[ẢNH] Phật tử TP.HCM hân hoan làm lồng đèn cúng dường Phật đản
Bé Szabela Tâm Thiện Antoni (10 tuổi) chăm chú học cách làm lồng đèn trong mùa Phật đản
Là một trong 6 phẩm vật dâng cúng Đức Phật (hoa, hương, đèn, dầu, quả và âm nhạc), lồng đèn từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày Phật đản. Tại TP.HCM, những ngày này, Phật tử các chùa hân hoan làm những chiếc lồng đèn sắc màu…
Lồng đèn là hình ảnh biểu trưng cho trí tuệ của Phật giáo
Hiện nay, lồng đèn có rất nhiều loại với kiểu dáng, màu sắc khác nhau, từ hiện đại cho đến truyền thống, từ làm công nghiệp cho đến thủ công. Tuy nhiên, tất cả chúng đều có chung mục đích là truyền tải thông điệp biểu trưng cho trí tuệ của Phật giáo, cũng như góp phần tạo nên không khí hân hoan, sắc màu dâng lên cúng dường Phật đản.
Cùng ngắm chùm ảnh không khí làm lồng đèn của Tăng Ni, Phật tử TP.HCM nhân mùa Phật đản sắp về:
Là một trong 6 phẩm vật dâng cúng Đức Phật, lồng đèn từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày Phật đản
Hiện nay, lồng đèn có rất nhiều loại với kiểu dáng, màu sắc khác nhau, từ hiện đại cho đến truyền thống, từ làm công nghiệp cho đến thủ công
Các loại lồng đèn được các chùa hiện nay sử dụng hầu hết là loại lồng đèn có mẫu mã từ nước ngoài với nhiều kiểu thiết kế bắt mắt
Mẫu lồng đèn hình bông sen lớn có xuất xứ từ Nhật Bản đang được các Phật tử chùa Định Thành (Q.10) lắp ghép
Mẫu lồng đèn này được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ cũng như thuận tiện trong việc lắp ráp
Các công đoạn thực hiện không quá cầu kỳ, chỉ cần dùng hồ nhão hoặc keo dán để gắn các cánh lại với nhau
Các công đoạn đều bằng tay, không tốn sức lực nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và thẩm mỹ cao của người làm
Làm lồng đèn cũng là cơ hội để mọi người thực hành sự định tâm, chú tâm trong công việc
Từ đó giúp tâm hồn an tĩnh và có được những phút giây thanh nhàn mỗi khi đến chùa
Nụ cười của một nữ Phật tử đang làm lồng đèn tại chùa Định Thành
Rất nhiều em bé theo cha mẹ đến chùa để làm lồng đèn chuẩn bị cho ngày Đức Phật đản sinh
Đây cũng là một phương thức giúp các em tiếp cận với Phật giáo, có ấn tượng tốt đẹp ban đầu về hình ảnh Đức Phật và thấu hiểu được giá trị của tinh thần cống hiến, sẻ chia
Loại lồng đèn lắp ghép chắc chắn hơn cũng được các chùa hiện nay ưa chuộng là loại lồng đèn có chất liệu bằng nhựa
Chúng chịu được tác động của ngoại lực lớn, nắng mưa thất thường của Sài Gòn nên được sử dụng để treo trong sân hay bên ngoài cổng chùa
Bên cạnh các loại lồng đèn công nghiệp thì loại lồng đèn làm bằng thủ công truyền thống cũng rất được ưa chuộng
Rất dễ bắt gặp loại lồng đèn ú truyền thống trong các ngôi chùa có “gốc Huế” ở Sài Gòn. Trong ảnh là Thượng tọa Thích Tâm Chơn, tri sự thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận) bên 600 cái lồng đèn ú để trang trí trong mùa Phật đản Phật lịch 2567
Thượng tọa Thích Tâm Chơn đang giới thiệu công năng và các công đoạn để làm chiếc lồng đèn đậm chất xứ Huế này
Lồng đèn ú khung sắt dán vải có 8 mặt, 4 tua, một mặt chừa trống để nối bóng đèn điện vào
Loại lồng đèn này thường có 5 màu (xanh dương, vàng, đỏ, trắng, cam), khi kết lại với nhau thì giống như cờ Phật giáo
Để làm được loại lồng đèn này cần trải qua các công đoạn như: tạo khung, dán vải, gắn tua, nối đèn dây điện…
Tuy vậy, thời gian sử dụng của loại lồng đèn khung sắt bằng vải này rất bền, có thể sử dụng tối đa 5 năm mà không bị hư
Đèn lồng mang ý nghĩa tượng trưng cho trí tuệ, xóa tan bóng tối khổ đau vô minh. Khi đèn thắp lên, ánh sáng xua tan bóng tối, cũng giống như giáo lý Đức Phật xua tan mọi khổ đau của chúng sinh
Không chỉ để trang trí, mỗi ngọn đèn cũng mang bao tâm nguyện của người dân dâng lên cúng dường Đức Phật
Anh Tâm (37 tuổi) cho biết bản thân đang bước đầu tìm hiểu giáo lý Phật giáo. Mùa Phật đản năm nay, anh tranh thủ thời gian rãnh của bản thân để đến chùa, giúp quý Thầy thiền viện Vạn Hạnh trang trí cũng như học hỏi thêm môi trường tu học nơi đây
Tất cả đều cùng chung tay, chung lòng hướng đến một mùa Phật đản tràn ngập niềm vui và tình thương |