Bây giờ và ở đây
Đức Phật thuyết pháp hơn 300 hội, không có thời pháp nào giống nhau. Đó là điều quan trọng mà chúng ta ghi nhận được.
Vì Đức Phật thuyết pháp trên căn bản tùy nơi, tùy lúc, tùy người, tức tùy theo trình độ khác nhau của người nghe pháp mà Phật nói pháp khác nhau để làm lợi ích cho cuộc đời. Theo dấu chân Phật, thể hiện tinh thần này, chúng ta làm gì, nói gì cũng nhằm đem lợi ích cho mọi người.
Ngành sư phạm hoằng pháp cũng vậy, nhằm đào tạo con người biết sống thích hợp với hoàn cảnh để làm công việc theo ý nghĩa Phật dạy như vừa nói. Thật vậy, Phật luôn giảng dạy “Bây giờ và ở đây”, nghĩa là nhà hoằng pháp phải biết mình đang ở đâu và nên làm gì, nói gì.
Riêng tôi thành công trong việc hành đạo nhờ ý thức lý này. Thí dụ trước kia tôi sinh hoạt ở tu viện Thiên Chúa giáo ở La Mã cũng biết rõ tôi đang ở Tòa thánh và chung quanh là các Hồng y, Giám mục… Tôi phải lựa pháp nào mà các vị này nghe được, hiểu được và chấp nhận được, nên tôi nói không làm mất lòng họ và nhân đó, tôi cũng có thêm bạn.
Thực tế cho thấy một số giảng sư không thành công vì mất Chánh niệm, nói chuyện với người khác tôn giáo mà tưởng là Phật tử, đang ở nhà thờ mà tưởng ở chùa…
Vì vậy, các anh em giảng sư tương lai phải luôn suy nghĩ “Bây giờ và ở đây” để nói những gì thích hợp, làm những gì mà người chấp nhận là thành công.
Điều thứ hai, Phật dạy những vị chưa đắc La-hán không nên đi hoằng pháp vì chưa đoạn tận mười triền cái, còn tham sân si vi tế, tướng giải thoát của Tỳ-kheo chưa hiện nên nói pháp giải thoát bị phản tác dụng. Giảng sư phải luôn cân nhắc điều này.
Xưa kia, tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa là Trưởng ban Hoằng pháp. Tôi thấy ngài không thay đổi sắc mặt dù khó khăn, nguy hiểm, hay việc tốt lành xảy ra. Ngài dạy rằng dù được chư Thiên cúng dường, cung kính, hay bị hủy báng, chúng ta cũng không thay đổi, phải luôn có Chánh niệm. Thầy tu chưa có Chánh niệm không nên ra ngoại giới, cố rèn cho được Chánh niệm.
Điều thứ ba thuộc về thân giáo. Phật dạy phải thường đọc giới bổn. 250 giới của Tỳ-kheo đi vào lòng chúng ta, thể hiện thành cử chỉ, hành động và thành tựu 3.000 oai nghi. Oai nghi của Tỳ-kheo quan trọng. Muốn trở thành nhà hoằng pháp tương lai phải rèn luyện oai nghi trước nhất, đó là điều căn bản anh em phải nhớ. Và đề thi sắp tới, những gì tôi giảng mà anh em có những tâm đắc thì mới diễn tả được tâm đắc đó, như vậy bảo đảm có điểm trên trung bình, ra trường được. Huynh đệ cố gắng tốt nghiệp với điểm cao và trở thành nhà hoằng pháp tài đức.
Hôm nay là buổi giảng cuối cùng có Phật tử tham dự đông, tôi gợi một số ý về kinh Pháp hoa mà tôi chuyên thọ trì, nghiên cứu.
Trước hết, chúng ta nghĩ kinh Pháp hoa có phải là một bộ kinh khác, riêng biệt hay không. Chúng ta thường chia ra kinh Pháp hoa, kinh Hoa nghiêm, kinh Bát-nhã, kinh Di Đà, kinh Duy Ma… Chúng ta chia như vậy, nhưng tổng hợp lại tất cả các kinh này là một. Có thể nói phương tiện thì nhiều, nhưng tập hợp lại, nó là một, tức Nhứt Phật thừa, nghĩa là tất cả mọi người tu theo pháp Phật đều thành Phật, không phải người này tu thành La-hán, người kia tu thành Bồ-tát, người nọ thành Phật.
Tất cả kinh Phật đều là phương tiện dẫn chúng ta đến cửa giải thoát và vào Niết-bàn là chính; nhưng nhận thức của từng người khác nhau, ở từng chặng đường khác nhau nên có kết quả sai biệt.
Ta nghiên cứu kinh Pháp hoa phải kết hợp với tất cả các kinh Phật nói. Phật nói trong kinh Pháp hoa rằng tất cả Phật quá khứ nói pháp, Ngài cũng nói pháp như vậy và tất cả chư Phật tương lai cũng sẽ nói pháp như vậy.
Phật dạy trong tất cả loài chúng sanh chỉ loài người có trí tuệ và phát huy trí tuệ thành Phật gọi là Phật thừa. Và trí tuệ loài người được phát triển theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng trí tuệ phát triển nghĩa là đi lên. Thật vậy, lịch sử văn minh loài người cho thấy hiểu biết của loài người ở 2.000 năm trước hoàn toàn khác với tri thức của nhân loại trong thời hiện đại. Nhưng điều đặc biệt là trí tuệ loài người nâng cao đến bậc nào cũng bắt gặp được trí tuệ Phật. Không phải những gì Phật nói mấy ngàn năm trước mà bây giờ trở thành lỗi thời. Giáo pháp Phật dạy từ nghìn xưa cho đến ngày nay vẫn luôn đúng gọi là thường pháp hay chân lý.
Như vậy, nếu nói Pháp hoa là chân lý thì được không. Không được. Nhưng theo Nhật Liên, kinh Pháp hoa là trí tuệ cao nhất của loài người. Tuy nhiên, như đã nói trí tuệ loài người cao nhất của thiên niên kỷ trước khác với trí tuệ loài người ở thế kỷ ngày nay.Vì vậy, chúng ta đặt vấn đề ở thế kỷ XXI được mệnh danh là đỉnh cao trí tuệ và con người đạt đến mức độ nào thì dùng đó rọi vào giáo pháp để chúng ta hiểu rõ thêm đạo Phật.
Có thể khẳng định Phật giáo ở thời thần quyền thì Phật giáo rất thần quyền và ở thời dân chủ, Phật giáo cũng rất dân chủ. Điều này thể hiện sâu sắc rằng Phật giáo thích hợp với mọi thời đại mới có thể tồn tại vững chắc dài lâu như vậy.
Vì vậy, Phật dạy rằng kinh điển mà Ngài nói tồn tại trong sự sống con người, trong sự hiểu biết của con người, trong niềm tin của con người. Chừng nào con người không hiểu, không tin, không áp dụng giáo pháp thì đạo Phật tự tiêu diệt. Điều hiển nhiên rằng đạo Phật gắn liền mật thiết với cuộc sống con người. Lý này được Phật dạy là thế gian tướng thường trụ, nghĩa là giáo pháp thường trụ trong sự sống của con người.
Vì thế, Phật giáo quy định đồng thể Tam bảo là từ Tam bảo của con người tiến lên Tam bảo chân lý, tức Phật bảo là trí tuệ cao tột, Pháp bảo là nguyên tắc sống thánh thiện tuyệt đối và Tăng bảo là sự hòa hợp thanh tịnh trọn vẹn. Tam bảo này hiện hữu là Phật giáo sinh tồn. Thí dụ điển hình như trường chúng ta có cả ngàn Tăng Ni sinh nội trú, nhưng chúng ta tu học hòa hợp, phát huy trí tuệ, nên trường phát triển được. Ngày nào chúng ta không hòa hợp thì không còn Phật giáo.
Ý thức rõ quy luật này, chúng ta phải giữ sự hòa hợp, phải tu cho được tánh hòa hợp, dù ở chỗ nào cũng phải thể hiện tình đoàn kết hòa hợp được ví như nước ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Như đã nói, tôi ở tu viện Thiên Chúa giáo được các vị lãnh đạo Tòa thánh chấp nhận. Tại sao tôi lại ở đó. Khi tôi sang Nhật, một Hòa thượng thỉnh tôi về chùa. Tôi nói ngài Tổng Giám mục đã thỉnh trước rồi. Hòa thượng này rất ngạc nhiên tại sao họ lại thỉnh tôi. Tôi nói tôi quen vị này ở Hội nghị Tôn giáo thế giới ở Ý. Ông nói khi nào Hòa thượng sang Nhật phải tới nhà thờ ở. Hòa thượng Nhật nói không được ở nhà thờ, phải ở chùa. Tôi đáp suốt đời ở chùa rồi, ở nhà thờ một lần cho biết. Và trải qua một đêm chia sẻ với ngài Tổng Giám mục rất thú vị. Ông nói về cầu nguyện theo Thiên Chúa giáo, tôi nói về thiền của Phật giáo; ông nói về đức tin của con Chúa, tôi nói về năng lực của con người phải phát triển được trí tuệ vô thượng như Phật.
Thể hiện tánh hòa hợp, ở chùa thì sống theo chùa, ở nhà thờ sống theo nhà thờ, không chống nhau. Nhưng cùng là Phật giáo mà tông này chống tông khác là sai. Chẳng những Tăng-già hòa hợp, các Phật tử cũng phải hòa hợp, không phải đệ tử của thầy này chống lại đệ tử của thầy khác.
Muốn hòa hợp, phải có nguyên tắc sống gọi là pháp. Các huynh đệ ở trường có quy định phải tuân thủ thì hòa hợp. Một người không tuân thủ, mình nhắc nhở để giúp họ không vi phạm nội quy, nhưng nhắc rồi mà vẫn không tuân thủ thì mời ra để Tăng đoàn thanh tịnh.
Nguyên tắc sống của tập thể phải tôn trọng, nhưng nếu nguyên tắc này lỗi thời thì khó có thể bắt mọi người tôn trọng. Vì vậy, tôn trọng bậc trưởng thượng sáng suốt nhất là người có thể đưa ra nguyên tắc sống đúng đắn. Trên căn bản này, Phật dạy sau khi Ngài nhập Niết-bàn, tập thể Tăng-già hòa hợp có thể thay đổi, thêm bớt nguyên tắc (Pháp), nghĩa là giáo pháp Phật không cố định, được phép thay đổi.
Phật tiêu biểu cho bậc sáng suốt nhất, nếu không còn Phật hiện hữu trên thế gian, trí tuệ tập thể của Tăng-già sau khi lắng nghe các ý kiến của Tăng Ni, xem điều nào đúng hay sai, nên hay không nên giữ lại hoặc sửa đổi. Thậm chí không chỉ nghe chư Tăng Ni mà còn nghe cả Phật tử cho đến ngoại đạo đánh giá chúng ta như thế nào để điều chỉnh có tiến bộ, phù hợp với cuộc sống.
Nói về trí tuệ của loài người, không phải Phật ra đời mới có. Đức Phật Thích Ca dạy rằng trước Ngài đã có chư Phật quá khứ xuất hiện và kinh Pháp hoa cũng nói trước Phật Thích Ca có rất nhiều Phật như Phật Oai Âm Vương, Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Phật Nhiên Đăng, Phật Đại Thông Trí Thắng… Theo Phật giáo Nam tông, có 3 Đức Phật quá khứ là Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni và Ca Diếp, hiện tại có Phật Thích Ca và tương lai có Phật Di Lặc là giáo chủ.
Phải nói trí tuệ loài người rất quan trọng. Trong một giai đoạn lịch sử có đầy đủ duyên lành thì có một vị Phật ra đời làm giáo pháp sáng lên và giáo pháp này không khác giáo pháp quá khứ. Và lấy kinh Pháp hoa làm chuẩn mà Pháp hoa là đạo đức và trí tuệ thì chư Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật tương lai cũng đều có trí tuệ viên mãn nên chư Phật ba đời đều không khác nhau về trí tuệ và đạo đức. Riêng chúng ta chưa thành tựu quả vị Phật nên phải tu cho đầy đủ đạo đức và trí tuệ.
Dòng lịch sử từ quá khứ, đến hiện tại và trôi dần về tương lai có sự miên viễn tất yếu như vậy, cho nên đòi hỏi người ta phải thấy chân lý mới là Phật. Thực sự Phật không sáng tạo chân lý, nhưng Ngài thấy được chân lý. Và chân lý là nguyên tắc sống mà ai vi phạm, chắc chắn không thể tồn tại.
Một Đức Phật ra đời tuyên dương Chánh pháp và giáo pháp được truyền thừa. Ở chặng giữa, trong giai đoạn chưa có Phật kế tiếp, luôn có các vị Bồ-tát xuất hiện truyền bá giáo pháp. Theo tôi, đó là 16 vị La-hán xuất hiện trong từng giai đoạn một để dìu dắt mọi người. Về sau, ở Trung Hoa có thêm 2 vị La-hán, tổng cộng có 18 vị La-hán. Khi Phật Thích Ca vào Niết-bàn, các La-hán phát tâm Đại thừa, vì muốn giáo pháp được lưu truyền nên các ngài xuất hiện trên cuộc đời này, đó chính là sự ra đời của các vị Tổ sư.
Điển hình như ngài Liên Hoa Sanh ở Tây Tạng đưa ra Kim Cang thừa thích hợp với người Tây Tạng. Như vậy, từ giáo lý Nguyên thủy, ngài chuyển sang Kim Cang thừa chủ trương cách tu cho đạt kết quả vượt trên con người thì họ mới chấp nhận. Từ đó, nói đến thần thông biến hóa là người ta nghĩ đến Tây Tạng. Nhưng Phật giáo truyền sang Trung Hoa có nhiều tông phái nổi bật như Thiền, Tịnh Độ, Hoa Nghiêm, Chân Ngôn, Duy Thức tông được nhiều vị Tổ sư khai sáng. Và khi Phật giáo truyền qua Nhật, có 7 vị Tổ. Ta coi các vị này là Thánh La-hán ở thời Phật Thích Ca tái sanh lại trong từng quốc độ để làm cho giáo pháp phát triển.
Ở Việt Nam chúng ta cũng có 16 vị La-hán hiện thân lại. Đối với tôi, tôi thấy có vị La-hán hình như giống ngài Khương Tăng Hội, hay có vị giống Khuông Việt đại sư. Hoặc tôi cảm giác vị La-hán này hơi giống Vạn Hạnh thiền sư, hay vị La-hán kia hơi giống Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đó là cách nhìn của riêng tôi. Ở chùa Huê Nghiêm, tôi thờ 16 vị La-hán, có thầy hỏi tại sao không để tên các vị này. Tôi nói các vị này là Bồ-tát Long Thọ, là Bồ-tát Thế Thân của Ấn Độ, là Trí Giả đại sư của Trung Hoa, là Pháp sư Ngô Chân Lưu của Việt Nam… Đối với tôi, đó là các vị Tổ hiện thân lại sau khi Phật vào Niết-bàn.
Nếu quý thầy nghĩ các vị La-hán này vào Niết-bàn rồi, nhưng theo tôi, các ngài vẫn đang hộ trì Chánh pháp thì mình mới tôn thờ. Nếu các ngài Niết-bàn, tôi không thờ.
Đọc kinh Pháp hoa, quan trọng là phải thấy lý này mới thấy hay. Kinh Pháp hoa nói Phật thuyết kinh này ở núi Kỳ Xà Quật. Đi hành hương đến đó, chúng ta thấy chỗ Phật thuyết pháp không thể chứa quá 20 người, nhưng kinh nói có 12.000 Tỳ-kheo, 6.000 Tỳ-kheo-ni, 80.000 Bồ-tát, 70.000 chư Thiên và có cả chư thần cùng các loài khác nữa, thì tất cả những người này ngồi ở đâu. Như vậy, chuyện này hoang đường, không có thật.
Theo tôi, bằng mắt thịt của con người thì thấy hoang đường. Nhưng người tu có Chánh niệm, Chánh định thấy khác. Có Chánh niệm, các thầy tập trung tư tưởng được và sống được với lý tưởng mình theo đuổi mới thấy cuộc đời hoàn toàn khác. Thậm chí thấy người chết vẫn hiện hữu, như Đức Đạt-lai Lạt-ma nói tất cả mọi người đều chết, nhưng không ai chết cả, tức người chết, nhưng người tu không ai chết, không chết thì họ còn ở đâu. Các thầy thấy điều đó sẽ hiểu được lý này.
Phật nói kinh Pháp hoa 8 năm vào cuối cuộc đời Ngài, lúc đó Phật 72 tuổi mới nói Pháp hoa thì những người này chết hết rồi, nhưng sao Pháp hoa lại nói có họ.
Trở lại câu không ai chết, đó là thế giới Phật, là thế giới Chánh niệm và Chánh định. Vì vậy, đòi hỏi người tu phải đạt Chánh niệm, Chánh định mới thâm nhập thế giới Pháp hoa. Còn đánh giá theo tri thức con người phàm phu thì hoàn toàn tuyệt phần.
Phật dạy quán vô thường, thấy thân tứ đại của con người vô thường, luôn sanh diệt biến dịch không lường. Tế bào này chết cho đến từng hơi thở thay đổi không dừng. Và tứ đại vô thường như vậy thì con người hôm qua có phải là con người bây giờ và con người ngày mai hay không.
Con người hôm qua không phải là con người hôm nay và cũng không phải con người ngày mai, tức thân vật chất này thay đổi, biến dịch. Nhưng con người hôm qua vẫn là con người hôm nay và con người kiếp này vẫn là con người của kiếp sau. Vì vậy, có sinh mệnh tương tục mà chúng ta phải nhận ra mới hiểu được con người bất tử và tìm con người bất tử để tu.
Kinh Pháp hoa nói nếu nghĩ mình chết rồi buồn là do vọng tưởng điên đảo sanh. Chúng ta thấy mình sanh ra, lớn lên rồi chết, nhưng phải biết thêm rằng không ai chết mới biết sinh mệnh tương tục của Bồ-tát. Sinh mệnh tương tục của Bồ-tát là gì.
Sinh mệnh bất sanh bất diệt của La-hán là Niết-bàn. Một vị Thánh La-hán trụ định, tức dừng lại, không sanh không diệt nữa, gọi là Thú tịch Thanh văn. Phật nói từ đây chấm dứt sanh tử là ở lập trường La-hán mà nói chấm dứt sanh tử, không sanh không chết.
Thử nghĩ không sanh không chết thì ta còn không. Ta vẫn là ta, nhưng không mang thân ngũ uẩn, vì thân ngũ uẩn đã diệt.
Sự sống của phàm phu kết thúc thì Thức uẩn là hạt nhân dẫn họ đi đầu thai kiếp sau. Nhưng vị Thánh La-hán đã diệt Thức uẩn và trụ định, nên ngài không tái sanh theo nghiệp lực của sanh tử luân hồi nữa. Tuy nhiên, theo kinh Pháp hoa, các Thánh La-hán ở trong định mà phát tâm đại bi cứu độ chúng sanh như 16 vị La-hán, nên các ngài nguyện tái sanh lại cuộc đời để tạo công đức, còn ở Niết-bàn, làm sao có công đức. La-hán tái sanh, trang nghiêm thân tâm bằng đạo đức và trí tuệ của bậc Thánh, nên không tạo tội và dễ dàng cảm hóa được chúng sanh, nhờ đó, đạo đức và trí tuệ của các ngài được tăng thêm, quyến thuộc Bồ-đề cũng tăng thêm. Với quá trình tu hành mỗi đời tăng trưởng thêm đạo đức, trí tuệ và quyến thuộc Bồ-đề như vậy tạo thành sinh mệnh tương tục của Bồ-tát.
Như đã nói, Thánh La-hán đã diệt tận sanh tử và ở Niết-bàn, nhưng vẫn tái sanh trong sanh diệt vì khởi đại bi tâm cứu độ muôn loài. Vì vậy, tư chất của vị Thánh La-hán hoàn toàn khác với người đời là các ngài không bị cuộc đời làm ô nhiễm, vì kiểm soát được cảm thọ, tri giác, nhận thức (thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn), nên việc làm không phạm sai lầm nữa.
Đối với người tu, kiểm soát tứ đại, đầu tiên là sắp xếp ăn uống, ngủ nghỉ, tu hành cho thích hợp để không bệnh, sống được. Và kế đến, kiểm soát được cảm giác, coi trần lao ngiệp chướng của mình còn không, lòng tham ái dục còn không. Nếu kiểm soát được thì không đi vào con đường tội lỗi, mà đưa mình tiến xa trên đường đạo đức.
Như vậy, tu hành vẫn sử dụng cảm giác, không phải mất cảm giác trở thành gỗ đá. Mình vẫn cảm giác, tức có tri giác, nhưng không phiền não vì đã được trí tuệ dẫn đường. Thật vậy, tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nói đơn giản là do mắt thấy tai nghe làm mình ô nhiễm, tội lỗi, nhưng khi nó hết phiền não nhiễm ô thì sáu căn này trở thành dụng cụ cho mình làm đạo. Duy thức gọi là sở tác trí. Không phải không thấy, không nghe, vẫn thấy, vẫn nghe nhưng làm theo trí tuệ chỉ đạo là chuyển thức thành trí.
Vì vậy, thân Tỳ-kheo có giới định huệ khiến người trông thấy kính trọng và được giải thoát theo. Đó là nhờ có thân, chẳng những mình tu được mà người khác mới biết mình và nương theo mình để tu, nên thân này rất cần.
Đức Đạt-lai Lạt-ma nói thân này là đãy da dơ bẩn, nhưng nó cũng là ngôi đền tâm linh để người quy ngưỡng, kính trọng và họ tu theo được an lạc. Như vậy là chuyển hóa được sanh thân thành thân phước đức, trí tuệ.
Thể hiện lý này, Trí Giả nói trong hội Linh Sơn, thân tứ đại không phải là núi, nhưng thân biến thành ngôi đền tâm linh để người nương tựa, tu hành.
Theo Trí Giả, “Linh” là chân linh, “Sơn” là tứ đại. Hai điều này kết hợp lại, nói cách khác là cây đa và ông thần. Không có thần thì cây đa không linh, nhưng không có cây đa thì thần không có chỗ nương. Đừng nhìn lầm cây đa là ông thần. Vì vậy, có chân linh trong thân tứ đại, nên người này mới linh; không có chân linh thành tội lỗi sao.
Phật thuyết Pháp hoa bằng chân linh, nên Ngài thuyết trong thiền định thì tất cả mọi người tập hợp có định mới vào được. Và điều đặc biệt là thế giới này không có giới hạn. Phổ Hiền Bồ-tát nói thế giới này nhỏ bằng đầu lông, nhưng Ngài thấy ba đời chư Phật ở trong đó. Nghĩa là từ người bình thường tu chứng, phát hiện chân linh và bằng chân linh quan sát lại vũ trụ thấy khác, là thấy bằng Chánh niệm, Chánh định.
Trí Giả nói dùng Chánh niệm tới Phật, nghe Phật thuyết và hiểu pháp chân thật là nghe bằng Chánh niệm, Chánh định. Như vậy, chẳng những có 80.000 Bồ-tát mà Pháp hoa nói lục vạn hằng hà sa Bồ-tát vẫn có chỗ đứng, hay có bao nhiêu người cũng chứa được.
Thế giới hữu hình có giới hạn, nhưng thế giới tâm linh chứa vô số. Trong Phật giáo thường dùng từ không thể dùng lời nói hay suy nghĩ mà biết được, nghĩa là cắt đứt ngôn ngữ, tư duy thì có Chánh niệm và thấy bằng Chánh niệm, nghe bằng Chánh niệm, mới có pháp chân thật.
Phật nói kinh Vô lượng nghĩa, tức suốt cuộc đời Phật giáo hóa nhằm làm cho mọi người có Chánh niệm, Chánh định. Từ đó, Phật mới dẫn vào Vô lượng nghĩa xứ định thì đại chúng thấy từ địa ngục A-tỳ đến trời Sắc cứu cánh, thấy muôn sự muôn việc từ quá khứ xa xưa đến tận vị lai.
Phải biết rằng thế giới Pháp hoa do tu chứng mới hiện hữu, bằng suy nghĩ con người thì còn cách xa. Thiết nghĩ tu đến mức độ nào chỉ hiểu đến mức đó. Chưa tu mà phê phán người tu, chắc chắn sai.
Theo tôi, có người bề ngoài không tu nhưng sao cuộc đời họ có nhiều sự mầu nhiệm. Mình tu quá sức mà không được gì, rồi ganh tức, coi chừng bị đọa. Các vị Bồ-tát với hạnh nội bí ngoại hiện, bên trong họ làm lợi ích cuộc đời, nhưng bề ngoài họ hiện thân bình thường. Người giỏi làm được việc là bình thường, nhưng người dở lại được việc là phi thường, phải coi lại.
Ở Nhật, tôi có bạn sinh viên rủ tôi vào võ trường tập kiếm. Có sinh viên Việt Nam mua áo giáp và kiếm, tập nửa chừng thì chán, bỏ. Tôi xin áo giáp và kiếm để tập. Người bạn nói ông tập không được đâu, không nên tập. Tôi nói tập cho biết. Nhưng tôi thi ba đẳng đậu. Bạn hỏi sao ông dở mà đậu. Tôi nói nhờ may mắn. Dở nhưng được việc, coi chừng họ giấu cái giỏi.
Trở lại Chánh niệm, Chánh định, hai pháp này rất quan trọng. Khi có Chánh niệm, Chánh định, nhìn một người, nhận biết được họ đang nghĩ gì, tính gì thì mình biết được rồi, việc phòng hộ bảo đảm, chỉ cần gõ nhẹ liền hạ đối phương.
Thấy người bình thường được việc thì nên kính trọng họ, nên học cái dở của họ. Họ giấu cái hay, hiện cái dở để khỏi bị ganh tỵ. Còn dở muốn tỏ ra giỏi là chết trước. Tôi nhắc huynh đệ ra trường chấp nhận mình dở, nhưng việc nào cũng thành công. Cầu mong tất cả huynh đệ sẽ là nhà hoằng pháp làm lợi ích cho nhiều người, làm sáng đẹp đạo pháp.
(Bài giảng ngày 10-11-2019 tại Học viện Phật giáo TP.HCM)
HT.Thích Trí Quảng