Biển cao núi sâu

Bạn đã nhìn thấy biển cao và núi sâu bao giờ chưa? Những cảnh tượng thật khó để tồn tại trong tư tưởng đời thường của chúng ta phải không?

Vì đã là biển thì chỉ có biển sâu chứ làm gì có biển cao, còn đã là núi thì tất lẽ núi phải cao chứ làm gì có núi sâu bao giờ. Thế thì, biển cao và núi sâu ở đâu mà có, trông chúng thế nào, làm sao có thể nhìn thấy chúng đây?

Để tôi chỉ cho bạn nhé! Đầu tiên, hãy tưởng tượng bạn đang tự đào một cái hố ở trong vườn nhà mình, bạn đào cho đến khi bạn nhận thấy cái hố đó sâu hơn hai lần chiều cao của bạn và đủ rộng để bạn có thể đi xuống đó một cách dễ dàng. Sau khi đào xong, bạn hãy đứng trên miệng hố để kiểm tra thành quả của  mình, bạn hãy nhìn xuống hố và cảm nhận xem cái hố đó đã đủ sâu chưa? Nếu chưa đủ thì mời bạn đào tiếp, còn nếu đã đủ sâu rồi thì mời bạn đi xuống hố, bạn hãy xuống thật cẩn thận để đảm bảo an toàn bạn nhé!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Khi bạn xuống đến đáy thì hãy đứng im ở đó rồi từ từ ngẩng mặt nhìn lên phía trên, bạn sẽ thấy điều gì? Có phải miệng hố đang hoàn toàn cách xa tầm với của bạn không? Có phải mọi thứ ở phía trên đang thật là cao đúng không? Và như thế có nghĩa là cái hố của bạn giờ đây không còn là cái hố sâu nữa mà nó đã trở thành một cái hố cao rồi đấy, bạn có nhận thấy không?

Cảnh tượng biển cao cũng xuất hiện tương tự như thế, nó cũng giống như  trường hợp bạn tạo ra cái hố cao của bạn vậy. Khi bạn ngắm nhìn biển từ trên  bờ, khi bạn chèo thuyền trên biển hoặc là khi bạn bơi trên biển thì biển vẫn luôn  là biển sâu. Nhưng, khi bạn lặn xuống đáy biển thì biển sẽ không còn sâu nữa, mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều ngược lại, mặt biển sẽ trở nên cao vút so với bạn, bạn muốn quay trở lại bờ thì bạn phải bơi lên chứ bạn không thể bơi xuống, với trạng thái đó thì biển chính là biển cao. Nói cách khác thì biển cao chính là phản chiếu hiện thực của biển sâu, nó cũng rộng lớn mênh mông và chứa đựng  tất cả những gì mà biển sâu có, nó luôn tồn tại và hiện hữu cùng với biển sâu, vậy mà tại sao ta lại khó có thể nhận ra?

Tiếp đến là núi sâu, theo bạn thì núi sâu đang ở đâu…? Thật ra, núi sâu chính  là do núi cao mà có. Núi sâu đang ở ngay trong hình hài của núi cao, nó chỉ đang ẩn mình theo góc nhìn của bạn mà thôi, khi bạn ở dưới chân núi, khi bạn hướng mắt nhìn lên để quan sát núi thì núi sẽ là núi cao, còn khi bạn trèo lên đỉnh núi, khi bạn hướng mắt nhìn xuống để quan sát núi thì một cảnh tượng hùng vĩ hút tầm mắt sẽ hiện ra, đó chính là cảnh tượng núi sâu mà bấy lâu nay nó vẫn chờ ta để ý tới. Tuy nhiên, để được thấy đúng cảnh tượng núi sâu thì bạn chỉ được nhìn cảnh vật trong phạm vi từ đỉnh núi xuống chân núi, nếu bạn nhìn ra khỏi phạm vi này thì cảnh tượng sẽ thuộc về thung lũng hay vực thẳm hoặc thuộc về một không gian nào đó khác mà không phải là núi sâu nữa.

Quay trở lại cái hố của bạn rồi bình tâm quan sát, bạn sẽ thấy cả biển và núi  đều đang ẩn chứa ở đó, biển giống như không gian trong lòng hố, còn núi tựa như phần không gian xung quanh. Khi bạn đi xuống hố cũng giống như bạn đi  xuống biển và đi xuống núi vậy, còn khi bạn từ dưới đáy hố leo lên thì cũng không khác gì bạn leo lên núi cả. Thế nên, cái hố của bạn chính là nơi để bạn có thể ngắm nhìn cảnh tượng biển cao và núi sâu bất cứ khi nào bạn muốn, và cũng là nơi để tôi được chia sẻ tới bạn về những điều quý báu đến từ Đạo Phật mà tôi đã may mắn được học trong cuộc sống này.

Cái hố chính là tượng trưng cho sự tỉnh thức, tôi dùng nó để mô tả cho sự sâu  sắc của tâm, khi bạn đào hố cũng chính là bạn phải đào đi nhiều lớp đất đá để bạn tạo ra một cái hố. Việc này cũng giống như khi bạn muốn khai ngộ cho tâm  thì bạn phải “đào đi” sự chấp mắc vào ngoại cảnh, sự chấp mắc vào những thói quen cố hữu của tâm để bạn làm cho tâm mình sâu sắc hơn. Và khi tâm bạn sâu sắc hơn cũng như khi cái hố đã được hình thành thì tự khắc cảnh tượng biển cao và núi sâu sẽ hiện ra mà bạn không cần phải đi đâu xa để tìm kiếm cả.

Hãy biết trân quý tâm mình và sớm nhận ra những thứ thực sự giá trị trong con  người bạn. Nếu bạn để tâm mình tham đắm vào những mong cầu mất kiểm soát  thì cái tôi (bản ngã) trong bạn sẽ trỗi dậy và phát triển rất nhanh. Khi cái tôi lớn lên dẫn đến lòng tham lớn lên, sự cao ngạo và lòng ích kỷ lớn lên làm cho tâm bạn trở nên u tối, bạn chỉ còn nhìn thấy những thứ mà bạn muốn đạt được, giống như bạn chỉ còn nhìn thấy đỉnh núi cao để leo lên thôi. Bạn không còn  nhìn thấy giá trị thực sự trong con người bạn nữa, để rồi bạn càng leo lên cao thì những giá trị chân thực trong bạn, những thứ mà bạn để lại cho đời lại càng trở nên thấp kèm, càng trở nên mờ mịt và chìm vào sâu thẳm giống như là cảnh  tượng núi sâu mà bạn không hề hay biết. Còn nếu bạn biết kiểm soát tâm mình, bạn biết buông bỏ lòng tham và những dục vọng xấu xa thì cái tôi của bạn dần được cắt bỏ, bạn trở nên khiêm tốn hơn, tâm bạn trở nên sâu sắc hơn, giống như bạn đi xuống núi hay xuống biển vậy, bạn càng buông xuống thì những giá trị bạn để lại phía sau sẽ càng trở nên cao đẹp hơn, “cao như núi cao và cao như biển cao” mà bạn không ngờ tới.

Cuối cùng tôi muốn nói với bạn rằng, tôi vô cùng biết ơn đến Đạo Phật, biết ơn đến những người đã mang Đạo Phật đi khắp muôn nơi. Nhờ có Đạo Phật mà tôi mới viết được ra truyện ngắn này, tôi vô cùng hạnh phúc khi được chia sẻ nó tới cho các bạn, tôi hy vọng nó sẽ mang đến cho các bạn nhiều niềm vui và  nhiều điều bổ ích khi các bạn đọc nó. Chúc các bạn luôn bình an và chúc cho Đạo Phật ngày càng phát triển.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Bùi Văn Hùng; địa chỉ: tổ dân phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. 

Bùi Văn Hùng