thời gian đến chùa Nguyên Hương gặp tôi để trình bày ý nguyện, cho mọi người hiểu rõ là thầy ấy cũng chung lòng mong muốn như người dân trong quê. Và một khi thầy Minh Hiệp đích thân đến thì cũng giúp cho việc vận động quyên góp từ Phật tử ở chùa Nguyên Hương được rõ ràng minh bạch.
Vào thời điểm đó, thầy Minh Hiệp với tôi không phải huynh đệ và cũng không có mối quan hệ nào khác ngoài tình đồng đạo. Thầy Minh Hiệp từ nơi khác đến cùng một số các vị tăng, thấy chùa Bửu Thọ không có tăng nên ở lại đó. Sau năm 1975, các vị tăng đều hoàn tục chỉ còn một mình thầy ở lại trông coi ngôi chùa nghèo, thầy kiếm sống bằng cách ngày ngày làm bánh bán. Dần dần thì thầy Minh Hiệp trở thành trụ trì cho đến hôm nay.
Trong thời gian xây chùa, tôi công tác tại báo Giác ngộ nên rất bận rộn, tôi không thể trực tiếp coi ngó công việc xây dựng nên mọi điều đều giao cho thầy Minh Hiệp và ban hộ tự. Ai cũng mong đợi đến ngày được nhìn ngắm ngôi chùa quê mình xây dựng xong đẹp đẽ khang trang, đó là niềm vui chung của tất cả mọi người. Phật tử của Nguyên Hương cũng hòa cùng niềm mong đợi đó.
Nhưng không phải việc gì mình hết lòng mong muốn đều được như ý nguyện, nhất là chuyện xây dựng một ngôi chùa. Hàng tháng vào ngày mười lăm, khi công việc ở báo Giác Ngộ đã xong, tôi lên xe lúc bốn giờ chiều về quê để kịp sáng hôm sau hướng dẫn Phật tử khóa tu Bát Quan Trai. Vòng trở lại thành phố tôi cũng lên xe lúc tám giờ tối để sáng hôm sau kịp giờ làm việc.
Nghe vậy, trong lòng tôi cảm thấy buồn và thất vọng. Ngoài tiền quyên góp từ Phật tử chùa Nguyên Hương, vùng nông thôn nghèo mà có được vài người khá giả từ thị xã vào phát tâm cúng dường và giúp cho công việc xây cất được tiến triển là rất mừng. Mà lại để xảy ra cơ sự này.
Hơn nữa, Phật tử chùa Nguyên Hương cảm thấy tổn thương vì sự quá lỏng lẻo trong sự chi tiêu cho thấy sự cúng dường của họ không được trân trọng…
Cả vật chất lẫn tinh thần đều tổn thương. Tôi thối tâm. Gần hai năm tôi ngừng thi công, việc xây dựng dở dang giữa nắng mưa khiến những cây tràm xà gồ chống đỡ đà bị mục luôn.
Trích từ tác phẩm “Quăng đời mình vào chốn thiền môn”
Hoà thượng Thích Thiện Bảo