Bảo vật quốc gia: Bia đá cầu hiền chùa Tĩnh Lự

Trên bia đá chùa Tĩnh Lự có hai bức chạm với hai hoạt cảnh cùng chung đề tài cầu hiền.

Bia đá quý trong ngôi chùa nổi tiếng

Bảo vật quốc gia Bia đá chùa Tĩnh Lự, còn có tên Tĩnh Lự thiền tự bi, đang ở chùa Tĩnh Lự (H.Gia Bình, Bắc Ninh). Bia được làm bằng đá xanh, chiều cao gần 2 m. Trên bia có hai bức phù điêu. Bức bên trái chạm tích Cầu hiền Y Doãn, bức bên phải chạm tích Cầu hiền Lã Vọng. Bia có niên đại ngày 28 tháng 8 năm Mậu Tý (1648) niên hiệu Phúc Thái thứ 6.

Địa điểm có tấm bia là một ngôi chùa nổi tiếng. Theo hồ sơ bảo vật, chùa Tĩnh Lự là ngôi chùa đầu tiên được vua Lý Thánh Tông xây dựng. Tới thời vua Lê Chân Tông, chúa Trịnh Tráng giao Quận công Nguyễn Công Hiệp lo việc trùng tu kiến thiết chùa Tĩnh Lự. Năm 1648, công việc hoàn thành, Trịnh Tráng cho dựng bia Tĩnh Lự thiền tự bi để ghi chép việc trùng tu. Thời chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương chùa tiếp tục được tu sửa và mở rộng.

Bảo vật quốc gia: Bia đá cầu hiền chùa Tĩnh Lự - Ảnh 1.

Bia đá chùa Tĩnh Lự

Hồ sơ bảo vật cho biết trong những năm gần đây, quá trình canh tác và xây dựng chùa đã làm xuất lộ nhiều di vật khảo cổ học có niên đại thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đang được bảo quản và lưu giữ tại chùa. Trong đó chủ yếu là gạch ngói và vật liệu trang trí trên mái kiến trúc, cấu kiện tháp đất nung; chân tảng đá chạm cánh sen; gốm sứ thuộc nhiều dòng men khác nhau. Đặc biệt có bức tượng đất nung sau lưng có ghi miếu hiệu của vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) “Khai Thiên Thống Vận hoàng đế” tương tự như một số tháp đất nung từng phát hiện có chữ “Tháp chủ Khai Thiên Thống Vận hoàng đế” ở chùa Phật Tích, chùa Bà Tấm, Hoàng thành Thăng Long…

Tháng 4.2022, Sở VH-TT-DL Bắc Ninh và Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự trên diện tích 360 m2.  Qua đó xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc Lý – Trần và Lê Trung hưng với rất nhiều di vật, hiện vật quý. Trong đó có các hiện vật kiến trúc tương đồng với vật liệu kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long và đồ ngự dụng của các triều đại. Qua đó chứng minh được chùa Tĩnh Lự trong lịch sử là một ngôi chùa nổi tiếng được nhiều triều đại quan tâm.

Hoạt cảnh cầu hiền

Theo các nhà nghiên cứu, dựa trên những dấu vết hiện còn, có thể thấy bia chùa Tĩnh Lự là dạng thức kiến trúc bia, kết hợp với nhà bia. Từ những dấu vết hiện còn của phần đế và phần mái che, có thể nhận diện được đây là kết cấu nhà bia với hai tầng mái. Các cấu kiện được tạo tác trên chất liệu đá xanh, ghép các khối trang trí để tạo thành nhà bia độc lạ, có giá trị về kỹ thuật tạo dựng, cân bằng vật lý trong lắp ghép dựng hình…

Bảo vật quốc gia: Bia đá cầu hiền chùa Tĩnh Lự - Ảnh 2.

Mảng chạm hình tượng đôi rồng và mảng chạm tích “cầu hiền” trên tấm phù điêu bên trái

TL Cục Di sản văn hóa

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao hai bức phù điêu được chạm nổi với kỹ thuật cao. Nhờ đó các đồ án, hình tượng được chạm khắc dày đặc trên bề mặt tấm đá nhưng lại rất phóng khoáng và có điểm nhấn. Các bức chạm có kích thước không lớn, tuy nhiên các đồ án trang trí trên bề mặt lại rất đa dạng với nhiều tuyến nhân vật, hình tượng: hình tượng con người, linh vật (rồng), con vật (trâu, ngựa), thiên nhiên (mây, cây cối, sông nước…). Các nhân vật cũng có các chi tiết đặc tả chân dung, y phục, dáng vẻ. Điều này cho thấy kỹ thuật chế tác đạt đến trình độ rất cao của nghệ nhân thời kỳ đó.

Hai bức chạm hai hoạt cảnh khác nhau nhưng cùng một đề tài, đó là đề tài “cầu hiền”. Một bên chạm tích vua Thành Thang cử người cầu Y Doãn đang ẩn cư ở đất Hữu Sằn, một bên chạm tích vua nhà Chu phái người cầu Khương Tử Nha (Lã Vọng) đang câu cá trên sông Vị Thủy. Hiện vật đặc tả lối phù điêu bán thân dân gian trong trang trí, chứa đựng đề tài quan trọng để nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật, tín ngưỡng dân gian, dân tộc học, xã hội học và tính văn bản học.

Ở giữa là thân bia được khắc minh văn ở cả hai mặt, sử dụng 2 loại kỹ thuật: khắc chìm và khắc nổi. Toàn bộ phần chữ trên thân bia được khắc chìm, chữ nhỏ thì trên trán bia lại được khắc nổi (chạm nổi). Việc khắc nổi chữ trên trán bia thể hiện ý đồ rõ ràng của tác giả, muốn tạo điểm nhấn, mang lại hiệu quả nghệ thuật cho tổng thể văn bia. Ngoài ra, trên cùng một tấm bia sử dụng đồng thời hai kỹ thuật khắc chữ nổi – chìm cũng thể hiện triết lý âm – dương, tạo nên một chỉnh thể hài hòa.

Nội dung văn bia cũng cho biết tham gia vào việc trùng tu, mở rộng quy mô chùa Tĩnh Lự bao gồm rất nhiều các tín chủ, trong đó có cả những người đứng đầu bộ máy triều chính như: vua Lê (Thái Thượng hoàng Lê Duy Kỳ), chúa Trịnh (Trịnh Tráng), Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Tây vương (Tây Quốc công) Trịnh Tạc, Quỳnh Nham công Trịnh Lệ, các vị cung tần trong phủ chúa cho đến các thiện nam, tín nữ… Như vậy, có thể thấy rõ vị trí “quốc tự” của chùa Tĩnh Lự. Bia đá chùa Tĩnh Lự vì vậy là chứng tích cho sự phát triển huy hoàng của chùa Tĩnh Lự với tính chất là một ngôi quốc tự, một đại danh lam đương thời. (còn tiếp)

Trinh Nguyễn– Báo Thanh Niên