Ban Văn hóa T.Ư tổ chức lễ Phật đản và thẩm định các đề cương, đề án
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Hải Ấn – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2568 của Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng gửi đến Tăng Ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
Thông điệp kêu gọi “chư Tăng Ni và Phật tử nhất tâm cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan. Mỗi người càng tinh tấn tu tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ”.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Uỷ viên thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Văn hóa T.Ư thông qua Diễn văn Phật đản Phật lịch 2568 của Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Qua đó, Thượng tọa nói về ý nghĩa về việc phối hợp tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay. “Đây là cầu nối văn hóa, tâm linh cũng như tình hữu nghị bền chặt, trở thành mối liên kết đặc biệt chia sẻ những giá trị tinh thần và văn hóa giữa Việt Nam với Ấn Độ và các nước bạn bè trên thế giới”.
Chia sẻ tại Đại lễ, ông Subhash Prasad Gupta – Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi được có mặt tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tổ chức tại chùa Yên Phú.
Ông cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có từ hai thiên niên kỷ trước, từ khi chúng ta phát triển nền văn minh và văn hóa của mình.
“Phật giáo thực chất là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Xã hội chúng ta đang dần hòa quyện với giá trị của phật giáo và đạo đức gia đình. Phật giáo dần trở thành một phần trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, trở thành cầu nối văn hóa, tâm linh cũng như tình hữu nghị bền chặt, trở thành mối liên kết đặc biệt chia sẻ những giá trị tinh thần và văn hóa chung giữa nhân dân hai nước”, ông Subhash Prasad Gupta nói.
Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam kỳ vọng, qua Đại lễ, những thông điệp và giáo lý cơ bản của Phật giáo sẽ được thêm phần lan tỏa, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, hoàn thiện bản thân, sống tốt đời, đẹp đạo hơn nữa; góp phần kết nối nhân dân hai nước, đóng góp xây dựng và củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ.
Ông khẳng định để mối quan hệ giữa Việt Nam – Ấn Độ ngày càng tốt đẹp như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của GHPGVN, Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ TP.Hà Nội. Ông cũng mong các tổ chức trên tích cực phát huy vai trò trong thời gian tới, đưa mối quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao mới.
Bà Vũ Thị Hải, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ TP.Hà Nội trong phát biểu đã gửi lời cảm ơn đến chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN. Bà Hải khẳng định: “Đại lễ Phật đản là một trong ngày lễ quan trọng nhất đối với Phật giáo, đối với toàn thể nhân loại trên toàn thế giới. Đây là dịp chúng ta bày tỏ lòng biết ơn với Đức Phật Thích Ca”.
Cuối buổi lễ chư tôn đức và đại biểu làm lễ Tắm Phật, dâng hương Tam bảo, cầu quốc thái, dân an, gia đình an lạc, sống an vui, hạnh phúc.
Dịp này, Ban Văn hóa T.Ư đã thẩm định Đề cương, Đề án “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất đa dạng”; ký kết hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội; phát động sáng tác Nghệ thuật “Nhận thức Phật giáo qua văn hóa nghệ thuật”; Thảo luận chuyên đề “Nội dung quy hoạch Trung tâm Văn hóa PGVN các khu vực” và “Kế hoạch sáng tác nghệ thuật Phật giáo”.
Hữu Tình