Bản chất của vạn pháp là vô ngã

Bất cứ người nào có thể thấu triệt lý vô ngã cũng đạt được hạnh phúc viên mãn. Vậy một người bình thường làm cách nào để ngộ được lý vô ngã?

Vô ngã là chân lý, ai nhìn sâu, thấu rõ như thật về chân lý vô ngã thì có thể giải quyết được tận gốc rễ tất cả mọi sầu bi khổ não của thế gian, đạt được an vui, giải thoát viên mãn.

Đây là điều vô cùng chắc thật, mở ra cơ hội, hi vọng thiết thực cho những ai dù đang trong hoàn cảnh khốn cùng tuyệt vọng.

Ai đang lâm vào cảnh khốn cùng tuyệt vọng, chỉ cần thấu rõ chân lý vô ngã, sẽ không còn tuyệt vọng nữa. 

Ai đang chán nản buông xuôi, chỉ cần thấu rõ lý vô ngã sẽ không còn chán chường nữa. 

Ai đang đau đớn vì bịnh tật giày vò, chỉ cần quán sát thân này vốn giả tạm không thật có, thì đau đớn giảm dần, tâm được an ổn.

Ai đang tự ti mặc cảm vì nghèo hèn xấu xí, chỉ cần nghe được chân lý vô ngã, họ sẽ tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Chẳng lẽ bất cứ người nào có thể thấu triệt lý vô ngã cũng đạt được hạnh phúc viên mãn. Vậy một người bình thường làm cách nào để ngộ được lý vô ngã? 

Vô ngã là một chân lý, một đạo lý cao siêu, tế nhị mà đức Phật Thích Ca đã đích thân chứng ngộ và truyền dạy trong kinh Vô ngã tướng.

Xét ở góc độ triết học, thì học thuyết vô ngã là một trong những đặc chất của Phật giáo, nhằm khu biệt rõ nhất so với các học thuyết tư tưởng tôn giáo khác. Có thể khẳng định rằng cho đến khi đức Phật ra đời và giác ngộ, thì nhân loại mới biết đến lý vô ngã.

Ai thấy rõ lý vô ngã, người ấy đã thấy Phật, người ấy đã đạt được giải thoát Niết Bàn. Hòa thượng Thiện Siêu khẳng định: Vô ngã là Niết Bàn. Kinh Tạp A hàm có bài kệ: “Quán sắc như tu mạt, Thọ như thủy thượng bào, Tưởng như dương thời diệm, Chư hành như ba tiêu, Chư thức pháp vô ngã”. (Quán sắc như bọt nổi, Thọ như bong bóng nước, Tưởng khác nào sóng nắng, Các hành như cây chuối, Các thức vốn vô ngã.)

Vì sao ai thấu rõ lý vô ngã thì đạt được giải thoát Niết Bàn. Nói theo ngôn ngữ đời thường là ai hiểu như thật về chân lý vô ngã, người ấy đạt được hạnh phúc giác ngộ viên mãn.

Kinh Vô ngã tướng thực giải

400759375_1081457489876856_322975364002396850_n

Vô ngã (無我, sa. anātman, pi. anattā), là một trong Ba pháp ấn của mọi sự vật

Vô ngã chỉ có trong Phật giáo, ý là không có một Ngã 我 (sa. ātman, pi. attā) nào, một chủ tể trường tồn, bất biến, vững chắc, tồn tại mãi mãi mà không phụ thuộc vào những yếu tố khác. Vô là không, ngã là ta,chủ thể, là cái ta, cái tôi, cái bản ngã, cái thực thể hằng hữu trường tồn.

Vô ngã là không thực có cái ta, cái tôi, cái bản ngã.

Nghĩa rộng là tất cả các pháp, mọi sự vật hiện tượng, kể cả các hiện tượng tâm lý vi tế đều không thực có chủ tể, không thực có tự thể, không thực có cái ngã thường hằng, không trường tồn bất biến, chỉ là do các duyên hợp lại mà thành, khi duyên tan thì thì nó cũng không tìm thấy. Điều này giúp ta hiểu rõ bản chất thật của thế giới, của vũ trụ vạn hữu, của cuộc đời, của con người. 

Vô ngã còn có thể nói cách khác là phi ngã, phi tự nhã, bất ngã. 

Cụ thể hơn, cũng là điều đức Phật muốn nói rõ nhất về bản chất thật của con người là vô ngã.

Nói bản chất thật của con người là vô ngã sẽ làm cho không ít người giật mình, lo ngại, phản đối hoặc sợ hãi mơ hồ, không biết bám víu vào đâu, bởi họ quen bám víu vào cái ngã, cái ta, cái tôi mà sống

Từ xưa đến nay dù là có ý thức hoặc không ý thức, đa phần con người chúng ta sống, suy nghĩ, hành động làm việc, nói năng trong “ý thức hữu ngã”, “ý thức chấp ngã”.

Nói dễ hiểu là, chúng ta sống với quan niệm “có cái ngã”, “có cái ta”, ” có cái tôi”. Sống bám chặt, vướng mắc vào cái ta. Cuộc sống của chúng ta là một sự hiện thức hóa của cái ” tôi”, “cái ta”, cái của ta. Mọi sinh hoạt của chúng ta bị bao phủ bởi cái bóng mờ của “cái ta”, chạy lòng vòng quanh trục phục vụ tô bồi cái ta. Chính vì vậy, muôn vàn sầu bi khổ não buồn phiền chán nản tuyệt vọng phát sinh từ quan niệm “chấp ngã”. Tức là sầu bi khổ não phát sinh khi chúng ta không đáp ứng, không thỏa mãn những u mê tham cầu của “cái ta”. 

Vì sao cách sống”chấp ngã”, chấp “cái ta” và chấp “cái của ta” lại là nguồn gốc phát sinh mọi khổ đau tuyệt vọng và tội lỗi ?

Người chấp “cái ta” và “cái của ta” thì họ xem nó là quý nhất, nó là hy vọng, nó là niềm tin, nó là mục đích, nó là tất cả. Ai đụng chạm vào “cái ta” và “cái của ta” là không xong, sẽ liều mạng ăn thua đủ.

Ích kỷ, ganh ghét, tham lam, cố chấp, bỏn xẻn, đố kị, sân hận, hơn thua, so sánh, háo danh, sĩ diện hão là những biểu hiện thành tính của những người chấp ngã sâu dày.

Họ đã sống mong ước, kỳ vọng,vào một thứ hư ảo không thật thì làm sao họ không làm cho họ khổ não triền miên…

Vì chấp ngã, nên ta mới luôn buồn phiền khổ não với các tính ích kỷ, cố chấp, đố kỵ, tham lam.

Thấu rõ như thật về lý vô ngã, ta trút bỏ mọi gánh nặng ưu phiền, thành kiến cố chấp, tâm ta sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ, an ổn, thanh tịnh hướng tới giải thoát.

Biểu hiện cụ thể của người vượt qua chấp ngã là thung dung, tự tại bình an sáng suốt, nhìn mọi việc, mọi thứ một cách nhẹ nhàng độ lượng.

Làm thế nào để quán xét như thật về lý vô ngã.

Nếu ta có tin lời Phật dạy, tin lý vô ngã, mà không đích thân dùng trí tuệ trải nghiệm quán xét như thật thì ta cũng chưa nếm trải được vị an lạc, hạnh phúc, giải thoát.

Muốn thấu rõ con người là vô ngã, ta hãy quan sát, năm thành phần tạo nên con người vốn thật không có tự ngã, vốn không có tự thể, là không thực có.

Kinh Vô ngã tướng đức Phật dạy rõ năm nhóm sắc (thân thể hình hài), thọ (cảm xúc), tưởng (tri giác), hành (tâm tư), thức ( nhận thức) là vô ngã, là do nhiều nhân duyên hợp thành.

– Con người hay lầm tưởng là có nhiều quyền quyết định về thân thể của họ. Quan sát thấy rõ thân thể hình hài của ta, do các nhân tố đất (da, thịt) nước (máu) gió (hơi thở, khí) lửa (hơi ấm) hợp lại mà thành. Ta gần như không có thẩm quyền gì nhiều về hình hài vóc dáng của ta. Như ta muốn thân thể ta trẻ đẹp, khỏe, trắng, gọn…mà đâu có được; muốn khỏe thì nó cứ bịnh, cứ già rồi sẽ chết. Ngay cả hơi thở ra vào, ta cũng phải vay mượn không khí từ bên ngoài. Thở ra không hít vào là xong xuôi một đời rồi. Thân thể ta do nhiều duyên hợp lại, bị quy luật vô thường chi phối, không có bền lâu, không có tự ngã, không có chủ tể, không có tự ngã nên nói nó vô ngã.

– Khi quan sát rõ, các cảm thọ, cảm xúc như buồn vui thương ghét giận hờn cứ đến rồi đi trong ta, mà hầu như ta không có thẩm quyền gì với chúng. Ta muốn giữ lại niềm vui sướng cho thật lâu hay xua tan nỗi ưu buồn cho qua nhanh cũng không được. Đời người là chuỗi dài các cảm thọ, cảm xúc nối nhau liên tục không ngớt. Chúng ta nô lệ, lệ thuộc vào cảm thọ, cảm xúc vì ta không biết như thật về nó.

Ai cũng muốn sống vui nhiều buồn ít nhưng đa phần lại sống buồn nhiều vui it. Các cảm xúc vui buồn của ta thường do các nhân duyên tạo ra, như ta được khen thưởng ta vui, bị chê trách ta buồn; thắng tiền ta vui thua tiền ta buồn. Bản chất của các cảm xúc là duyên hợp, mơ hồ, dễ tan mất, nhất là nó không thực có, không bền vững, không có tự ngã, không có chủ tể nên cảm thọ là vô ngã.

– Ta thường tưởng tượng ra rất nhiều thứ trong đời. Ta hay có những mơ tưởng hão huyền trong tương lai, lầm tưởng về ý nghĩa cuộc sống. Tiếng việt ta nói tưởng tượng tức là không thật có, không có tự ngã nên tưởng là vô ngã.

– Nếu ta chú tâm tỉnh giác ta sẽ nhìn rõ sự vận hành liên tục, sự biến chuyển cực kì nhanh chóng và tế nhị của các trạng thái tâm tư của ta.

Cuộc đời của ta là sự nối tiếp liên miên bất tận các ý nghĩ, các tâm tư, các suy nghĩ. Những thứ này như có như không, khó nắm bắt, khó điều khiển, đến đi nhanh chóng và liên tục. Sự vận hành của dòng tâm tư này càng nhanh, càng lộn xộn, càng lung tung rối mù thì ta càng mệt mỏi khổ não. Vì nó chuyển biến liên tục thay đổi nhanh chóng và không có chủ tể, không có tự ngã nên hành là vô ngã.

– Thức (nhận thức) là yếu tố rất quan trọng trong đời sống con người, khó thấu rõ, nhận thức là vô ngã nhất. Bình thường, nhận thức của chúng ta do huân tập học hành, do 6 căn mắt tai mũi lưỡi thân ý tiếp xúc với 6 trần sắc thanh hương vị xúc pháp phát sinh 6 thức. Chúng ta quan sát, cái gì do duyên hợp mới thành thì sẽ không tồn tại khi duyên tan. Nhận thức cũng vậy, nó không có tự thể, luôn biến đổi, không có tự ngã nên thức là vô ngã

Quan sát thấy rõ năm yếu tố hợp thành con người là vô ngã đương nhiên có thể xác định con người là vô ngã.

Vô ngã không mang ý nghĩa phủ nhận con người mà giải thoát con nguời ra khỏi ngục tù của sự vô minh cố chấp ích kỷ, giải phóng những tiềm năng lớn của con người, phát huy năng lực trí tuệ ý chí của con người tới mức tối đa như đức Phật đã làm, đã thành tựu.

Chỉ có tâm đạt tới cảnh giới vô ngã thì mới thể sống một cuộc đời có ý nghĩa, có giá trị nhất, thể nghiệm hạnh phúc viên mãn nhất. Tập sống tuệ giác vô ngã thường trực sẽ giải quyết được mọi khó khăn, nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Cho nên, chúng ta có thể đưa ra một khái niệm mới về hạnh phúc: Vô ngã là hạnh phúc đích thực.

Thấu như thật

Lý Vô ngã

Bốn đại, năm uẩn

Con người, vạn pháp

Không tự thể.

TS. Thích Hạnh Tuệ