Bản kinh Kim cang lâu đời nhất thế giới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1227 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 

 Ẩn mình trong thư viện Anh là một di sản có ý nghĩa lịch sử sâu sắc: một bản sao kinh Kim cang của Trung Quốc, một bản kinh văn Phật giáo thiêng liêng được in cách đây hơn 1.100 năm.

Cuộn kinh này được cho là của một nhân vật bí ẩn tên là Wang Jie (Vương Kiệt) vào năm 868 sau Tây lịch. Tác phẩm này cũng là minh chứng cho nghệ thuật in ấn cổ xưa và tầm quan trọng của nó trong việc truyền bá những công trình trí tuệ Phật giáo.

Bản kinh Kim cang có nguồn gốc từ hang Mạc Cao thuộc động Đôn Hoàng nổi tiếng ở Trung Quốc, nằm dọc theo Con đường tơ lụa, gần sa mạc Gobi. Vào năm 1900, một nhà sư đã phát hiện bản tiếng Phạn, và sau này được dịch sang tiếng Hán. Trong không gian giới hạn của “Động Thiên Phật” là 40.000 cuộn tranh và tư liệu. Nhưng vì lo sợ sự xâm nhập của các vương quốc lân cận, kho tàng này đã bị niêm phong khoảng 1.000 năm, che giấu kho báu của nó trong nhiều thế kỷ liền.

Vào năm 1907, Marc Aurel Stein, một nhà khảo cổ học người Anh gốc Hungary đã phát hiện ra kho tàng bí mật này trong một cuộc thám hiểm nhằm lập bản đồ cho Con đường tơ lụa cổ đại. Stein đã dùng tiền để mua lại 24 thùng chứa hàng nghìn tài liệu, trong đó bao gồm cả bản kinh Kim cang, truyện dân gian, các tác phẩm văn học, tranh lụa, đồ tạo tác nghệ thuật,… từ những người coi sóc hang động và đem tất cả về Anh quốc. Hiện nay, bản kinh Kim cang quý giá đang được trưng bày tại Thư viện Anh quốc ở Luân Đôn.

Bản kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật (Vajrachedikā Prajñāpāramitā) là một bài kinh ngắn khoảng 6.000 từ trong tiếng Anh, và mang đậm bản sắc của Phật giáo Đại thừa, chủ yếu phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Nội dung của bài kinh xoay quanh cuộc thưa hỏi của ngài Tu-bồ-đề (Subhuti) và Đức Phật về tánh không, sự vô ngã, giả tạm cũng như phương pháp an trú tâm đối với vạn pháp trong cuộc sống.

Ngay tiêu đề của bản kinh Kim cang “Kim cang chặt đứt phiền não” đã phần nào thể hiện được bản chất sâu sắc của tác phẩm. Susan Whitfield, giám đốc của Dự án Đôn Hoàng đã giải thích rằng kinh Kim cang ở đây được thực hành như một công cụ để chặt đứt gốc rễ của phiền não đang làm mụ mị tâm trí của chúng ta. Bản kinh khuyến khích chúng ta nhận ra bản chất bất nhị của vạn pháp, và áp dụng tâm niệm này trong việc tu tập của cá nhân và cứu độ nhân sinh.

Nhưng nhân vật Wang Jie lại được ủy thác để in bản kinh văn thiêng liêng này? Bởi trong Phật giáo Đại thừa, việc vẽ tạc hình tượng của Đức Phật và in ấn các bản kinh văn được xem là hành động đạo đức, và một phương tiện để tích lũy công đức cho bản thân và người thân.

Các vị tu sĩ có thể sẽ mở những cuốn kinh này và đọc tụng thường xuyên. Và sự tiện ích của công nghệ in ấn đã hỗ trợ rất nhiều cho việc truyền bá Phật giáo một cách nhanh chóng ở Trung Quốc thời bấy giờ. Đặc biệt trên bản kinh Kim cang có niên đại lâu đời này, một ghi chú ngắn tiết lộ nguồn gốc và niên đại của tác phẩm: “Wang Jie thay mặt cha mẹ ấn tống quyển kinh này vào ngày thứ 15 của tháng thứ tư thuộc năm thứ 9 của triều nhà Đường (11-5-868)”.

Bản kinh Kim cang đã được sử dụng kỹ thuật in khối, hay còn được gọi là in khối gỗ. Đây là một quy trình in ấn cổ xưa liên quan đến việc chạm khắc thủ công một khối gỗ riêng cho mỗi trang. Cuốn sách này gồm bảy tờ giấy, và mỗi trang sẽ được in bằng một khối gỗ riêng biệt. Bản kinh Kim cang được in trên một cuộn giấy dài khoảng 5 mét, với nét mực rõ ràng và sắc sảo, thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật in ấn sách của nhà Đường.

Năm 401 đời Hậu Tần, ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva) lần đầu tiên đã dịch bản kinh này từ tiếng Phạn sang tiếng Hán với tên gọi “Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật”, hay còn được gọi là “La-thập bản” với 5.176 chữ; câu chữ lưu loát, rành mạch; nghĩa lý viên thông, dễ hiểu. Bởi những đặc tính ưu việt như vậy nên bản dịch của ngài được ưa thích và lưu truyền rộng rãi. Bản kinh Kim cang tìm được trong hang động Mạc Cao cũng là bản dịch của ngài La-thập.

Ngày nay, Dự án Đôn Hoàng quốc tế đang tiến hành số hóa các bản thảo vô cùng quý giá này và cung cấp quyền truy cập cho các học giả cũng như những người quan tâm đến Phật giáo trên toàn thế giới. Riêng bản kinh Kim cương, kể từ năm 2004, toàn bộ các trang kinh đều có thể xem online trên trang web của Thư viện Anh.