Bài phú dạy con niệm Phật
Ai từng đọc và hành trì kinh A Di Đà thì sẽ thấy cõi Cực lạc Tây phương là cõi nước lý tưởng dành cho những bậc Thánh chứng ngộ, giải thoát hoàn toàn khổ đau.
Nó cũng là niềm tin, sự thể hiện ước mơ của người đời, của những chúng sanh đang lăn lộn trong dòng sinh tử đầy ô trược và cấu uế, luôn khát khao hướng tâm về cõi Tịnh độ.
Và như thế, nếu cảnh giới Tịnh độ được an trú trong tâm thức mỗi hành giả thì thế giới hạnh phúc của chúng sinh Cực lạc có thể tìm thấy ngay giữa cõi đời này cho những ai nỗ lực tu tập bằng cách nhiệt tâm tinh cần tụng kinh, bái sám, hành thiền, niệm Phật, hành trì đời sống hướng thượng. Trong ý nghĩa đó, vào thời Trần, Mạc Đĩnh Chi đã viết bài Giáo tử phú 1để khuyên con, có lẽ cũng khuyên mọi người phải siêng năng niệm Phật, lánh dữ làm lành để tiêu nghiệp, để khỏi đọa lạc vào cõi địa ngục trần gian, trong dòng chảy luân hồi sanh tử.
Để chuyển tải toàn bộ nội dung chủ trương đường hướng quan trọng này vào đời sống thực tiễn, tác giả đã chọn thể loại phú để sáng tác. Cần nhớ rằng đặc trưng của thể phú là trình bày cái đẹp. Lời văn của thể phú lấy sự vật để nói cái chí, chú ý đến cái sáng tỏ, to lớn. Nhưng bài phú Giáo tử phú này lại viết theo thể văn vần 4 chữ (lối tứ ngôn) gần với bài vè dân gian theo thể văn tư, gồm 9 khổ, 204 câu, bằng chữ Quốc âm, với mục đích là mong muốn, bất cứ ai cũng dễ dàng nằm lòng bài phú này, rồi từ đó hướng tâm sinh về cõi Tịnh độ nhân gian hiện tiền.
Vốn xuất thân từ trong giới quan trường, ông đã từng trải nghiệm và chịu đựng biết bao sóng gió cuộc đời. Ngay trong khổ phú đầu tiên, Mạc Đĩnh Chi đã chỉ ra rằng, cuộc sống vốn biến động vốn không ngừng, con người nếu không thức tỉnh sẽ bị đắm chìm vào năm dục và đọa lạc vào đường ác đạo trong cõi luân hồi: Nhất thiết thăng trầm, Mệnh sinh ngũ dục; Nghiệp nặng nhiều ngày, Sinh loài ngũ trọc.
Xem ra, thói đời xưa nay vẫn thế! Con người cứ say sưa chìm đắm trong những giấc mộng đi hoang, huyễn mộng, để rồi thời gian trôi qua, phút chốc tự nhận ra cả cuộc đời chẳng làm một việc phước thiện gì cho mình và cho đời: Đường phúc đường nhân, Chưa làm một chút, Danh cao chừng thế, Chưa được bao chầy; Một phút mình nay, Vô thường thôi thúc, Bắc Nam mồ quạnh, Eo éo cỏ xanh; Hoàng những thâu đêm, Người kêu người khóc như khổ 2 mô tả.
Hệ quả tất yếu, ngay trong hiện tại khổ đau và chết bị đọa lạc vào địa ngục mà tác giả ngậm ngùi muốn dạy cho con của mình, cũng là nhằm thức tỉnh người khác qua các khổ phú tiếp theo. Đó là thế giới địa ngục, chịu nhiều thống khổ bức bách mà bất cứ ai, chịu nhìn nhận từ hiện thực cuộc sống khách quan quá phũ phàng sẽ thấy rất rõ. Cái tinh tế, cái tài tình của tác giả là tả thế giới địa ngục mà cốt lõi muốn nói chuyện nhân gian thường tình, trong diễn trình của quy luật nhân quả.
Ai từng đọc kinh Địa Tạng thì rõ, thế giới địa ngục mà con người phải chịu đựng và phải trả nghiệp như thế nào, thì đọc phú của Mạc Đĩnh Chi thì tương tợ như thế: Diêm vương đòi hỏi, Lành dữ cho hay; Hắc ám mịt mùng, Người ta lúc nhúc. Đứa thì cưa xẻ, Phân mình làm hai, Đứa thì trói lưng, Thương thay vì khóc, Nước đồng bắt uống, Một ngày trăm phen; Cháy nát tan tành…. Chưa dừng tại đó, con người tùy theo nghiệp nhân nghiệp quả đã tạo mà bị chịu nhiều quả báo của hình phạt, để rồi Hồn xiêu phách lạc, Tội nhân xác lác; Xương bày ngan ngác. Không chỉ chịu đựng những khổ đau về thân xác mà những chúng sanh đó còn phải trải qua những khổ đau tâm hồn, đi từ cảnh giới khổ đau này sang cảnh giới khổ đau khác: Muôn nghìn địa ngục, Thây chết trùng trùng; Đứa vả đứa kêu, Người lo người khóc, Dương gian ngỡ dễ, Lấy chết làm chơi; Ngục tốt tiếng hầm, Tội nhân lơ lác.
Rõ ràng, nỗi khổ này mà con người phải cam chịu là xuất phát từ một đời sống chạy theo vật chất, tiền tài, danh vọng quyền cao, tranh quyền mua chức, để thọ hưởng phú quý vinh hoa, không biết gì đến Phật pháp. Đó cũng là tâm lý thường tình mà con người mắc phải. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả, đúng như bài phú tả: Tranh nhau hơn thiệt, Kẻ ít kẻ nhiều; Cả cỗ người ăn, Hề chi đến Bụt, hay Phô tiếng phô danh, Tranh ngã tranh nhân, Chẳng lành một chút, Phô danh chép miệng; Chẳng kẻo lỗi nào, Địa ngục tù lao, Cúi đầu chịu chết, Danh cao chưng thế, Đồn những sang giàu; Gặp chốn âu sầu, Ai vì quan chức…
Xem ra, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, tác giả rất thành thật với chính cõi lòng mình như là một lời sám hối cảnh tỉnh mình, cũng là cảnh tỉnh với con cái và ngay cả đối với mọi người. Nếu cứ có thái độ sống nói trên thì ngay trong đời sống hiện tại sẽ khổ đau, khi lâm chung sẽ đọa vào cảnh giới ác thú: Tham những vinh hoa; Chết xuống Diêm La, Mình sa đại ngục; Đến bằng khi ấy, Chỉn khá là thương. Lạc phải điều đình, Ruột phân chín khúc. Phải chăng trong cuộc hành trình của kiếp nhân sinh từ lúc được sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, con người cứ chìm đắm trong các ham muốn (tham ái) và muốn nắm giữ (chấp thủ) tất cả, để rồi phiêu hồn lạc phách trong sáu cõi luân hồi với biết bao thống khổ. Khi quả đắng trổ mới tỉnh mộng sự đời là thế!
Lời tự tình cứ thế mà cất lên mãi hoài qua những cung bậc bi ai, điệu đàn ảm đạm, trải nghiệm cả cuộc đời bằng sự đúc kết với nỗi lòng thật chua xót: Ai đã đến đấy, Mới biết nguồn cơn; Vò võ đêm sầu, Vo ve tiếng khóc, Luân hồi muôn kiếp; Âm phủ dương gian, Tử sinh thôi thúc. Cha đã đến đấy, Biết được lòng thương.
Thế nên, việc ăn chay, niệm Bụt, làm phúc mà Mạc Đĩnh Chi đề xuất là phương thức tu hành hết sức đơn giản mà hiệu quả vô cùng, như cha ông ta từng đúc kết: ăn chay, niệm Phật, làm lành. Ngay trong hiện tại được lạc trú, khi lâm chung không sanh về cõi ác thú. Dù bạn là ai, sống ở đâu, đều an trú trong một đời sống hạnh phúc thực sự như tác giả nói: Dầu phàm hay Thánh, Miễn được an nhàn, là nhờ công năng niệm Phật. Nói theo cách nói của vua Trần Thái Tông, là mọi người dân cần niệm Phật để loại bỏ niệm xấu thay vào đó là niệm tốt, để tâm trở nên trong sạch hoàn toàn, thân ta chẳng khác nào thân Phật qua bài Niệm Phật luận, nhờ vậy người dân mới an lạc, đất nước mới thịnh trị, hùng cường.
Theo đó, một người tu tập hướng tâm về cõi Tịnh, tức là hướng tâm thực hành lộ trình Tín – Nguyện – Hạnh mà bài phú diễn giải, không chỉ có ý nghĩa tự độ mình và mà còn giá trị độ người khác: Trọng pháp kính thầy, Thí bần tác phúc. Cơm ăn phải bữa, Ai đói thì cho, Bớt miệng xui lòng, Kim cương thường đọc, Bố thí làm duyên, Nghiệp dữ thì chừa, Lành thì tua cốc.
Sự thật, một người có lòng tịnh tín bất động đối với Tam bảo Trọng pháp kính thầy, sống theo hạnh nguyện Bồ-tát, đồng nghĩa tự mình chuyển hóa thân tâm và thể nhập vào đời sống thực tiễn để độ sanh, giáo hóa mọi người, bằng cách nỗ lực hành trì 6 pháp ba la mật. Bước chân đầu tiên của việc tự hoàn thiện nhân cách của mình và hướng tâm mình ra khỏi vùng tâm lý tham sân si, và sau đó là chia sẻ khổ đau với người khác. Đó là thực thi hạnh bố thí, bao gồm tài thí và pháp thí. Đối với người bần cùng: Ai đói thì cho, Bớt miệng xui lòng; đối với người giàu có, thì nên biết xả ly, không nên ôm giữ. Bởi vì khi ai đó được sinh ra chẳng có cái gì, khi chết đi cũng không đem theo được gì hết: Phú quý nhiều bề, Cấp một tay không, Thấy đâu tiền bạc, Làm hại khốn dân. Nhưng quan trọng hơn là việc bố thí pháp, tức là khuyến cáo mọi người hướng tâm bỏ ác làm lành, tinh chuyên tụng kinh, niệm Phật, xây dựng một tâm thức trong sạch, không nắm giữ điều gì mà tác giả khéo léo dạy con phải thường xuyên trì tụng kinh Kim cương, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Mỗi người, một khi đã phát tâm bố thí cúng dường, hẳn nhiên người đó biết trì giới: Học đạo tu hành, Ăn chay thủ giới. Đối với tự thân, trì giới là giữ cho ba nghiệp thanh tịnh, tức là cõi lòng mình trong sạch không bị cấu bẩn bởi bụi trần, nghĩa là đi ra khỏi con đường tà đạo, bạo ngược đánh mất nhân tâm: Hễ đường bạo ngược, Sát đạo tà dâm; Tội nặng muôn năm, Phải chừa, phải bớt. Đây cũng chính là cơ sở thiết lập một đời sống an bình nội tâm của mỗi cá thể, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội trật tự an lạc. Nếu không như thế thì khổ đau luôn chờ đợi: Nhiều rể, nhiều dâu, Nhiều oan gia nữa, Nhiều con nhiều vợ, Phiền não buộc ta.
Đến đây, có thể nói bài phú dạy con niệm Phật năm xưa, trên dưới 800 năm không chỉ còn nguyên giá trị nhân văn, đạo lý học làm Người, mà sâu sắc hơn là để tu làm Phật ngay giữa cõi đời này. Thế thì, ngày nay, sống trong thế giới hiện đại của nền văn minh khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, của nền kinh tế thị trường, có ý kiến cho rằng mọi giá trị chuẩn dường như cần phải được xem xét lại và định ước mới để phù hợp với thời đại! Nếu có vậy, phải chăng bài phú của Mạc Đĩnh Chi là bài học tu tập tự thân, lại có giá trị chuẩn để thực thi các nguyên tắc, giá trị đạo đức trong việc xây dựng một đời sống đạo đức hiền thiện, trong cuộc hành trình thực nghiệm tâm linh ở đời này.
Và như thế, trước khi làm Phật, ít nhất mọi người hôm nay khi đọc bài phú này, lòng mình sẽ tự nhủ cố gắng niệm Phật để giữ được lòng trong sạch, để xứng đáng được làm Người hơn, như Phật hoàng Trần Nhân Tông từng khát khao mong chờ hóa hiện. Mỗi khi lòng mình đã trong sạch thì chẳng khác nào Tu hành là Bụt mà Mạc Đĩnh Chi từng dạy bảo con mình.
Chú thích:
1. Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, HN, 1989, tr.864-871
2. Thơ văn Lý Trần, tập 2, Sđd, tr.505.
3. Thơ văn Lý Trần, tập 2, Sđd, tr.83-85
Thích Phước Đạt