Bát Nhã Tâm Kinh: Kinh ngắn nhất trong Phật giáo Đại thừa
Bát Nhã Tâm Kinh (tiếng Anh: Heart Sutra – tiếng Phạn: Prajnaparamita Hrdaya Sutra) hay còn được biết với tên gọi Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, là một văn bản nổi tiếng nhất của Đạo Phật Đại Thừa, được coi là sự chưng cất tinh khiết của trí tuệ (prajna).
Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh được coi như trí tuệ tinh khiết nhất của Phật giáo Đại Thừa.
Với người tu Phật, kinh Bát Nhã chính là ngọn đuốc để soi sáng con đường giác ngộ, tỉnh thức. Bát Nhã chính là trí tuệ, sự tinh tấn có thể nhìn thấu sự thật của mọi việc trên đời. Bát Nhã Tâm Kinh không chỉ là bài kinh về tâm thông thường mà đây chính là tâm sắc bén của mỗi người, là cái trí để thông tuệ cội nguồn của mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này.
Đức Phật muốn chúng ta hiểu được con đường tu hành đi đến giải thoát và đạt giác ngộ là một con đường đầy gian nan, không hề dễ dàng, phải vượt qua nhiều chướng ngại vật, mà muốn vượt qua những khó khăn ấy thì Phật tử cần tụng niệm tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa: qua đi, qua đi, qua, tích cực qua bờ bên kia đi, qua bờ bên kia sự giác ngộ sẽ được viên thành (Yết -đế. Yết-đế. Ba la yết-đế. Ba la tăng yết-đế. Bồ-đề tát-bà-ha).
HT.Viên Minh