Bản chất các pháp trong thế gian vốn rỗng lặng
Người ta thích một cuộc sống an bình, nhưng lại muốn nghe những tiếng khen chê. Dù biết tiếng khen chê ở đời chỉ là sự biểu hiện của những đối đãi nhị nguyên. Vậy mà, lại có một sức hút vô hình, bởi nó cho người ta cảm giác được khẳng định tự thân trong dòng hiện hữu.
Người ta thích sự phẳng lặng của biển, nhưng lại muốn nghe những tiếng sóng du dương. Có những âm thanh được hình thành từ những cuộc đuổi bắt vội vả của những làn gió nước – tiếng sóng biển. Những âm thanh ấy như để chứng minh cho đời biết là biển kia đang sinh tồn và hiện hữu.Cung bậc âm thanh tuỳ thuộc vào sự thịnh suy của những làn gió nước, có khi gầm thét hung tợn…có khi nhẹ nhàng du dương…. Dù bản chất nó vốn dĩ chỉ là những cuộc rượt đuổi của nước va đập vào nhau, nương nhờ và tạm bợ, ấy vậy mà đôi khi đủ sức làm cho người ta quên đi cả sự tĩnh lặng ở trong lòng biển.
Người ta thích một cuộc sống an bình, nhưng lại muốn nghe những tiếng khen chê. Dù biết tiếng khen chê ở đời chỉ là sự biểu hiện của những đối đãi nhị nguyên. Vậy mà, lại có một sức hút vô hình, bởi nó cho người ta cảm giác được khẳng định tự thân trong dòng hiện hữu.
Bản chất của pháp vốn rỗng lặng, sự sống chỉ là một chuổi vận hành của nhân duyên sinh, nó không có tốt- xấu, hay- dở, được- mất, khen- chê. Nhưng khi có bản ngã hiện hữu thì những phạm trù khái niệm trên nương theo đó mà hình thành.
Giống như bản chất của lòng biển chỉ là nước mênh mông và tĩnh lặng. Nhưng sự tác động bên ngoài của những làn gió nước xô nhau trên mặt biển mà tiếng sóng từ đó hình thành.
Cũng như tiếng sóng kia, dẫu được hình thành từ những cuộc xô nhau của làn gió nước, trầm bỗng vô chừng, ấy vậy mà âm điệu du dương của chúng đôi khi làm cho người ta chỉ muốn đắm chìm theo thanh âm dập dìu lên xuống, và sẽ khó mà nghe ra trong lòng biển vốn dĩ vô thanh!
Ai chạy theo tiếng khen chê ở đời, sẽ khó thấy ra bản chất của các pháp trong thế gian vốn rỗng lặng!
Sư cô Trúc Lan Nhã