Bảy tình trạng của cuộc sống
Nước ở đây chính là cuộc đời, là thế giới này, với đầy dẫy năm thứ nhiễm ô, gọi là ngũ trược ác thế. Thế giới đang ở giai đoạn suy thoái, trái đất bị ô nhiễm, thiên tai, địa chấn (kiếp trược); nhận thức sai lầm (kiến trược); lòng đầy tham, giận, si mê (phiền não trược); đạo đức suy đồi, không giữ được giới cấm, làm nhiều điều xấu, không tạo công đức (chúng sinh trược); tuổi thọ ngắn ngủi, bệnh tật liên miên (mạng trược). Sinh ra giữa cuộc đời với đầy dẫy năm thứ nhiễm ô như vậy chính là sinh ra trong bể khổ. Người ta hay ví von đời là bể khổ. Trong bể khổ ấy, chúng sinh vẫy vùng bơi lội với bảy tình trạng khác nhau.
Chìm mãi trong nước
Trước hết, trong thế gian thật sự có hạng người được ví như một người bị rơi xuống nước rồi chìm mãi trong đó. Tức là sinh ra giữa cuộc đời đầy dẫy nhiễm ô rồi chìm đắm mãi trong vòng tử sinh bất tận. Đó là hạng người nào? Kinh ghi: “Hạng người bị những pháp bất thiện che lấp, bị đắm trước bởi nhiễm ô, nhận lãnh quả báo của pháp xấu ác, tạo gốc sinh tử. Đó là hạng người chìm mãi”.
Sinh ra giữa cuộc đời này, với con mắt của bậc thánh trí, thì cũng như bị rơi vào trong nước. Ở trong tình trạng đó, con người lại bị những pháp bất thiện, bị lòng tham, bị sân hận, bị u mê che lấp, bị tiền tài, danh lợi, sắc dục… quấn chặt khiến cho không ngoi đầu lên nổi, bị chìm đắm mãi trong đó không thoát ra được. Đây là hạng người thứ nhất, sinh ra và đắm chìm trong bể khổ cuộc đời, vùi chôn trong vũng bùn sinh tử với lợi danh không biết đủ, không biết tìm cách ngoi lên.
Ảnh minh hoạ.
Ra khỏi nước rồi chìm lại
Đây là tình trạng sống của nhiều người, nhiều Phật tử và một số ít Tăng Ni. Ý thức được cuộc đời vui ít khổ nhiều, cứ xoay vần mãi trong dòng tử sinh, chán ngán đời sống tranh giành, hơn thua, thị phi, dối trá… nhiều người đã đi tìm lẽ sống cho cuộc đời mình, như một người bị rơi xuống nước thấy rõ sự chết đang vây hãm nên tìm cách ngoi lên, tìm cách thoát ra. Và người ấy ngoi lên được, thoát ra được!
Người ấy tìm thấy mạch nguồn đạo pháp, thấy được ánh đạo vàng, nên phát tâm quy y, thọ giới, đi chùa, nghe pháp, tập bố thí, cúng dường, làm việc thiện nguyện, thậm chí xuất gia tu học. Nhưng được một thời gian, khi niềm tin chưa thật sự vững chãi, khi sự tu tập chưa thật vững vàng, vì duyên nghiệp nào đó, vì thiếu phước đức, vì thiếu thầy lành bạn tốt… người ấy dần bỏ đạo, đánh mất niềm tin nơi Tam bảo, quay lưng với lý tưởng tu học, chỉ còn biết lấy danh lợi phù phiếm làm sự nghiệp, mãi lăng xăng những việc bên ngoài mà quên mất mục đích đoạn trừ cấu uế phiền não bên trong. Người ấy chìm trở lại, thật đáng tiếc!
Ra khỏi nước rồi trụ lại
Đây là tình trạng sống của những người Phật tử trung kiên, những Phật tử thuần thành, những Tăng Ni tu học chân chính, những người đã thành tựu niềm tin bất thoái, đang hướng đến quả vị Dự lưu. Quả thật, trong giai đoạn hiện nay, con người sống trong bể khổ năm trược, vật chất lên ngôi, danh vị tiền tài trở thành thước đo vị thế xã hội, thì những ai tu học mà còn giữ được niềm tin thanh tịnh với Tam bảo, vẫn còn giữ được lý tưởng cao thượng của người xuất gia, không bị danh lợi phù hoa che lấp, không bị hư danh dẫn lối, cho dù chưa chứng được quả vị nào… cũng đã trụ lại được trong ngôi nhà Chính pháp! Đôi khi, “Thấy muôn loài còn chìm trong khổ nạn, bỗng giật mình kinh hãi. Biết rằng dù đã quay đầu nhìn lại, vẫn thấy rằng bến Giác còn xa” thì mong sao trụ lại được với đời sống tu học an yên trong nếp đạo thanh bần đã là “thành tựu chúng sinh” rồi!
Trụ lại rồi tìm bờ
Từ đây trở đi là những hạng người thăng tiến trên đường đạo, thẳng đến thành trì Niết-bàn, tức những vị chứng quả Dự lưu (Tu-đà-hoàn) hướng đến quả vị A-la-hán.
Trước hết là tình trạng của bậc Dự lưu. Như một người bị rơi xuống nước, người ấy bằng mọi cách ngoi lên, ngoi lên được rồi thì bằng mọi cách trụ lại, trụ lại được rồi thì nhìn quanh tìm bờ. Cũng vậy, một người sinh ra giữa bể khổ đã tìm đủ mọi cách để thoát ra, để ngoi lên khỏi đầm lầy sinh tử, người ấy xuất gia học đạo, “giữ giới, bố thí, nghe nhiều, trí tuệ thêm vững chãi, không thoái thất, trụ vững trong pháp thiện, biết như thật về Khổ, biết như thật về Nguyên nhân của khổ, biết như thật về Khổ diệt và biết như thật về Con đường đưa đến khổ diệt.
Người đó biết như vậy, thấy như vậy, nên ba kiết sử là thân kiến, giới thủ và nghi liền dứt sạch. Ba kiết sử đã dứt sạch liền chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào pháp xấu ác, quyết định thẳng đến Chánh giác, chỉ còn thọ sinh bảy lần nữa, qua lại bảy lần trong cõi người hay cõi trời thì đi đến tận cùng biên tế của sự khổ. Đó gọi là hạng người ra khỏi rồi trụ lại, trụ lại rồi ngước nhìn”.
Bậc thánh Dự lưu còn gọi là bậc Kiến đế, tức thấy biết một cách như thật về Bốn sự thật. Một khi thấy biết đúng như sự thật về Tứ diệu đế thì ba kiết sử thân kiến, giới cấm thủ và nghi liền được đoạn trừ. Ai trong chúng ta từng thuyết giảng giáo lý Tứ diệu đế mà thấy được sự thật?
Thấy bờ rồi bơi vào
Thấy bờ rồi tìm cách bơi vào là tình trạng của bậc thánh Nhất lai (Tư-đà-hàm). Vị ấy sau khi “biết như thật về Khổ, biết như thật về Nguyên nhân của khổ, biết như thật về Khổ diệt và biết như thật về Con đường đưa đến khổ diệt; biết như vậy, thấy như vậy nên ba kiết sử là thân kiến, giới thủ và nghi liền dứt sạch. Ba kiết sử đã dứt sạch, tham, sân và si giảm thiểu, chỉ còn một lần qua lại trong cõi người hay cõi trời. Sau khi qua lại một lần rồi sẽ đi đến tận cùng biên tế của sự khổ. Đó gọi là người ra khỏi rồi trụ lại, trụ lại rồi ngước nhìn, ngước nhìn rồi vượt qua”.
Bơi vào đến bờ
Sau một thời gian nỗ lực, vị ấy đã bơi đến bờ. Đó là tình trạng của bậc thánh Bất lai (A-na-hàm): “Biết như thật về Khổ, biết như thật về Nguyên nhân của khổ, biết như thật về Khổ diệt và biết như thật về Con đường đưa đến khổ diệt. Biết như thế, thấy như thế, nên năm hạ phần kiết sử là tham dục, sân hận, thân kiến, giới thủ và nghi liền dứt sạch. Năm hạ phần kiết sử dứt sạch rồi, người ấy sinh vào cõi trời Bất hoàn rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thoái chuyển, không trở lại thế gian nữa. Đó gọi là hạng người ra khỏi rồi trụ lại, trụ lại rồi ngước nhìn, ngước nhìn rồi vượt qua, vượt qua rồi đến bờ bên kia”.
Đứng trên bờ
Bơi vào đến bờ kia và bước lên đứng trên bờ gọi là ‘đáo bỉ ngạn’, là gate, gate! Vị ấy có “tâm thoát khỏi dục lậu, tâm thoát khỏi hữu lậu và tâm thoát khỏi vô minh lậu. Giải thoát rồi, liền biết mình đã giải thoát và biết như thật rằng: ‘Sinh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa’. Đó gọi là người ra khỏi rồi trụ lại, trụ lại rồi ngước nhìn, ngước nhìn rồi vượt qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi, gọi là vị Phạm chí ở trên bờ”.
“Sông ái dài muôn dặm/ Biển mê sóng vạn tầm”. Trong biển khổ mênh mông ấy, ai là người đang bị nhấn chìm mãi mãi mà không tự hay biết, ai là người đã từng tìm cách ngoi lên rồi chìm đắm trở lại, ai là người đang trụ lại được và ai đang vượt qua, vượt qua, “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”?