Bạn đã sẵn sàng để gặp vị thầy của đời mình?
Có một vị thầy truyền dạy pháp hành là điều vô cùng quan trọng, là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tu tập. Đức Phật dạy rằng thiện tri thức chiếm đến 100% sự thành công của cuộc đời Phạm hạnh (cuộc đời tu tập để thanh tịnh như các vị Phạm thiên).
Đáng tiếc, việc đầu tiên và quan trọng nhất này hầu hết các thiền sinh nghiệp dư còn chưa làm được…
Con có thể nói vị thầy con học ở khóa thiền đó chính là thầy dạy pháp hành cho con. Nhưng một vị thầy hướng dẫn thiền trong 1 khóa thiền tích cực chưa phải là 1 vị thầy tế độ cho mình, để mình nương tựa toàn bộ quá trình tu học, vì: Như Thầy đã nói, sự thực hành rất đa dạng và nhiều mặt, chứ không phải chỉ giới hạn trong việc hành thiền. Việc thọ giáo với 1 vị thầy có những đòi hỏi nghiêm khắc cần tuân thủ, những bổn phận của người đệ tử với vị thầy, của vị thầy với đệ tử, đòi hỏi sự học hỏi và thân cận lâu dài, sự hiểu biết và gắn bó giữa thầy trò, lòng tin và sự chân thành…
Sự dạy dỗ, trao truyền từ thầy đến trò trải suốt nhiều năm tháng, từ những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày đến những pháp thâm sâu trong thiền tập. Một vị thầy chúng ta gặp trong một số ngày ngắn ngủi, hướng dẫn cho một số đông thiền sinh, đến tên tuổi của thiền sinh có khi còn chưa biết hết, thì chưa thể coi là vị thầy tế độ của mình.
Việc tìm đến nương tựa một vị thầy trên đường tu học là việc đầu tiên khi bước chân vào thực hành. Tu học Đạo Phật không phải đơn giản như học một loại kiến thức nào đó, thực hành mà không có thầy thì chẳng khác gì đi lạc giữa rừng rậm trong đêm. Có nhiều người phải mất nhiều năm tìm kiếm, với lòng chân thành và nhiệt tâm, mới tìm được vị thầy của mình và được thầy chấp nhận.
Một vị thầy trong đạo không phải như một thầy giáo bình thường ở ngoài đời. Thầy là người có khả năng hướng dẫn và khuyến khích trò đi trên con đường giải thoát. Vị thầy ấy nên là người đã tự mình thực hành và chứng ngộ Niết Bàn, là người đã đi qua và hiểu rõ con đường đi đến Giác Ngộ, tức là đã chứng đắc 1 trong 4 tầng đạo quả. Một bậc Thánh như vậy mới được gọi là thiện tri thức mà Đức Phật thường khuyên dạy chúng ta nên thân cận học hỏi. Các bậc phàm Tăng chưa được gọi là thiện tri thức…
Người thầy vừa là người để chúng ta kính ngưỡng…, vừa là nguồn cảm hứng và sách tấn cho chúng ta trên suốt quãng đường đi tìm chân lý, là nguồn phước cho chúng ta gieo tạo. Thầy vừa là người cha, vừa là người đi trước, người đồng hành, là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn cuộc sống trong cuộc hành trình khó khăn, là người gần gũi, đầy lòng từ bi, che chở, hiểu chúng ta đến tận chân tơ kẽ tóc, là người luôn hướng chúng ta đến đường chánh, giúp chúng ta thấy ra sai lầm để sửa chữa, khuyến khích nâng đỡ chúng ta những lúc khó khăn, vấp ngã. Đối với đệ tử xuất gia, người Thầy là người chúng ta gắn bó, gần gũi còn hơn cả bà con ruột thịt, là người luôn có trong tâm tưởng của học trò trong suốt cuộc đời.
Thầy Tâm Pháp