Ba loài cây thiêng liên quan đến cuộc đời Đức Phật

Có ba loài cây thiêng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật đó là cây Vô ưu (Saraca indica) khi Đức Phật đản sinh, cây Bồ đề (Ficus religiosa, Bodhi) khi Đức Phật thành đạo và cây Sa la (Shorea robusta) khi Đức Phật nhập Niết bàn.

 

 1.Hoa Vô Ưu 

Vô ưu (Saraca indica) là loài thân gỗ, thuộc họ vang (Caesalpinioideae), lá phức mọc đối mềm mại (khi còn non rủ xuống màu đỏ sậm, trắng dần lên và chuyển sang xanh), hoa nở từng chùm ở khắp cành, thậm chí ở thân cây, có bốn cánh màu vang cam, đỏ dần trước khi héo rụng, với những chiếc tua nhụy dài, mùi hương thơm ngát.

Người Trung Quốc và người Nhật đều gọi là vô ưu thụ (無憂樹), hay vô ưu hoa (無憂花). Vô ưu là một loài cây thiêng gắn với sự ra đời của Đức Phật Thích Ca (563 – 483 trước Tây lịch). Thời ấy, dưới chân dãy núi Hymalaya, vua Tịnh Phạn trị vì nước Ca Tỳ La Vệ, cùng lúc hoàng hậu Ma Gia đang mang thai sắp đến ngày sinh nở. Theo phong tục bấy giờ, người phụ nữ phải sinh con đầu lòng ở nhà cha mẹ đẻ. Trên đường về nhà, hoàng hậu Ma Gia cùng đoàn tuỳ tùng nghỉ chân tại vườn Lâm Tì Ni, sau đó hoàng hậu đột nhiên trở dạ, vịn cành cây vô ưu mà sinh ra thái tử Tất Đạt Đa.

Cận cảnh hoa vô ưu.

Cận cảnh hoa vô ưu.

Đáng chú ý, liên quan đến sự kiện Đức Phật đản sinh, một số văn bản của Ấn Độ cũng đã nhầm lẫn giữa cây vô ưu (Saraca indica) và cây sa la (Shorea robusta), kéo theo sự nhầm lẫn ở không ít các ngôn ngữ được dịch khác. Cụ thể, ở Việt Nam có văn bản thì nói Đức Phật đản sinh dưới gốc cây vô ưu (hoa vàng đỏ), có văn bản lại nói Đức Phật đản sinh dưới gốc cây sa la (hoa trắng). Tuy nhiên, bức tượng cổ trong đền thờ hoàng hậu Ma Gia tại thánh tích Lâm Tì Ni (Lumbini) minh họa cảnh Đức Phật đản sinh, đã cho thấy hình ảnh cành cây vô ưu với lá thon dài (mọc đối), mà người Nepal gọi là Sita Ashok (Saraca asoca).

Ngay cả ở Ấn Độ, dù đạo Phật hiện nay không được những người Hindu quan tâm tìm hiểu, song vẫn có những điểm dễ thống nhất rằng Đức Phật đã đản sinh dưới cội cây vô ưu. Bởi trong nghệ thuật điêu khắc Salabhanjika, Yakshi của Ấn Độ cổ đại, các nữ thần được miêu tả trong tư thế thể hiện tính nữ, hay sinh sản, thường gắn liền với biểu tượng của hoa, cành vô ưu. Mặt khác, khi tìm hiểu đặc tính sinh học của hai loài cây vô ưu và sa la, thì vô ưu thuộc loại cây gỗ trung bình, tàng cây thấp, cành nhánh loà xòa, trong khi cây sa la là loài thân gỗ cao, thẳng đứng, có thể cao đến 40 mét trở lên.

Cây hoa vô ưu.

Cây hoa vô ưu.

Một điểm đáng chú ý khác là loài cây này mang tên hoàng đế Asoka – Ashoka (304 – 232 trước Tây lịch), với ý nghĩa không còn đau khổ, phiền muộn. Người Ấn Độ có tín ngưỡng trồng loài cây này chung quanh nhà với ý nghĩa phúc lành cầu sinh con cái. Cây vô ưu (Ashoka) được trồng ở Việt Nam hiện nay còn được gọi là cây vàng anh. Dù vậy, tên gọi Ashoka không liên quan gì đến một loài cây cùng tên (Ashoka) khác, có danh pháp là Polyalthia longifolia, mới được đưa vào Việt Nam trồng để giảm tiếng ồn.

Như vậy, có ba loài cây thiêng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật đó là cây Vô ưu (Saraca indica) khi Đức Phật đản sinh, cây Bồ đề (Ficus religiosa, Bodhi) khi Đức Phật thành đạo và cây Sa la (Shorea robusta) khi Đức Phật nhập Niết bàn.

Cây vô ưu gắn với sự kiện Đức Phật đản sinh và tên tuổi của vị hoàng đế Phật tử vĩ đại Asoka, đã trở thành một loài cây thiêng bậc vào nhất đối với đất nước Nepal, Ấn Độ, cũng như các quốc gia có truyền thống văn hoá Phật giáo khác hiện nay. Do đó, cách bảo vệ tốt nhất đối với những loài cây này là trồng phổ biến tại các ngôi chùa, hay cần phải trả lại đúng hình ảnh của nó trong lĩnh vực nghệ thuật thẩm mỹ Phật giáo.

2. Cây bồ đề. 

Bồ đề (Bodhi) thuộc chi đa đề (Ficus), danh pháp: Ficus religiosa, là loài cây thiêng của Ấn Độ, có ý nghĩa đặc biệt đối với người Phật tử khắp nơi trên thế giới, bởi cây gắn bó mật thiết với quá trình khổ luyện tu hành và thành đạo của Đức Phật Thích Ca. Đây là loài cây có tuổi thọ lâu đời, sức sống bền bỉ, tàng cây đẹp, lá hình trái tim, các lá non màu hồng và xanh dần khi trưởng thành, rễ từ trên thân cây đâm xuống đất, tạo ra thân mới, trông uy nghiêm, hùng dũng. (Xem ảnh bên)

Người Phật tử khắp nơi trên thế giới vẫn hàng ngày hành hương đến các thánh tích Phật giáo, trong đó có Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgayā), nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo (thuộc bang Bihar, Ấn Độ ngày nay), để chiêm bái cây bồ đề, một biểu tượng của điềm lành lớn.

Cây bồ đề thời Đức Phật thành đạo bị lãnh chúa Shashanka, vùng Bengal phá huỷ vào thế kỷ thứ 7, còn cây bồ đề ngày nay được chiết từ cây bồ đề được vua Asoka tặng cho vua Tích Lan (Sri Lanka) vào khoảng năm 228 trước Tây lịch.

Cội bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Cội bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc, Hà Nội, Việt Nam hiện nay được chiết từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, do Tổng thống Rajendra Prasad tặng, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 2 năm 1958.

Người Nhật gọi bồ đề là Ấn Độ bồ đề thụ (印度菩提樹), còn cây bồ đề (菩提樹- ボダイジュ) của họ là loài thuộc phân họ đoạn (Tilioideae), danh pháp: Tilia miqueliana, có hoa trái rõ ràng.

Sẽ có nhiều người thắc mắc, cây bồ đề thì làm gì có hoa, bởi người ta chỉ nhìn thấy quả bồ đề thôi chứ chưa bao giờ thấy hoa bồ đề cả. Nhưng đã có ai thắc mắc, vì sao cây “không có hoa” mà lại có quả?

Nhìn chung, đối với các loại cây như: sung (Ficus racemosa, có sách dịch là ưu đàm), vả (Ficus auriculata), đa (Ficus bengalensis), bồ đề (Ficus religiosa), mọi người cứ nghĩ rằng chúng không có hoa, nhưng thực tế chúng có những hoa nhỏ lấm tấm nằm bên trong quả, thông qua một lỗ rất nhỏ ở đầu quả, mà một loài côn trùng nhỏ nhít thuộc bộ Hymenoptera, được cho là loài không phải ong cũng không phải kiến, thường chui vào hút mật hoa, đẻ trứng, nuôi ấu trùng một cách an toàn trong đó.

Hoa của những loài cây này tự thụ phấn ở bên trong quả cho đến khi quả rụng, nên gần như không ai thấy việc cây nở hoa, trừ khi tách quả ra để phân tích. Chính đặc điểm này mà người Trung Quốc xếp những loài Ficus này vào dạng cây vô hoa quả (无花果).

Điểm gây ngạc nhiên thích thú chính là một loại cây mà “trái” không biết nên gọi là hoa hay quả, lại gắn với một loài côn trùng cũng không biết gọi là ong hay kiến, cả hai gắn bó cộng sinh với nhau và tạo ra một thế giới riêng kỳ lạ như vậy. Với những đặc tính không phải một cũng không phải hai này, có thể liên hệ cây bồ đề đến pháp môn bất nhị và tư tưởng phiền não tức bồ đề, nhân quả đồng thời (trong nhân có quả, trong quả có nhân) của đạo Phật.

3. Hoa sa la

Sa la là loài thân gỗ, danh pháp Shorea robusta, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae), lá mọc so le, hình bầu dục, gân lá nổi rõ như hình xương cá, búp nụ xoắn, hoa 5 cánh nhỏ hơi quăn, màu trắng, mọc thành từng chùm ở đầu cành, có hương thơm ngát.

Cây “Sa la” mà khá nhiều người Việt hiện nay hiểu nhầm không phải là cây Sāla (Sal tree), một loài cây ghi dấu nơi Đức Phật Thích Ca nhập diệt trong rừng Sāla tại Câu Thi Na (Kusinārā), kinh đô của tiểu quốc Mallas, Ấn Độ cổ đại.

Cây “Sa la” bị gọi sai chính là cây ngọc kỳ lân, đầu lân, hay hàm rồng, tên khoa học là Couroupita guianensis, thuộc họ Lecythidaceae, chi lộc vừng (Barringtonia), người Ấn cũng xem là một loài cây thiêng, được trồng ở một số đền thờ Hindu giáo, nhưng họ gọi loài này là Nagakeshar, hay Nagalingam. Người Trung Quốc và người Nhật đều gọi Sāla là Sa la song thụ (沙羅双樹 – サラノキ), song ít nhiều vẫn có nhầm lẫn, còn tiếng Thái Lan gọi là “ดอกพะยอม”.

Kinh Đại bát Niết bàn miêu tả lúc Đức Phật nhập diệt như sau:

“Lúc đó, đúng giữa đêm, Đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng Sa la nhập tứ thiền yên lặng mà Niết bàn. Liền đó, bốn cặp cây Sa la: cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai. Những cây Sa la đó, tất cả lá biến thành sắc trắng như bạch hạc, nhánh lá, hoa trái và thân cây thảy đều rụng rớt nứt nẻ, lần lần khô héo gãy rớt. Đồng thời, vô lượng thế giới ở mười phương đều chấn động, vang ra tiếng rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế giới trống rỗng”. Lại vang ra tiếng buồn than diễn nói nghĩa vô thường, khổ, không”.

Sa la là loài cây đã phủ hoa xuống trắng rừng để cúng dường kim thân Đức Phật lần cuối cùng, kính tiếc giã biệt một bậc Thầy của trời và người. Những cánh hoa trắng bay khắp rừng như cùng diễn nói nghĩa của các pháp vô thường, khổ, không.

Hoa sa la.

Hoa sa la.

Không còn thấy: “Vào mỗi buổi sáng sớm, Người mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành khất thực. Khi trở về, thọ trai xong, Người tự tay xếp dọn y bát, rửa chân và ngồi lên chiếc bồ đoàn, hai chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước…”.

Nhưng hình ảnh Đức Như Lai cầm bình bát với đôi chân trần bước đi trong nắng mai ấm áp, gương mặt an lạc rạng ngời, trên đầu là bóng mây lành che phủ, chung quanh là cỏ cây hoa lá, thú rừng và những tiếng chim hót líu lo, cùng tỏa ra những năng lượng an lành, ấm áp yêu thương, diễn nói sinh động bốn đức lớn Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tất cả những hình ảnh giản dị, thanh khiết đó đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ Phật tử.

Cận cảnh hoa sa la.

Cận cảnh hoa sa la.

Để vào năm 250 trước Tây lịch, vị hoàng đế nhân từ Asoka, người đã dựng lên khắp mọi nơi trên đất nước Ấn Độ hai loại nhà thương cho người và cho súc vật, khi đến đảnh lễ cúng dường nơi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, đã không kìm được nước mắt từ sâu thẳm lòng mình, khóc ngất đi trong tiếng rì rào của gió rừng Sa la và sự trầm mặc của những ngôi tháp cổ.

Đức Phật đã chọn rừng cây Sa la để nhập diệt, bởi đó cũng là nơi mà bảy lần trong tiền kiếp Người đã nhập diệt. Và trong vô tận của chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh, vẫn còn đó sắc trắng của những đoá Sa la tán xuống…, Người cũng như hoa vẫn thường tại thế!

Thích Thanh Thắng