Bài học về đức tính nhẫn nhục
Khi dành thời gian để suy ngẫm về cuộc sống hàng ngày của mình cũng là lúc bạn nghĩ về cách giải quyết mọi vấn đề. Nhờ đó, bạn rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, ghi nhớ cách ứng xử cho những tình huống tương tự trong tương lai.
Suy ngẫm, quán chiếu mọi việc giúp tâm bạn thảnh thơi và sáng tỏ nhiều điều. Thực hành đó đồng thời tạo khoảng không gian cần thiết cho lòng kiên nhẫn phát triển.
Hãy suy ngẫm và cảm nhận thật sâu sắc bằng cả trái tim mình. Hôm nay, ai đó đã làm bạn rất khó chịu, bạn không thể kìm chế được và đã phản ứng lại. Ngay lúc ấy, bạn cảm thấy họ đáng bị trừng phạt vì thái độ, hành động và lời nói của họ. Nhưng có lẽ bản thân cảm giác tức giận cũng chẳng dễ chịu chút nào. Vì vậy, hãy quán chiếu xem bạn cần ứng xử với những tình huống tương tự sau này như thế nào. Mặt khác, cũng đừng trở thành người thụ động, yếu đuối. Hãy học cách bày tỏ quan điểm một cách điềm tĩnh nhưng cương quyết.
Người kiên nhẫn là người hiểu biết. Họ hiểu điều gì đang diễn ra quanh mình. Bạn có thể xử lý mọi tình huống một cách êm thấm nhẹ nhàng. Bạn không làm ầm ĩ mọi chuyện, lên giọng hay nổi nóng vốn là những biểu hiện của sự thiếu định tâm. Quán chiếu và thiền định giúp ta tăng cường khả năng tự làm chủ tính khí và các xúc tình tiêu cực. Thiền định như thế chính là sự thích nghi, nghĩa là bạn học cách làm quen với những trải nghiệm cũng như cảm xúc của mình và mọi người. Ngày hôm nay có thể bạn chưa quen và thấy khó khăn, nhưng nếu kiên trì rèn luyện hàng ngày, sau một hoặc hai tuần, bạn sẽ cảm thấy khá hơn. Sau một hoặc hai tháng, bạn bắt đầu kiên nhẫn hơn và sang năm bạn sẽ vượt qua tất cả chướng ngại đến từ các mối quan hệ .
Bài học về đức tính nhẫn nhục
Một bậc Thượng sư Kim Cương thừa nổi tiếng có rất nhiều đệ tử, một ngày nọ có một người đến xin được làm đệ tử của ngài. Bậc Thượng sư hỏi: “Dĩ nhiên ta sẽ chấp thuận, nhưng con có những phẩm hạnh gì?”, người đệ tử đáp: “Dạ thưa, con chẳng có gì cả”. Bậc thượng sư hỏi nhiều lần nhưng vị đệ tử vẫn trả lời như vậy vì anh ta chỉ muốn xin làm đệ tử của ngài. Cuối cùng, cảm thấy mình cần nói một điều gì đó, anh ta trả lời: “Con có tiếng là người nhẫn nhục, không bao giờ nóng giận”. “Ồ”, bậc Thượng sư nói, “đó là phẩm chất quan trọng nhất. Ta chấp nhận con là đệ tử của ta”.
Tại buổi thuyết pháp hôm sau, bậc Thượng sư tuyên bố trước đại chúng: “Từ trước đến giờ, Tăng đoàn chúng ta rất an bình và không gặp phải bất cứ rắc rối nào, nhưng từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ phải rất cẩn thận. Trong Tăng đoàn của ta có một tên đạo chích. Mặc dù chúng ta chẳng có gì đáng giá để mất ngoài một ít thức ăn và quần áo, chúng ta vẫn nên để ý vì tên trộm đứng ngay kia.” Bậc Thượng sư chỉ tay về phía người đệ tử nọ. Anh ta cảm thấy vô cùng bối rối và xấu hổ nhưng không biết nói gì trước bậc Thầy, mồ hôi vã ra đầm đìa.
Cuối cùng, sau một thời gian dài, không thể chịu đựng và nhẫn nhục hơn nữa, vị đệ tử nọ vô cùng tức giận hét lên trước tất cả mọi người: “Ai nói tôi là kẻ trộm?”
Bậc Thượng sư nhìn anh: “Chẳng phải con từng nói rằng chẳng bao giờ biết giận dữ hay sao? Ta tưởng con không còn chút sân hận nào nhưng thực tế là vẫn còn, đúng không nào?” Lúc đó, vị đệ tử chợt như tỉnh giấc mộng và nhận ra rằng sự sân giận vẫn hiện hữu. Anh đã có được bài học về đức tính nhẫn nhục nhờ lòng bi mẫn của Thượng sư và từ đó tinh tấn để trở thành một trong những đại đệ tử sau này của Ngài.
Thực hành nhẫn nhục
Sẽ rất khó để thực tập nhẫn nhục khi chẳng có gì phải nhẫn, khi mọi việc đều diễn ra tốt đẹp, bạn cảm thấy an ổn và chẳng ai làm phiền mình. Trên thực tế, hạnh nhẫn nhục chỉ có ý nghĩa khi được kiểm chứng trong những tình huống xung đột của cuộc sống. Do vậy, nếu ai đấy chọc tức và làm điều gì đó khiến bạn phát điên, họ chính là bậc Thầy thực sự của bạn. Dĩ nhiên, vào giây phút ấy, bạn khó có thể minh định điều này và vẫn thấy họ như kẻ thù chọc phá mình. Lúc đó, tôi mong bạn tỉnh táo nhận ra họ đang trao cho bạn cơ hội để thực hành nhẫn nhịn. Vì vậy, hãy nắm bắt lấy dịp may bất cứ khi nào hoàn cảnh cho phép.
Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày”
Ngài Gyalwang Drukpa