Bạn có đối xử tốt với mình không?

Trong thiền phát triển tâm từ có câu: Sukhi attanam pariharami. Câu này có nghĩa ‘mong tôi tự chăm sóc bản thân cho an lành.’

Khi tự nhắc nhở mình như vậy, người thực hành phát triển tâm từ ý thức được rằng hạnh phúc, an lạc của bản thân là một sự lựa chọn, không phải là sự cầu xin hay mong đợi ai đó ban cho mình.

Vâng, sống an lành là một lựa chọn; người ta có thể đối xử với mình không tốt, nhưng chính mình thì phải đối xử tốt với mình. Điều này không phải là vị kỷ, cũng không phải là tự kỷ ám thị, mà là đang tự biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình, biết cách chăm sóc bản thân cho tốt, không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Có một nguyên tắc rất căn bản: phải biết yêu thương mình thì mới yêu thương người khác được. Đây là là điều rất thực tế mình không có an lành thì cũng không cho/ lan tỏa sự an lành đến người khác được. Mình chỉ có thể cho những gì mình đang có. Do đó, khi phát triển tâm từ, việc đầu tiên là có tâm từ với chính mình. Bắt đầu khởi động nguồn năng lượng ấm áp, dịu dàng này nơi chính thân tâm mình.

Khi ‘bấm’ những nút điều chỉnh cảm xúc này bằng câu: Aham avera homi – là khi hành giả đang tra chìa khóa vào cái hộp ‘ngũ uẩn’ này. ‘Mở’ con người này ra một cách nhẹ nhàng, từ tốn, cẩn trọng. Nhỡ nó là một cái hộp dễ vỡ cần phải “handle with care” vì bản chất của nó là mong manh. Ah hi hi… “mong tôi không có kẻ thù”, mà cũng là “mong tôi không nhiễm oán hờn trong tâm”. Vera là thù nghịch, Avera là không có thù nghịch. Aham avera homi đóng vai trò như câu thần chú: vừng ơi mở ra.” Tự mở lòng mình ra, không rơi vào thế thủ, mà chủ động tha thứ cho mình và cho người để không còn bị cầm tù bởi thái độ thù nghịch, chống đối, oan trái. Như vậy là mình đã tự giải phóng khỏi năng lượng bất thiện, khỏi các oan gia trái chủ khiến mình cảm thấy bị đe dọa khiến cho lo lắng và sợ hãi bóp méo nhận thức trong lúc đó. Lúc này hành giảtrở nên thân thiện, cởi mở.

Abyāpajjha homi – Mong cho tôi không bị ác tâm chi phối. Là tác ýnuôi dưỡng lòng nhân từ. Đây là một đặc tính của chánh tư duy, hay suy nghĩ chân chính, có thiện tâm thiện ý, và kịp thời điều chỉnh thái độ và suy nghĩ của mình để nó ở trong vùng thiện lương.

Anīgha homi – Mong cho tôi không bị phiền não chi phối; không bị phẫn nộ, tức tối, khó ở, tiêu cực khiến cho thân tâm đều run rẩy, rung động với tần số bất thiện (an-īgha). Đây là bước tiếp theo tự điều chỉnh cảm xúc qua dòng chảy của tâm thức, điều tiết để tâm ý đi vào vùng bình an, biển yên sóng lặng. (anigha not trembling, undisturbed, calm). Thoát khỏi những cơn sóng giết người, hành giả điều hướng mình vào vùng bình an. Cảm xúc không còn bị xáo trộn, được an ổn, lành mạnh.

Sukhi attanam pariharami – tôi sống tôn vinh niềm hạnh phúc an vui; tôi biết giữ gìn sự an lạc của bản thân; giữ mình cho an lạc. Vâng, không ai cho ta an lạc, không ai ban bố hạnh phúc cho ta ngoại trừ chính mình phải vươn lên, tự nuôi dưỡng, gìn giữ niềm an vui hạnh phúc có được. Mình cam kết sống hạnh phúc, bất luận điều gì xẩy ra. Đây là bước quyết định trong việc điều phục tâm ý và điều tiết cảm xúc cho thấy hạnh phúc là một lựa chọn đúng đắn cho chính mình. Lúc này hành giả đi vào chánh định với niềm an lạc và thanh thản hoàn toàn.

Sau khi đã làm cho mình an lạc, trầm ổn, hành giả sẽ hướng tâm đến một đối tượng là người thân, trong gia đình hay giữa bạn bè, hay thú cưng cũng được. Lan tỏa tâm từ và xua tan sân hận cho mình như thế nào thì cũng làm như vậy cho đối tượng thân yêu này. Cho nhiều người thân hơn nữa, cho tất cả các mối liên hệ gần gũi trong gia đình và giữa bạn bè, cũng như đến người có ân nghĩavới mình.

Tiếp đến là lan tỏa lòng từ, tình yêu thương trong sáng & vô điều kiện này đến cho những người hàng xóm và cho cả đến những người không quen biết. Phát triển tâm từ đến người dưng, khách qua đường – những người mà bình thường mình không để tâmđến họ, nay họ cũng được đưa vào tâm mình với thiện ý trong lành.

Và cuối cùng hành giả hướng tâm đến đối tượng đã từng có oan trái. Có thể những khúc mắc, nội kết lại bùng lên và khó có lòng từvới những ai đã làm tổn thương hay đau khổ cho mình. Đừng nản, hãy quay lại với đối tượng thân thiết, hay với chính mình để nuôi dưỡng tâm từ cho tốt hơn, mạnh mẽ và bao dung hơn, rồi mới nghĩ đến đối tượng ‘khó nhằn’ này. Khi tâm hồn đang dễ chịu, an lành và rộng mở thì nó có thể hướng đến những phẩm chất tốt của đối tượng để khơi dậy một thái độ bao dung, tò mò muốn khám phá xem vì sao người ta lại làm như vậy với mình. Đừng phán xét và gán cho họ ý định xấu, mà tìm những lý do để có thể thông cảm dễ dàng hơn.

Nhìn lại những kinh nghiệm đã qua từ những góc độ khác nhau để thấy và cảm nhận khác đi. Nhẹ nhàng và bao dung, kiên nhẫn hơn. Đó cũng là cách để giải phóng mình khỏi những năng lượng bất thiện đã giam giữ mình trong mối quan hệ không lành mạnh này. Hãy nhìn đối tượng đó như những gì là vô thường, có thay đổi, bị chi phối bởi các yếu tố bất như ý, và rất có thể họ cũng có những nỗi khổ tâm nào đó đáng nhận được tình thương và sự thông cảm. Theo cách này, hành giả có thể phát triển tâm từ đến đối tượng đã từng được xem như kẻ thù.

Bây giờ thiện tâm thiện ý này đã được phát triển đầy đủ, thông suốtcho mình cũng như cho mọi người, mọi chúng sinh, mọi sinh linhđã đến trong cuộc đời này. Đó là một tâm tư bình đẳng, cam kết ban bố tình thương yêu trong sáng lành mạnh đồng đều đến mọi người trong đó có chính mình. Không phân biệt, không phê phán, không đánh giá, không vướng bận ở bất cứ mối quan hệ nào. Như vậy là tâm từ vô lượng, là an ổn trú, là phạm trú (Brahma Vihara), là phép lạ của thánh nhân (Ariya iddhi).

Pháp Hỷ Dhammananda