Ba ngôi báu thù thắng
Khi vị Thầy truyền trao Tam quy và giới pháp cho mình, trước tiên là nói ý nghĩa về ngôi Tam bảo. Vậy Tam bảo là gì?
– Pháp là phương pháp tu hành mà Đức Phật đã đề ra để diệt trừ tham, sân, si nguyên nhân tạo nên đau khổ cho chúng sanh. Ngài chỉ ra đường hướng tu hành, cuối cùng chúng sanh đạt được quả an vui giải thoát. Ba tạng Kinh, Luật, Luận gọi chung là Pháp bảo.
– Tăng là đoàn thể tu hành, từ bốn người trở lên, cùng sống chung trong một trú xứ, đồng tu học và thực hành theo Giới luật mà Đức Thế Tôn chế ra, nên gọi là Tăng bảo.
Khi chúng ta mới đến chùa được quý vị Tôn túc chỉ dạy cho chúng ta về cách ăn chay, niệm Phật, lạy Phật, tránh điều dữ, làm điều lành, để vun bồi thiện nghiệp. Hàng ngày để nhớ tưởng niệm Phật, luôn niệm danh hiệu của Ngài, đó thuộc về sự Quy y, những bước chân đầu tiên đến ngưỡng cửa Từ bi, chư Tăng hay chư Ni là viên gạch nối giữa Phật và chúng sanh, kế đến là quý Thầy đã truyền trao Ngũ giới tức là năm điều răn cấm, để trở thành một người Phật tử chân chính.
– Vì tôn trọng sự sống của muôn loài, nên Phật cấm không được sát sanh.
– Vì tôn trọng quyền sở hữu của người khác, nên Đức Phật cấm không được trộm cắp.
– Vì giữ hạnh phúc cho mọi người và mọi gia đình nên Đức Phật cấm đệ tử của Ngài không được tà dâm.
– Vì muốn xã hội an bình, nên Đức Phật chế giới thứ tư không được nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác mà phải nói lời chân thật.
Lang thang trong kiếp luân hồi Dòng sông oan nghiệt nổi trôi bềnh bồng May nhờ kiếp trước gieo trồng Nhờ đèn Tam bảo thoát vòng trầm luân.
Lý Quy y Tam bảo nghĩa là Quy y Tam bảo trong tâm của chúng ta.
– Tự Quy y Phật: Là tự mình trở về với tự tánh sáng suốt của chính mình. Đức Phật Thích Ca từng dạy: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” tức là tất cả chúng sanh mỗi người đều có tánh sáng suốt, nhưng vì do vô minh che lấp không biết đâu là Chánh, đâu là tà, nên phải trôi lăn trong ba cõi sáu đường. Nay nhờ Đức Thế Tôn thị hiện ra đời, diễn nói Chánh pháp, dứt bỏ mây mờ vọng tưởng, trí huệ tự nhiên hiển lộ. Đó là tự Quy y Phật bảo.
– Tự Quy y Pháp: Là vâng theo pháp tánh của mình. Trong tâm chúng ta đều có pháp Từ bi, Trí tuệ, Nhẫn nhục…, chúng ta cần phát huy những đức tính ấy, để đem lại lợi ích cho mình và cho những người chung quanh. Đó là tự Quy y Pháp bảo.
– Tự Quy y Tăng: Là vâng theo đức tính hòa hợp thanh tịnh của mình. Như Tăng già là hiện thân cho sự hòa hiệp thanh tịnh bên ngoài. Bấy lâu mình mê muội, không thấy được sự mầu nhiệm của sự thanh tịnh hòa hợp. Nay nhờ Đức Phật chỉ dạy nên mình nhận được tánh sáng suốt, tánh Từ bi, tánh Hỷ xả… Sự hòa hợp thanh tịnh của bản tâm mình, nên nguyện trở về Quy y Tăng bảo nơi tự tánh của mình.
Nhưng ba pháp Quy y này, không phải chỉ dành cho những người Phật tử tại gia mới bước chân vào đạo, mà chính chúng ta là những hành giả trong đoàn thể Tăng già, hàng ngày chúng ta cũng phải phát nguyện Quy y. Vì ba pháp Quy y này, là nền móng vững chắc để xây dựng một ngôi nhà kiên cố. Mở mắt ra chúng ta phải phát nguyện rằng: “Từ nay đến đời đời, kiếp kiếp con Quy y Phật, là trở về tự tánh thanh tịnh sáng suốt trong con, con không theo thiên thần quỷ vật”.
– Con nguyện “Từ nay đến đời đời kiếp khiếp, con nương theo giáo pháp của Đức Như Lai, trở về pháp Từ bi, Trí tuệ, Nhẫn nhục trong con và phát huy đức tính ấy, làm lợi ích cho chúng sanh, con không theo ngoại đạo, tà giáo”.
– Con nguyện “Từ nay đến đời đời kiếp kiếp, con học theo hạnh hòa hợp thanh tịnh của Tăng già, nhận được tánh sáng suốt hòa hợp thanh tịnh trong tâm con, con không nương theo thầy tà bạn ác”.
Giáo lý của Đức Thế Tôn có tám vạn bốn ngàn Pháp môn, tuỳ theo trình độ của chúng sanh mà Ngài thuyết pháp cao, thấp không đồng, nên Đức Như Lai tạm chia thành ba thừa, ví như ba cỗ xe: Xe dê, xe hươu, xe trâu (Kinh Pháp Hoa). Thế nào là ba thừa?
Phật dạy rằng: “Căn cứ chỗ thấy, chỗ nghe, đọc tụng Kinh điển là Tiểu thừa. – Hiểu pháp, rõ nghĩa, là bực Trung thừa.
– Y theo pháp mà tu hành, xa lìa được hai chấp là chấp ngã và chấp pháp, chấp có và chấp không đó là bực Đại thừa”. Mục đích của Đức Phật thị hiện vào đời, là muốn cứu độ chúng sinh thoát ly sanh tử luân hồi. Nhưng muốn thoát khỏi Tam giới, không ngoài thực hành “Tam vô lậu học” tức là Giới – Định – Tuệ.
Mỗi ngày chúng ta đều dâng hương trong các thời kinh, thường nguyện: Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương. Đó là năm phần chơn hương của Pháp thân.
– Giới hương nghĩa là tâm mình không nghĩ điều sái quấy, tâm không ganh ghét, tâm không giận hờn.
– Định hương là xem thấy các tướng lành, tướng dữ, mà tâm không loạn động.
– Tuệ hương là tâm mình không ngăn lấp, thường lấy trí huệ quán chiếu tánh mình. Tuy mình tu các hạnh lành mà tâm không chấp trước.
– Giải thoát hương nghĩa là tâm mình không vướng mắc cảnh vật bên ngoài, trong tâm không nghĩ điều lành, điều dữ, thong dong tự tại.
– Giải thoát tri kiến hương là tâm mình không bám víu vào cảnh vật nào. Phải học rộng nghe nhiều, phải rõ thông đạo lý của Phật.
Giáo lý của Ngài giảng dạy rất nhiều, trong đó Ba mươi bảy phẩm trợ đạo được chia ra làm bảy loại, mà Bát Chánh đạo là một Pháp môn thường được coi là Pháp môn chính. Bởi vì Chánh kiến là thấy biết chơn chánh, ngay thẳng đúng với sự thật khách quan. Trên đường tu học, chúng ta biết rõ sự vật một cách chân thật, không bị chúng đánh lừa, đèn trí tuệ ngày càng ngời sáng, không bị ngoại cảnh kéo lôi. Rồi đến Chánh tư duy. Là xét nghiệm sự lý chơn chánh đúng với lẽ phải. Phàm làm người Tu sĩ thực hành Chánh ngữ, lời nói chân thật, công bình và hợp lý, thì trên đường hành đạo, thành công trên nhiều lĩnh vực. Chánh nghiệp: Không gì quý hơn là sống đời tri túc, an bần thủ đạo, thực hành những điều hợp với Chánh pháp, thì cuộc sống sẽ được thanh thản, nhẹ nhàng. Chúng ta nguyện áp dụng Chánh mạng trong đời sống hàng ngày, làm ích đạo, lợi đời, để khỏi cô phụ Tứ ân, trong đó Cha Mẹ và Thầy Tổ. Chúng ta nguyện tinh tấn hành trì Giới luật đã lãnh thọ, xứng đáng với chí nguyện xuất gia của mình. Trong thời gian tu học, chúng ta dùng Chánh niệm quán sát cảnh Chân đế, tưởng niệm các pháp trợ đạo, dù trải qua nhiều kiếp cũng không thối tâm xao lãng. Và cuối cùng là Chánh định, tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng chơn lý, có lợi cho mình và cho người.
Pháp thân sáng suốt trí trong ngần
Viên mãn báo thân chẳng nhiễm trần
Sum la vạn tượng thiên bá ức
Hóa thân cùng khắp hiện phân thân.
Ghi chú: (Tài liệu tham khảo Phật Học Phổ Thông. HT. Thích Thiện Hoa).