“Bất năng nam” – một trong các điều già-nạn dành cho giới tử thọ Đại giới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vừa qua, Tòa soạn có đăng bài “Người đồng tính nam có được thọ Đại giới?”, nhân trả lời thắc mắc của một bạn đọc và đã nhận sự phản hồi từ độc giả.

Trân trọng ý kiến phản hồi cũng như để rộng đường dư luận, Tòa soạn xin đăng toàn văn bài góp ý này. Hy vọng diễn đàn sẽ nhận được những sẻ chia từ chư tôn đức Tăng Ni, độc giả, để cho vấn đề được sáng tỏ hơn và lợi lạc cho các giới tử thọ Đại giới.

***

Trong xu thế phát triển và hội nhập, tri thức Phật giáo, trong đó có các vấn đề Giới luật không những được Tăng Ni học nghiên cứu mà còn được các thành phần xã hội khác tìm hiểu. Gần đây mức độ quan tâm đến quá trình nuôi dưỡng và đào tạo từ một vị cư sĩ tục gia trở thành một vị tu sĩ xuất gia, ngày càng nhiều hơn; trong đó quá trình đào tạo từ một thầy Sa-di (Sa-di-ni) trở thành vị Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni) là đề tài được chú ý nhiều hơn hết.

Trước khi đăng đàn thọ Cụ túc giới, giới tử phải trải qua các kỳ khảo hạch về trình độ Phật học, phẩm chất đạo đức. Người có hạnh giải tương ưng mới xứng đáng thọ nhận Đại giới và trở thành trưởng tử Như Lai. Trong phần đánh giá về phẩm chất đạo đức, ngoài việc kiểm tra về tác phong, oai nghi tế hạnh, giới tử còn phải trải qua kỳ khảo hạch về 13 điều già-nạn hay 13 chướng pháp. Giới tử không vướng mắc vào bất kỳ điều nào trong 13 điều già-nạn thì mới được đăng đàn thọ Cụ túc giới.

1. Phật cấm chế người thuộc hạng “Bất năng nam” không được thọ nhận Đại giới

Trong luật Tứ phần viết: “Phật nói, người hoàng môn ở trong giáo pháp của Ta không phát triển được lợi ích, nên không cho xuất gia thọ Cụ túc giới. Nếu nhỡ cho họ thọ rồi thì nên diệt tẩn”1.

Chính vì vậy, trong 13 điều già-nạn dành cho người thọ Cụ túc giới mới có câu hỏi: “Ngươi có phải là bất năng nam không?”2.

Giới tử phải chân thành trả lời về 13 điều già-nạn, không được dối trá.

Giới tử không trải qua khảo hạch 13 điều già-nạn hoặc giới tử gian dối trong lời đáp để được thông qua, thì dù có đăng đàn, được Tam sư Thất chứng tác pháp yết-ma, giới tử cũng không đắc giới. Đây là một trong bốn nguyên tắc để yết-ma thành tựu3, phần này thuộc về sự thành tựu.

Nhưng thế nào là “bất năng nam”?

Yết-ma yếu chỉ nói:

“Bất năng nam, cũng gọi là hoàng môn. Có năm loại:

Sinh hoàng môn: Khi sinh ra không có cả nam căn và nữ căn;

Kiền hoàng môn: Bị thiến, như trường hợp như các thái giám, hoạn quan;

Đố hoàng môn: Thấy người khác hành dâm, lòng sinh đố kỵ nên nam căn biến đổi;

Biến hoàng môn: Dâm tâm thúc đẩy, muốn hành dâm nhưng khi giao hợp thì nam căn biến đổi;

Bán nguyệt hoàng môn: Trong một tháng, có 15 ngày nam căn bị biến đổi, trở thành bất lực”4.

Căn cứ Yết-ma yếu chỉ, chúng ta có thể khẳng định, bất năng nam là dạng người có nam căn không hoàn thiện như người nam bình thường, họ bị dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết do hoàn cảnh, bị biến đổi theo cảm xúc và thời tiết nhân duyên. Đây là hạng người mà Phật cấm chế không cho đăng đàn thọ Cụ túc giới.

2. Người đồng tính nam không phải là “Bất năng nam”, có thể thọ nhận Cụ túc giới

Đồng tính nam là một thuật ngữ, dùng để chỉ những người đàn ông bị hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục đối với những người đàn ông khác. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là gay.

Về phương diện thể chất, họ là người đàn ông bình thường về thể chất, nam căn đầy đủ, nam căn không bị biến dạng về hình thể.

Về mặt tâm lý tình cảm, cung bậc cảm xúc và xu hướng tình dục của họ là hướng về đàn ông, người cùng giới.

Rõ ràng, họ không nằm trong dạng “bất năng nam” mà luật Phật đề cập. Cho nên, người đồng tính nam xuất gia đầu Phật, không vướng vào già-nạn này khi đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Trong 13 điều già-nạn, còn có một điều liên quan đến giới tính là người nhị hình. Theo Yết-ma yếu chỉ, người nhị hình là người bán nam bán nữ, họ có cả hai căn (nam căn và nữ căn). Người đồng tính cũng không thuộc loại người này.

Tóm lại, đồng tính nam không phải là “bất năng nam” và nhị hình. Họ là người có xu hướng tình cảm tình dục với người đồng giới tính. Họ chỉ khác người đàn ông bình thường ở chỗ cung bậc cảm xúc, tình cảm hướng về người đồng giới thay vì người khác giới.

Xu hướng tình dục đồng giới thuộc về lĩnh vực tinh thần, nằm ngoài phạm vi cấm chế của Phật trong việc tuyển chọn người thọ giới, kế tục sự nghiệp của Phật giáo đồ. Điều mà Phật muốn đề cập là về thể chất của người nam xuất gia trong Giáo pháp của Ngài, cấm chế tuyệt đối người có nam căn biến dạng, bất ổn, không rõ ràng.

Còn thể chất của người đồng tính nam hoàn toàn bình thường như một người đàn ông đích thực. Họ không thuộc dạng người có nam căn dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết, biến đổi hình dạng theo cảm xúc tâm lý, theo thời tiết nhân duyên, không thuộc dạng người vừa có nam căn, vừa có nữ căn như Luật đề cập. Nên họ không phải là “bất năng nam” và nhị hình, họ không rơi vào các điều già-nạn cấm chế của Phật, hoàn toàn có thể thọ nhận Giới pháp.

3. Người đồng tính không phải là người bệnh lý về tinh thần, hoàn toàn có thể thọ nhận Giới pháp

Theo Nội quy Tăng sự T.Ư GHPGVN, người có bệnh lý về tinh thần không được thọ các Giới pháp. Người đồng tính nam có phải là người bệnh lý về tinh thần không?

Ngày 17-5-1990, WHO chính thức loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Từ năm 1994, đồng tính không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). WHO cũng xác định “đồng tính không phải là bệnh” mà là những người có xu hướng tính dục với người đồng giới.

Ngày 3-8-2022 Bộ Y tế Việt Nam ban hành Công văn 4132/BYT-PC chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Công văn được chuyển gửi đến các Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới và khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, do đó không thể “chữa” và không cần “chữa”.

Như vậy, căn cứ vào nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế VN về giới tính, khẳng định người đồng tính không thuộc diện bệnh lý về tinh thần nên hoàn toàn có thể đăng đàn thọ nhận Giới pháp.

4. Tháo gỡ vướng mắc

Vừa rồi, mục Tư vấn trên Giác Ngộ online, Tổ Tư vấn có giải đáp câu hỏi của bạn Đức Hoàng về chủ đề Người đồng tính nam có được thọ Đại giới. Trong phần trả lời có chỗ chưa thỏa đáng và chưa phù hợp với luật Phật chế.

Nguyên văn đoạn đầu trong phần trả lời của Tổ Tư vấn: “Theo giới luật nhà Phật, và đúng như bạn đã biết, “người đồng tính nam như tôi thì không được thọ Đại giới”. Vì trước khi thọ giới, bạn không vượt qua được vòng khảo nghiệm đầu tiên của 13 già-nạn. Già-nạn là chướng ngại đạo pháp, tức là những điều gây trở ngại cho việc chứng đắc Thánh quả ngay trong đời này do thân và tâm có khiếm khuyết.

Bạn đã vướng vào già-nạn “bất năng nam” – người có cấu trúc tâm sinh lý không phải chuẩn nam, từ đó phát sinh nhiều trở ngại không thể thành tựu mục tiêu phạm hạnh – nên không được phép thọ Đại giới”.

Xin được tháo gỡ vướng mắc của bạn Đức Hoàng và chỗ nhầm lẫn của Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ trên tinh thần chính niệm và xây dựng:

Như trình bày ở mục 2 và 3, người đồng tính nam có tâm lý khác với người nam bình thường, ở chỗ xu hướng tình dục của họ hướng về người cùng giới tính. Nhưng họ không phải dạng người có cấu trúc thể chất khác thường (nam căn biến đổi) như năm loại “bất năng nam” hay nhị hình.

Trong trả lời này, Tổ Tư vấn có lẽ đã nhầm lẫn, không phân biệt được đồng tính nam và “bất năng nam”, nên đánh đồng sự khác thường tâm sinh lý của người đồng tính “cấu trúc tâm sinh lý không phải chuẩn nam” với sự khác thường của thể chất (nam căn biến đổi) là một. Từ đó, quy kết người đồng tính nam thuộc dạng “bất năng nam”, vướng vào một trong các già-nạn mà Phật cấm chế dành cho người xin thọ Đại giới. Trên thực tế, người đồng giới nam không phải “bất năng nam” (như đã trình bày ở phần 2 &3).

Hy vọng bạn Đức Hoàng và những người đồng tính nam chưa xuất gia hoặc đã xuất gia tu học trong Giáo pháp của Như Lai đọc được bài viết này, nhận chân được điều Phật dạy trong vấn đề thọ giới, từ đó có được sự bình an nơi tâm hồn và không còn mặc cảm với giới tính của mình nữa. Bạn không nên dựa vào lời nói vô căn cứ: “Tôi có nghe rằng người đồng tính nam như tôi thì không được thọ Đại giới”, rồi sinh hoang mang, mất niềm tin nơi bản thân.

Mặc cảm về giới tính là điều không nên có, vì nó sẽ làm chướng ngại bạn trong quá trình tiến tu đạo nghiệp. Giới luật nhà Phật nhằm bảo hộ Tăng thân và gìn giữ sự hòa hợp của Tăng đoàn chứ không phải để gây trở ngại bất an cho cá nhân và tập thể đệ tử Phật.

Phật cấm chế người xuất gia đoạn hẳn dâm dục, nếu bạn chân chánh tu hành và giữ gìn trọn vẹn dâm giới thì dù bạn là người đồng tính hay lưỡng tính… cũng đâu khác với người dị tính. Và dĩ nhiên một khi dâm giới được gìn giữ trọn vẹn thì sẽ không có trường hợp như Tổ Tư vấn bảo: “Từ đó phát sinh nhiều trở ngại không thể thành tựu mục tiêu phạm hạnh”.

Xu hướng tình dục của bạn thuộc trường hợp nào, khi gia nhập vào Giáo pháp của Phật, bạn đều phải giữ dâm giới, đoạn hẳn dâm dục nơi thân nơi tâm. Vì thế, dù giới tính khác nhau thì mọi người đều bình đẳng ở phương diện này.

TP.Hồ Chí Minh, ngày 26-3-2023

Tỳ-kheo Thích Quảng Nghiêm