Bao lâu rồi bạn chưa uống trà?
Mỗi lần về thăm nhà thấy bã trà trong ấm đã mốc rêu, cặn trà đọng dưới đáy chén vàng khè là tôi biết đã lâu rồi không có khách ghé chơi.
Lâu rồi bố mẹ tôi bận bịu đến mức không có thời gian uống một chén trà. Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê mà ở đó những nét văn hóa lâu đời ít nhiều vẫn còn được giữ gìn. Trong đó uống trà là một trong những tập tục tao nhã, một thú vui giản dị và tinh tế mà mọi tầng lớp trong xã hội đều yêu thích.
Thú uống trà giúp con người di dưỡng tinh thần, tĩnh tâm suy nghĩ. Có người từng nói cái hay nhất khi ngồi thưởng trà ấy chính là sự gợi mở những suy tư lắng đọng. Nhiều người có thói quen dậy sớm pha một ấm trà ngồi nhâm nhi tận hưởng bầu không khí trong lành. Quãng thời gian tĩnh lặng đầu ngày đủ để giúp đầu óc minh mẫn trước khi bước vào một ngày làm việc.
Người ta coi thưởng trà là một nghệ thuật: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Cầu kỳ ngay từ khâu chọn khay trà, ấm trà. Có người mỗi mùa trong năm lại mua riêng một bộ đồ pha trà có độ dày mỏng và chất liệu khác nhau. Nước pha trà là khâu quan trọng nhất nên ở quê tôi xưa kia hay có cảnh chèo thuyền ra đầm sen vào lúc mờ sớm để lấy sương. Sương đọng trên lá sen trong vắt được mang về pha trà. Đây là thứ nước tinh khiết nhất, nó đặc biệt ở chỗ từng ngụm trà còn thơm ngát hương sen.
Riêng về việc chọn trà cũng lắm công phu. Trong bốn mùa trà xuân là ngon nhất. Trong các loại trà thì trà shan tuyết là ngon nhất. Nhưng bà tôi nói điều quan trọng nhất để tạo ra một ấm trà ngon vẫn cứ là cái tâm cái tình của cả người pha lẫn người uống. Như ông bà tôi vậy, người pha hiểu người uống muốn gì. Còn ông tôi thì chỉ cần được ngồi cùng bà thì trà nào cũng là ngon nhất.
Bây giờ thú thưởng trà đã ít hơn xưa. Dù không gì có thể thay thế được ấm trà dùng để tiếp khách trong những cuộc gặp gỡ hay hội hè đình đám. Nhưng thưởng trà như một thói quen hàng ngày thì ít người giữ được. Có lẽ một phần do đời sống hiện đại khiến người ta sống vội. Thời đại của nước lọc, trà sữa, đồ ăn nhanh dường như đã làm mai một đi nhiều phong tục đẹp. Còn bạn, bao lâu rồi bạn chưa uống trà?
Bạn tôi nói thú vui uống trà có lẽ chỉ phù hợp với người già hoặc những ai dư dả thời gian. Nhưng tôi nghĩ khi quá mệt mỏi chúng ta có thể gập máy tính, đặt điện thoại xuống để pha một ấm trà ngồi thưởng thức cũng là một cách sống chậm rất hay. Hồi bảy tuổi tôi hay chạy theo bố hứng nước mưa dưới gốc cau. Mười tuổi bà bắt đầu dạy tôi đun nước mưa pha trà phải thật sôi. Dạy cách tráng ấm cho kỹ. Dạy cho bao nhiêu trà, bao nhiêu nước, hãm trà trong bao lâu thì đủ. Nhưng đến mấy chục năm sau tôi vẫn không thể nào pha trà thuần thục như một thứ nghi lễ giống bà. Ông nói nhờ bàn tay của bà mà đông ẩm có vị ngọt, xuân ẩm có vị của lộc non chồi biếc, hạ ẩm có vị thanh mát, thu ẩm có vị se đắng.
Thời gian đọng lại trong giây phút ông nhấp từng hụm trà rồi để chúng từ từ tan trên đầu lưỡi. Không có mệt mỏi, đớn đau, bực dọc. Cũng không có thứ âm thanh hỗn tạp nào của đời sống chen vào. Tất cả tĩnh lặng và nhẹ nhõm, có như thế mới đủ tinh tế cảm nhận được vị trà. Với tôi thưởng trà là thú không ưa sự ồn ào và vội vàng. Không phải vừa xem điện thoại vừa dốc vội vàng chén trà trôi tuột vào cổ họng mà chẳng cảm nhận được gì ngoài vị đắng. Đời người ngẫm ra có nhiều chuyện giống như thú thưởng trà. Phải tĩnh lặng bao lâu mới nhận ra đúng sai, xấu đẹp.
Buổi sớm hôm ấy ông tôi nhâm nhi xong chén trà ấm do tự tay bà pha rồi nhắm mắt xuôi tay. Ông đi nhẹ như chiếc lá rơi, trên nụ cười của ông hẳn vẫn thoảng vị trà. Không còn ông bà vẫn giữ thói quen pha trà mỗi sớm rồi ngồi uống một mình. Trong trà có vị của ký ức hay là trong ký ức có vị trà, tôi cũng không rõ nữa. Nhưng tôi cảm nhận được đó là khoảng thời gian bà nhẹ nhõm nhất trong ngày. Có biết bao nhiêu người ao ước khi về già được cùng người mình yêu nhâm nhi một ấm trà. Nhưng tại sao cứ phải về già chúng ta mới cho mình cái quyền sống chậm. À, mà bao lâu rồi bạn chưa uống trà?