Ba loại bệnh của người tu
Bệnh đau là chuyện tất yếu của con người. Trừ những người có phước đức về sức khỏe sâu dày, còn lại hầu hết đều trải qua bệnh tật. Đau bệnh của con người có hai phần thân và tâm, có khi bao gồm cả hai nên gọi là thân đau tâm khổ. Khi tuổi đời tăng thêm thì đau bệnh sẽ nhiều lên theo quy luật sinh già bệnh chết.
Theo y học cổ đại xứ Ấn, những bệnh lớn về thân thường thuộc về ba nhóm phong, đàm, lãnh và bấy giờ thường dùng tô, mật và dầu để chữa trị. Bệnh lớn về tâm thì có tham dục, sân hận và si mê. Y học hiện đại có nhiều phương thuốc đặc hiệu để chữa trị các bệnh về phong, đàm, lãnh. Còn đối với tâm bệnh tham, sân, si thì từ xưa cho đến nay chỉ có một phương, đó là quán bất tịnh để trị bệnh tham dục, quán từ bi để đối trị sân hận, quán trí tuệ nhân duyên để đối trị si mê.
“Một thời Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có ba bệnh lớn. Những gì là ba? Phong là bệnh lớn; đàm là bệnh lớn; lãnh là bệnh lớn. Các Tỳ-kheo, đó gọi là ba bệnh lớn. Lại có ba thứ thuốc hay. Những gì là ba? Nếu bệnh phong, tô là thuốc hay, và tô dùng làm thức ăn. Nếu bệnh đờm, mật làm thuốc hay, và mật dùng làm thức ăn. Nếu bệnh lãnh, dầu là thuốc hay, và dầu dùng làm thức ăn. Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh lớn này, có ba thứ thuốc này.
– Cũng vậy, Tỳ-kheo cũng có ba loại bệnh lớn. Những gì là ba? Đó là tham dục, sân nhuế, ngu si. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba loại bệnh lớn này. Song, ba loại bệnh lớn này, lại có ba thứ thuốc hay. Những gì là ba? Nếu lúc tham dục khởi, thường trị bằng bất tịnh, và tư duy bất tịnh đạo. Nếu bệnh lớn là sân nhuế, thường trị bằng từ tâm, và tư duy từ tâm đạo. Nếu bệnh lớn là ngu si, thường trị bằng trí huệ, và duyên khởi đạo. Này Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh lớn này, có ba thứ thuốc này. Cho nên Tỳ-kheo phải cầu phương tiện tìm ba loại thuốc này.
– Này các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tam bảo, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.370)
Tham lam, sân hận, si mê là gốc của mọi loại tâm bệnh nên còn gọi là căn bản phiền não. Làm người thì ai cũng có đầy đủ ba món tâm bệnh này. Tùy theo nghiệp duyên quá khứ mà mỗi người có tâm bệnh nặng nhẹ khác nhau. Đối với người tu cần đặc biệt quan tâm chữa trị ba nhóm bệnh này. Đức Phật đã cho thuốc, thuốc ấy cũng không khó tìm, quan trọng là chúng ta có uống thuốc đúng liệu trình hay không mà thôi.
Theo lời dạy của Thế Tôn, để trị tâm bệnh cần quán chiếu về bất tịnh để bớt tham và dần đến ly tham. Thực tập thiền quán rải tâm từ, mở rộng tấm lòng, nuôi lớn yêu thương sẽ làm cho sân hận được tưới mát, dần đến dập tắt. Phát huy tuệ giác về duyên khởi (duyên sinh) để thoát ly chấp ngã và các hình thức tà kiến, si mê.
Nếu ai hiện đời chữa lành ba món tâm bệnh, nhổ sạch gốc rễ tham sân si thì thành tựu giải thoát. Người nào làm cho tâm bệnh được giảm thiểu thì có phần an ổn, tái sinh vào đời sau sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn người nào không chuyển hóa được tham sân si, thậm chí làm cho sâu dày hơn thì hiện đời chịu nhiều khổ đau, đời sau càng thêm đau khổ.