Bài học nhân quả sống động ngay trong cuộc đời
Tất cả chúng sanh trên thế gian này đều sống trong nhân quả, cho nên cần phải học kỹ, hiểu sâu nhân quả để trong cuộc sống không lầm tạo nghiệp xấu. Nhân quả rất là vi tế, không đơn giản như chúng ta thường nghĩ như là làm ác thì gặp ác, làm lành thì gặp lành v.v…
Nhà thiền có câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một đứa bé bị đau cổ họng phải ở nhà không được đi chơi. Cậu bé ngồi một mình thấy buồn nên bày trò chơi bẫy ruồi.
Chú dùng một cái lọ bằng nước sốt đánh mồi bầy ruồi khiến chúng bay vào ăn, lúc đó chú rình và bịt kín lọ ấy lại.
Tiếp theo, chú dùng que diêm ngậm vào miệng cho ướt rồi quẹt lửa, làm như vậy mới có nhiều khói. Sau đó đưa diêm quẹt cháy đầy khói vào trong lọ ý muốn tạo một phòng hơi ngạt.
Thế là những con ruồi ham ăn vô phước bay vào lọ kia vừa bị nhốt kín, vừa bị hơi ngạt nên phải chết.
Khi chúng sắp chết lại phát lên tiếng kêu lép bép, lép bép. Chú bé thích vì nghe vui tai.
Người chị của chú thấy mới rầy: “Em chơi như vậy là ác”.
Chú đáp là: “Không có đau đớn, vì em chỉ làm cho chúng ngủ thôi!”.
Không lâu sau, chú bé bị đau họng trị hoài không hết cuối cùng phải mổ.
Khi mổ, bác sĩ dùng mặt nạ gây mê cài lên mặt chú và bảo:
“Không sao đâu, chẳng đau đớn gì cả!”.
Lúc đó, chú liền nhớ nghĩ đến lũ ruồi đã bị chú làm chết ngạt mấy hôm trước, khi ấy chúng nó cũng giống như chú hiện giờ.
Đó là một bài học nhân quả sống động ngay trong cuộc đời, bài học này không phải bằng lý luận hay trên chữ nghĩa.
Những câu chuyện về nhân quả báo ứng đáng suy ngẫm
Nghe qua câu chuyện, chúng ta có suy nghĩ gì?
Nếu như mỗi người đều khéo quan sát chung quanh thì chúng ta sẽ học được rất nhiều những bài học nhân quả ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Tất cả con người đều đang sống trong nhân quả, không một ai có thể thoát ra ngoài nhân quả hết, đây là điều mà mọi người cần hiểu rõ, cho nên chúng ta học Phật pháp là nhằm ứng dụng tu để sáng tỏ lý nhân quả chứ không phải học chữ nghĩa trên sách vở hoặc lời hay ý đẹp của thầy.
Pháp sư Thánh Nghiêm ở Đài Loan có kể câu chuyện:
Có một người tên Phan Phúc Nguyên bỗng phát bệnh giết hai đứa con của mình nên bị công an bắt đưa vào bệnh viện tâm thần.
Nhưng khi vào bệnh viện bác sĩ khám bệnh không ra, vì người bệnh đã bình thường, phải cho xuất viện.
Khi về nhà, người này lại lên cơn giết luôn vợ mình, gia đình chỉ còn lại đứa con gái. Ngay thời gian ấy, cha ông là Phan Kim Sinh đang làm việc lại bị rớt xuống núi chết, còn anh trai cũng bị chết oan. Tai nạn thê thảm dồn dập đến gia đình ông.
Người bình thường thấy thế sẽ rất thương tâm, nhưng theo lời kể của những người ở gần nhà ông thì mới biết là việc gì cũng có nguyên nhân.
Vào thời Nhật Trị, có một hôm ông Phan Phúc Nguyên và cha đi vào rừng săn thú, bỗng thấy một con hươu rất lớn từ xa chạy lại phía hai người, trên thân bị bắn trọng thương.
Khi ấy, hai cha con ông bắn thêm một mũi tên nữa, con hươu ngã chết tại chỗ. Có một người thợ săn chạy đến tìm hươu, rồi hai bên tranh nhau bảo con hươu thuộc phần của mình.
Tranh luận không xong, cuối cùng hai cha con họ Phan này họp nhau đánh chết người thợ săn kia để đoạt con hươu.
Sau, gia đình của người thợ săn bị giết tìm đến hỏi rõ nguyên nhân về cái chết của người thân và chỉ đàm phán trong thầm lặng.
Ý gia đình kia không muốn dính líu đến pháp luật, vì nếu kiện thì cả hai đều bị thiệt hại nên cho qua, rồi theo ngày tháng sự việc cũng phôi pha, nhưng nhân quả thì không mất, không tha thứ cho gia đình họ Phan này.
Ông mang bệnh tâm thần giết con, giết vợ, còn người cha và anh trai cũng chết oan uổng, cả gia đình gặp những chuyện bất hạnh kể trên.
Rõ ràng gia đình người này bị nhân quả báo ứng hiện tiền, nên chúng ta không thể xem thường nhân quả.
Chúng ta đọc sử nhớ câu chuyện vua Lưu Ly giết dòng họ Thích để trả cái hận khinh thường ông.
Tuy dòng họ Thích đều quy y tu theo Phật, giữ đúng năm giới là những người có giới đức, nhưng vẫn phải trả quả báo.
Còn vua Lưu Ly khi sai quân lính giết hết dòng họ Thích rồi kéo quân về đóng nghỉ ở gần bờ sông.
Đêm đó, nước sông dâng lên cuốn chết đoàn quân cùng vua Lưu Ly, đây cũng là nhân quả ác hiện tiền.
Nhân quả nghiệp báo rõ ràng là chân lý của thế gian, là lẽ thật nên chúng ta phải hiểu kỹ để sống đúng nhân quả. Thế gian này là một trường nhân quả lớn và không hề mất. Đừng nghĩ rằng việc xấu hay tốt đã làm qua rồi thôi, không phải vậy.
Tất cả chúng sanh trên thế gian này đều sống trong nhân quả, cho nên cần phải học kỹ, hiểu sâu nhân quả để trong cuộc sống không lầm tạo nghiệp xấu. Nhân quả rất là vi tế, không đơn giản như chúng ta thường nghĩ như là làm ác thì gặp ác, làm lành thì gặp lành v.v…
Con mắt phàm phu chúng ta thì không thể thấy hết nhân quả, nếu có hiểu thì hiểu phần nào thôi, chỉ có Phật mới thấy tận tường nhân quả.
Vì thế, đừng nghĩ là mình có học Phật nên hiểu nhân quả, tuy có hiểu nhưng chưa thể thấy tận tường.
Có một bậc thầy Ấn Độ đã khai thị cho đệ tử thế này:
“Liệu con có thể chỉ ra được một cách rõ ràng đâu là nhân, đâu là quả trong một sự việc hay không?
Con nên nhớ rằng một sự việc nếu được xem là quả của quá khứ thì đồng thời cũng chính là nhân của tương lai, thậm chí ngay trong mỗi một sự việc có những yếu tố do nghiệp lực quyết định từ đời trước, nhưng cũng có những yếu tố lại được quyết định ngay trong giây phút hiện tại.
Sự đan xen phức tạp tinh vi ấy không một trí tuệ nào của người đời có thể thấy rõ được yếu tố nhân quả, mà chỉ có bậc đã giác ngộ, đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác mới có thể thấy rõ đúng được tất cả”.
Người thầy đã nhấn mạnh để hỏi đệ tử về nhân quả, và bảo đây không phải là việc đơn giản.
Mọi việc xảy ra đâu phải do cái nhân đời trước thôi mà còn do sự quyết định nhân quả ngay trong hiện tại nữa.
Nếu nhìn nhân quả đơn giản cho là do nghiệp đời trước thì cái nhìn đó vẫn còn cạn.
Ngài nói chỉ có Phật mới thấu suốt còn người thường thì chỉ hiểu được phần nào nên đừng nghĩ rằng nhân quả là thường, tôi đã hiểu hết rồi nên xem thường nhân quả.
Nhiều người học Phật khoảng mười năm khi nghe nói đến nhân quả thì xem thường, nghĩ là mình đã học cao đến lý tối thượng thừa, còn lý nhân quả để dành cho người mới vào đạo, tâm này có hơi kiêu mạn.
Rồi để làm sáng tỏ thêm cho người đệ tử, người thầy mới nói thí dụ:
Có một nhóm người ngồi trên chiếc xe và xe sắp khởi hành. Bất chợt có người trên xe thấy một con chó bên đường đang bươi đống rác tìm thức ăn.
Bỗng nó bị cái thùng gỗ rơi xuống đè vào chân, dù cố gắng nhưng chó vẫn không rút chân ra được.
Người ấy thấy tội nghiệp và động lòng thương nên mới bước xuống xe chạy đến tìm cách kéo cái thùng ra để cứu con chó.
Xong việc, quay lại thì chiếc xe đã chạy rồi.
Lúc ấy, anh tiếc lắm vì phải chờ chuyến sau. Không ngờ chiếc xe chạy trước đó vừa ra khỏi phố một đoạn thì gặp tai nạn, mọi người trên xe đều chết không một ai sống sót.
Vị thầy giải thích: Cộng nghiệp xảy ra cho cả nhóm người ngồi trên chuyến xe kia, do những ác nghiệp nào đó của họ đã gây ra vào những thời điểm khác nhau ở quá khứ.
Tuy họ không tạo cùng một lúc nhưng lại cùng một nhân quả nên mới khiến gặp nhau trên cùng một chuyến xe rồi cùng phải chịu chung một nhân quả xấu.
Ngay giây phút nghiệp quả đã chín mùi thì một người trong số đó đã phát khởi lòng thương loài vật, tức là khởi tâm thiện rồi làm thiện.
Vì thế ngay trong giây phút hiện tại ấy nhờ quyết định đúng đắn, một việc làm lành được thực hiện ngay đúng lúc nên anh ta được thoát khỏi cái chết thê thảm do nghiệp lực đưa đến.
Chính tâm lành và làm lành trong hiện tại đã cứu anh thoát khỏi cái cộng nghiệp quá khứ kia.
Đúng ra anh phải chịu chung cộng nghiệp xấu vì nhân đời trước, nhưng khi có cộng thêm nghiệp lành ngay hiện tại thì nghiệp xấu quá khứ được chuyển.
Chúng ta đừng đổ thừa là do nghiệp xưa của tôi, mà phải cộng thêm nghiệp ngày nay nữa, nghĩ như vậy chúng ta mới có những bước chuyển đổi mới, nếu không, cứ một bề đổ lỗi cho quá khứ thì không tốt.
Người bình thường thấy những chuyện đó cho là chuyện may ngẫu nhiên, nhưng thật ra tất cả sự việc xảy ra đều có nhân quả hết.
Như vậy nhân quả rất là tinh vi không đơn giản, nếu không phải là con mắt của những bậc giác ngộ thì đâu thấy hết chân lý của thế gian.
Chúng ta càng suy gẫm càng hiểu sâu, càng tin chắc nhân quả và càng thấy rõ thế gian này không có chuyện gì là ngẫu nhiên hết.
HT. Thích Thông Phương