Bạn đừng khổ vì những nỗi đau, chúng vô thường nhưng thanh tịnh

Bạn có bao giờ hỏi người xung quanh, rằng họ có thể nào cảm thấy hạnh phúc khi ở cạnh bạn lúc bạn đang đau khổ? Thế tại sao bạn lại nghĩ, đau khổ của bản thân bạn lại có thể là điều kiện để người khác hạnh phúc?

Bạn nói vì hạnh phúc của mọi người nên bạn phải lo toan trong đau khổ. Thực ra chỉ là bạn đang cố gắng giải quyết đau khổ trong chính mình bằng cách lo toan cho người khác.

Một người đau khổ sẽ mang đau khổ của họ đi khắp mọi nơi. Nhưng họ lại nghĩ vì người khác mà mình đau khổ. Đó là căn nguyên của sự oán trách và chán ghét.

Một người đau khổ sẽ mang đau khổ của họ đi khắp mọi nơi.

Một người đau khổ sẽ mang đau khổ của họ đi khắp mọi nơi.

Nếu bạn tự mình có thể hạnh phúc, thì chắc chắn bạn có thể hạnh phúc trong mọi sự gánh vác, mà trong bạn chỉ có lòng biết ơn. Những gì bạn làm là đem lại hạnh phúc, bởi trong bạn ngập tràn hạnh phúc. Lời nói của bạn là âm thanh của hạnh phúc, hành động của bạn là cử chỉ của hạnh phúc, quan tâm của bạn là săn sóc của hạnh phúc. Đó là khi bạn chính là hạnh phúc, chứ không phải chỉ đang sở hữu một hạnh phúc nhỏ nhoi nào đó.

Bạn chỉ có thể đem lại hạnh phúc cho người khác, khi bản thân đủ trí tuệ để soi sáng và chuyển hóa mọi khổ đau nơi chính mình.

Chúng ta cần hiểu, rằng vì mình đau khổ nên mới cần học Phật.

Đạo Phật tuyệt nhiên không phải là ngôi trường để giáo dục đạo đức nhân phẩm, để rèn luyện làm người tốt, hay càng không phải là nơi dạy người khác phải sống theo một lề lối hay quy định nào. Đạo Phật chỉ dạy mỗi người cách tự khám phá và thấu hiểu chính mình. Từ đó mà trí tuệ nảy sinh.

Tất cả mọi điều tốt đẹp sẽ đến với người ấy và đủ sức lan toả đến những người khác, khi họ có trí tuệ để soi sáng khổ đau ngay nơi chính mình.

Đức Phật nói: “Y pháp bất y nhân”, nghĩa là cứ y những gì đang diễn ra nơi chính mình mà học, chứ đừng nhìn ai đó mà học.

Nếu hôm nay bạn đau bụng thì hãy thấy cơn đau đang diễn ra trong bạn và học ra bài học từ nó. Bạn hãy tĩnh lặng lắng nghe nó. Nó vô thường, khổ, nhưng nó vô ngã. Kể cả sự khổ do cơn đau ấy gây ra cũng vô thường và vô ngã. Dần dần bạn sẽ thấy, rằng “đau khổ có mặt trong bạn” chứ không phải “bạn đang đau khổ”.

Cái thấy ấy khiến trí tuệ nảy nở nơi bạn, tiếp đó có một sự tự do xảy ra trong nội tâm. Bạn dần không còn lệ thuộc vào cái thân xác này, không còn lệ thuộc vào bất kể điều gì, kể cả những ý nghĩ.

Ở đó chỉ thấy các pháp vô ngã vận hành, chúng vô thường nhưng thanh tịnh. Sự đau khổ không còn làm phiền bạn, bởi mọi thứ thật sự tự nhiên. Không cố gắng, không là gì cả.

Đấy bạn thấy không, đó là học Phật!

Người thầy và học trò đã có sẵn trong bạn…

Tuệ Chánh Tri