An lạc nhờ thiền định

Để lĩnh hội trọn vẹn “cảm giác an lạc” sinh khởi nhờ thiền định, đòi hỏi các thiền sinh phải có một nền tảng định vững chắc. Thực tập thiền có thể được thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau.

Ở giai đoạn sơ cơ, thiền sinh cần tập trung toàn bộ tâm ý, tốt nhất là nên chọn một nơi thật yên tĩnh, vắng lặng và thoải mái, không bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn. Nếu có thể, hãy ngồi với tư thế kiết già toàn thân, nhưng nếu không thể xếp chồng hai chân lên nhau thì ít nhất cũng phải dựng thẳng sống lưng, đặt hai tay giáp với nhau, ở tư thế ấn thiền giống như tư thế của phần lớn các bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đối với các thiền sinh mới thực tập thiền, nếu không xác định mục tiêu rõ ràng thì tâm khó có thể tập trung được. Do đó, tốt nhất vẫn nên chọn một đối tượng nhất định, chẳng hạn như một tượng Phật, một đoá hoa, hoặc một đồ vật nào đó, đặt ngay trước mặt mình, ở độ cao ngang bằng với tầm mắt (cách tầm hai thước). Hơn nữa, cần cố định đồ vật ấy sao cho vững chắc, bằng không khi nó dao động lắc lư sẽ dẫn dắt các ý niệm của ta trỗi dậy. Lúc này, cần lưu ý ba điểm quan trọng: hơi thở, đôi mắt và tâm trí, hãy tiến hành kiểm soát sao cho ba điều này cùng tập trung vào đối tượng vừa đặt ra. Đừng suy nghĩ hay phân tích về chất lượng, hình dáng hay màu sắc của đồ vật đó. Chỉ cần tập trung tinh thần của mình, cố gắng dồn mọi sự chú ý tập hợp vào mục tiêu, sao cho duy trì càng lâu càng tốt.

Tất nhiên, theo lẽ thường, tạp niệm sẽ sinh khởi khi có một hiện tượng nào đó đột nhiên xảy đến, chẳng hạn như vang lên tiếng động, tia sáng rọi vào, hoặc bất kỳ một điều gì đó phát sinh. Lúc này, hiển nhiên thiền sinh sẽ chẳng thể nào tiếp tục chuyên chú được như lúc trước nữa. Thời khắc này, thay vì cứ suy nghĩ hoặc dõi theo luồng ánh sáng hay thanh âm ấy, hãy lập tức tỉnh thức, dồn sự chú tâm trở lại với đối tượng như ban đầu và cố gắng an trú tại đó.

 

Hãy chuyên cần thực tập thiền định để cùng nhau trải nghiệm hơi thở tỉnh thức như hơi thở của Phật, cùng tận hưởng niềm pháp hỷ an lạc đến từ sự tĩnh tại.

Hãy chuyên cần thực tập thiền định để cùng nhau trải nghiệm hơi thở tỉnh thức như hơi thở của Phật, cùng tận hưởng niềm pháp hỷ an lạc đến từ sự tĩnh tại.

Năm lỗi nên tránh

Khi thực tập thiền, các thiền sinh cần lưu tâm, tránh vấp phải năm lỗi như sau:

(1) Lười biếng: nói đơn giản là không nỗ lực chú tâm vào đối tượng, hoặc dù cũng chú ý nhưng chưa thật sự dốc hết toàn tâm toàn ý.

(2) Khả năng tập trung kém: không nhớ rõ phương pháp và những hướng dẫn về thực tập thiền.

(3) Hôn trầm và trạo cử: hôn trầm tức tinh thần trì trệ, đờ đẫn, giống như đang chìm xuống nước hoặc rơi vào trạng thái say ngủ. Trạo cử tức là trạng thái ngược lại, không an trú trên đối tượng thiền định, tâm tán loạn, không ngừng rong ruổi theo các duyên bên ngoài.

(4) Không đối trị: khi hành giả ý thức được tinh thần đang rơi vào trạng thái hôn trầm hoặc trạo cử, nhưng vẫn không tìm cách đối trị nó.

(5) Đối trị quá mức: nếu đối trị quá mức thì chẳng những đã không giúp ích được gì, ngược lại còn hình thành sự phiền nhiễu cho tâm. Do vậy, cần áp dụng lối giải quyết trung đạo.

Tám phương pháp đối trị năm lỗi tu thiền

Để khắc phục năm lỗi thường gặp như trên vừa liệt kê, ở đây hướng dẫn về tám phương pháp đối trị. Trong đó, bốn phương pháp đầu dùng để đối trị “lười biếng”, còn những phương pháp khác lần lượt đối trị với “khả năng tập trung kém”, “hôn trầm và trạo cử”, “không đối trị” và “đối trị quá mức”. Trình bày rõ ràng theo thứ tự như sau:

Pháp đối trị thứ nhất là sự thích thú. Khi chúng ta nảy sinh hứng thú với bất kỳ việc gì, chắc chắn sẽ dốc hết sức để thực hiện điều đó. Vậy nên, bằng mọi cách, hãy phát khởi hứng thú với việc thực tập thiền định.

Pháp đối trị thứ hai chính là tinh tấn, nỗ lực cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần. Khi chúng ta đã có sự đam mê và thích thú, tự khắc sẽ dốc hết toàn tâm toàn ý để thực hiện.

Pháp đối trị thứ ba là lòng tin. Cần tin tưởng sâu sắc rằng, cứ kiên trì thực tập thiền như thế, nhất định chúng ta sẽ đạt được thành tựu tương đối hoặc rốt ráo. Nhờ sinh khởi lòng tin kiên cố, hiệu quả tu trì sẽ càng tăng trưởng và lớn mạnh.

Pháp đối trị thứ tư chính là sự an lạc về thể chất và tinh thần có được từ việc trải qua quá trình thực tập thiền định một cách chuyên chú, dần khiến cả thân lẫn tâm đều cảm nhận được một luồng năng lượng tuyệt diệu, chính điều này sẽ trở thành một sức cuốn hút mạnh mẽ đối với thiền sinh. Ví như một doanh nhân, khi họ nhìn thấy có lợi ích để mưu cầu, lẽ dĩ nhiên sẽ dốc toàn bộ công sức để theo đuổi. Còn nếu chẳng thấy gặt hái được lợi lộc gì, đương nhiên họ sẽ mất hết hứng thú, không còn muốn phí hoài công sức nữa. Cũng tương tự như vậy, khi thực tập thiền định, thiền sinh nhận thấy rằng, việc tu thiền không những đạt được nhiều lợi ích rốt ráo về sau, mà trước mắt cũng sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp. Chẳng hạn như, tâm hồn thư thái, an lạc tự tại, không còn bận lòng thế sự rối ren; thân thể dễ chịu, thoải mái, giảm nhẹ áp lực cuộc sống; tươi mát thấm nhuần toàn bộ thân tâm,… Đây đều là những công hiệu tuyệt vời khi thực tập thiền định.

Thân và tâm vốn liên quan mật thiết với nhau, nên cũng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Sự tỉnh giác của tâm sẽ mang lại cảm giác thư thái cho thân. Hiển nhiên, giữa hai điều này, tính quan trọng của tâm vẫn vượt trội hơn thân rất nhiều. Nếu tâm trí mạnh mẽ, chúng ta sẽ cảm thấy bình ổn ngay cả khi thể chất không được khỏe mạnh; còn khi nội tâm không được ổn định, thì cho dù thân thể cường kháng, chúng ta vẫn cứ có cảm giác khó chịu và mệt mỏi.

Trong bốn phương pháp vừa trình bày, phương pháp đối trị thứ hai: tinh tấn là rất quan trọng. Các thiền sinh cần phải tinh tấn mỗi thời mỗi khắc để tâm ý được chuyên chú một cách trọn vẹn. Nếu như gặp khó khăn, thiền sinh hãy hồi tưởng lại những sai lầm, tội lỗi mình đã lỡ gây tạo trong các kiếp luân hồi, hoặc xem các sách viết về bốn lối tư duy  và nghiên cứu về giáo pháp để chuyển hóa tâm thức [**]. Bằng cách này, thiền sinh cần dẹp trừ mọi vướng bận về tình cảm và rối loạn về cảm xúc, sau đó, hãy nỗ lực cố gắng chuyên tâm nhất ý nhiếp vào thiền định.

Pháp đối trị thứ năm, chính là trí nhớ và tỉnh thức, dùng hai phương pháp này để đối trị với lỗi khả năng tập trung kém hoặc mất tập trung. Lúc chúng ta nghe các vị thầy truyền dạy về cách thực tập thiền định, nên suy xét thận trọng và sinh tâm cung kính đối với những pháp được học, đồng thời khắc ghi sâu sắc trong lòng, để bất kỳ thời điểm nào cũng có thể vận dụng tu tập và hành trì.

Pháp đối trị thứ sáu, chính là quan sát cẩn thận những ý niệm khởi lên bên trong mình. Phương pháp này dùng để đối trị lỗi hôn trầm và trạo cử, tránh cho ý niệm rong ruổi khắp nơi, điểm này cực kỳ quan trọng. Như trước đã trình bày, hôn trầm giống như chìm vào trạng thái mê man, tinh thần vô cùng chậm chạp và mông muội. Còn trạo cử lại khiến các tạp niệm bay nhảy liên tục không dứt. Ý niệm này tiếp nối ý niệm khác, liên tục, không sát na nào ngừng nghỉ. Thiền sinh cần đề phòng và cảnh giác hai khuynh hướng này mọi lúc, bên cạnh đó, cũng phải kịp thời quan sát cẩn thận cái tâm của mình, đừng để nó có cơ hội chạy mất.

Pháp đối trị thứ bảy chính là tiến hành đối trị, phương pháp này dùng để khắc phục và bài trừ lỗi “không đối trị”. Một khi chúng ta phát giác các ý niệm trong tâm đang lang thang, rong ruổi thì cần lập tức cố gắng đối trị nó, lôi kéo tâm quay trở về với trạng thái ban đầu.

Pháp đối trị thứ tám chính là bình tĩnh. Phương pháp này dùng để đối trị với lỗi “đối trị quá mức”. Vì khi chúng ta đối trị một cách quá chặt chẽ và nghiêm khắc, sẽ khiến cho tinh thần căng thẳng tột độ, dẫn đến tâm trở nên nóng vội, bất an. Lúc này, trái lại còn khiến cho tâm bị phiền nhiễu liên tục, thiền sinh nên thả lỏng, điềm nhiên tự tại, đừng kéo tâm quá căng. Luôn nhớ duy trì tâm theo lối trung đạo vừa phải, không quá căng thẳng, cũng không buông thả quá mức khi tọa thiền.

Trên đây là tám phương pháp đối trị, thích hợp để khắc phục và dẹp trừ năm lỗi thường gặp trong quá trình thực tập thiền định.

Cốt lõi để tập trung ý khi thiền định

Điều cốt lõi đầu tiên, trước nhất là cần ổn định tư thế của thân và đối tượng mà tâm cần chuyên chú. Thân cần tĩnh tại bất động, cố gắng sao cho mắt không thường xuyên chớp nháy, cũng không nên mở quá to, trạng thái thích hợp nhất là khép hờ (nửa nhắm nửa mở). Điều hoà và duy trì sao cho hơi thở vừa tự nhiên lại vừa ung dung, chậm rãi. Đối tượng thiền quán cần xác định rõ ràng và vững chắc. Hãy tiến hành thực tập thiền với đầy đủ những phương thức cơ bản này, kết hợp cả tâm trí, tầm mắt và hơi thở ra – vào một cách chuyên chú, vững chãi vào mục tiêu.

Điều cốt lõi thứ hai chính là áp dụng sách lược “giãn cách”, mỗi lần tọa thiền thời gian tuy ngắn nhưng số lần thực tập lại nhiều hơn. Đối với người sơ cơ, phương pháp thực tập thiền một cách chuyên tâm nhất ý này rất khó để duy trì ở trạng thái tốt nhất trong suốt khoảng thời gian dài. Vì nếu ngồi quá lâu, rất dễ gây cảm giác mệt nhọc và khó chịu cho cả thân lẫn tâm. Từ đó, nảy sinh tâm ý loại trừ hoặc xa lánh phương pháp tu tập này. Do vậy, vào giai đoạn đầu, hữu hiệu nhất chính là “phương thức giãn cách”, số lần thực tập thiền tuy nhiều, nhưng thời gian mỗi lần ngồi lại rút ngắn vừa phải. Đợi đến khi nào tâm ý đã được điều phục, hoàn toàn quen với việc này, lúc đó hãy lần lượt tăng thời gian hành thiền dài hơn.

Điều cốt lõi thứ ba chính là, trong quá trình chúng ta tiến hành tu tập và hành trì, nếu có điều gì trở ngại phát sinh, một khi tâm bị phiền nhiễu ảnh hưởng, hãy lập tức nhiếp tâm trở lại, bắt đầu chuyên chú vào đối tượng thiền quán.

Điều cốt lõi thứ tư chính là: thiền sinh hãy liên tục tự nhủ rằng: phải nhớ kỹ, và luôn luôn nhiếp tâm chuyên chú vào đề mục của thiền định.

Điều cốt lõi thứ năm, bất cứ khi nào cũng ghi nhớ tường tận về công đức mà thiền định mang lại, để khích lệ ý chí và nhuệ khí tu tập của mình. Chẳng hạn, khi hôn trầm và trạo cử khởi lên, thiền sinh tức khắc hồi tưởng đến công đức của thiền định, ngay sát na ấy, bài trừ hôn trầm và xua tan trạo cử, sau đó điều hòa tinh thần, tập trung vào đề mục thiền định như ban đầu.

Điều cốt lõi thứ sáu chính là không ngừng kiểm soát tâm ý, kéo tâm trở về với đề mục thiền định. Khi thiền sinh bị ngoại duyên gây phiền nhiễu, khiến sự chú ý và sức tập trung xảy ra chướng ngại, dẫn đến tâm trí bị lơ đễnh hoặc dời sang một đối tượng khác. Lúc này, hãy nhanh chóng kéo tâm lại gần với đề mục, xua tan mọi sự phân tán một cách triệt để.

Điều cốt lõi thứ bảy, khi thiền sinh đang trải nghiệm quá trình thực tập thiền, bỗng nhiên khơi dậy những cảm xúc tiêu cực như tức giận, đố kỵ. Vậy đừng phó mặc để tâm tuỳ ý bị các cảm xúc ấy xoay chuyển. Bằng không, càng nghĩ càng khởi lên nhiều, càng đi càng rời xa, cảm xúc sẽ càng tồi tệ hơn. Thiền sinh cần kịp thời và lập tức chặt đứt dòng suy nghĩ ấy, đặt tâm trở về đề mục như ban đầu.

Điều cốt lõi thứ tám chính là, mặc dù cũng đã ứng dụng tất cả các pháp đối trị như trên nhưng cũng chẳng ăn thua gì, thiền sinh vẫn không tập trung tinh thần hoàn toàn vào đề mục, dẫu rằng đã gắng hết sức để thực tập mà tâm trí vẫn bị lôi kéo và vướng bận vào những điều khác. Lúc này, thay vì lởn vởn lượn vòng cùng với những ý niệm trong tâm, chi bằng theo dõi chúng từ đâu mà đến? Bản chất của nó rốt cuộc là gì?… Sau đó, mới dẫn dắt tâm về lại với đề mục đang quán chiếu, đồng thời loại trừ tất cả mọi tạp niệm.

Điều cốt lõi thứ chín chính là, khi thực tập những phương pháp thiền như đã hướng dẫn ở trên, giai đoạn đầu không nên ngồi quá lâu, và số lần cần được gia tăng dần. Dần về sau mới từ từ kéo dài thời gian ngồi thiền lên. Dẫu rằng, tu thiền cũng không phải là điều dễ dàng gì, nhưng sau khi trải qua lâu ngày dài tháng, thân tâm đã quen thích ứng, thiền sinh sẽ không còn hao tốn sức lực để điều chỉnh nữa, mà nhẹ nhàng tự nhiên đi vào trạng thái chuẩn xác, ổn định của thiền.

Trên đây tổng cộng có chín điều cốt lõi làm quy tắc chuẩn mực trong quá trình tập trung tâm ý trong tu thiền. Nếu nương vào các phương pháp này để thực hành, nội tâm thiền sinh sẽ xuất hiện những nhận biết và cảm giác như sau:

Kinh nghiệm về cảm giác trong tu thiền

Trải nghiệm đầu tiên trong tu thiền chính là cảm thụ về “nhận biết về tâm thức”, được ví như hiện tượng “thác nước”. Khi thiền sinh tập trung tâm ý trong lúc thiền định, sẽ nhìn thấy vô số những tạp niệm, tựa như nước tuôn chảy từ thác, từng giọt từng giọt tiếp nối không một kẽ hở, liên tục, không gián đoạn, cũng không ngừng nghỉ. Thoạt đầu, khi chúng ta phát giác ra cảnh tượng này có thể sẽ bị một cú sốc tâm lý nhẹ. Bởi lẽ, chúng ta đã toạ thiền trong nhiều giờ, mà sao vẫn khởi lên nhiều vọng niệm đến thế, hơn nữa còn không ngừng gây phiền nhiễu đến sự tu tập của chúng ta.

Dù vậy, thiền sinh cần hiểu tường tận rằng, dẫu là ngày thường, tâm chúng ta vẫn luôn trỗi dậy vô số những tạp niệm, chỉ là chúng ta thường lơ là và xem nhẹ chúng, chưa từng ngồi lại để chú ý đến sự hiện diện của chúng. Một khi chúng ta tĩnh tâm thiền toạ, theo dõi tâm niệm trong mình để tu tập hành trì, khi ấy chúng ta mới ghi nhận được sự hiện diện của nó một cách rất tự nhiên. Do đó, đây chính là sự tiến bộ vượt bậc, đừng nên dễ dàng nhụt chí mà cam chịu khuất phục. Hiện tượng này gọi là thể nghiệm của “nhận thức ý niệm”. Bởi nguyên do hàng ngày, chúng ta thường lơ là và xem nhẹ chúng, đến khi tĩnh tâm ngồi lại mới chú ý vào sự hiện diện của chúng, đây là trải nghiệm đầu tiên trong tu thiền.

Tiếp đến, trải nghiệm thứ hai trong tu thiền là cảm thụ về “vọng niệm mệt nhọc”, được ví như hiện tượng “suối nhỏ khe núi”. Nghĩa là trải nghiệm về các ý niệm tạm thời dừng nghỉ hoặc ngắt quãng giữa chừng. Mặc dù lúc này cũng có các ý nghĩ trỗi dậy, nhưng cũng có khi chúng bị pha tạp, bỏ dở giữa chừng. Các ý nghĩ dường như đang rơi vào trạng thái mệt nhọc, hơn nữa, ở khoảng trung gian giữa ý niệm đầu và ý niệm sau, luôn tồn tại sự giãn cách và các khe hở. Đây chính là trải nghiệm thứ hai.

Trải nghiệm thứ ba trong tu thiền là sau khi trải qua quá trình thực tập thiền định lâu dài, sẽ sinh ra cảm thụ “vọng niệm dừng nghỉ”, được ví như hiện tượng “ao nhỏ khe núi”. Thời điểm này, chỉ khi nào phát sinh một tình huống nào đó tác động từ bên ngoài, các ý niệm mới sinh khởi trở lại. Hoặc nếu không bị va chạm với bất kỳ một nhân tố bên ngoài nào, thì mọi ý niệm sẽ vắng lặng, không còn trỗi dậy nữa. Đây là trải nghiệm thứ ba.

Trải nghiệm thứ tư trong tu thiền chính là: trong mặt hồ tâm vắng lặng, cảm thụ về “vọng niệm đan xen” được ví như hiện tượng “sóng vỗ đại dương”. Nội tâm của chúng ta sau khi trải qua thời gian thiền định lâu dài sẽ ổn định như đại dương. Song, cũng giống như đại dương, thi thoảng sẽ sinh ra những làn sóng nhấp nhô, tuy nhiên, tần suất xảy ra không nhiều. Khi tinh thần và nội tâm của thiền sinh đã trở về với trạng thái tĩnh lặng, đồng thời nhận biết rành rành và có khả năng làm chủ, duy trì sự chuyên chú ấy, dẫu đôi lúc vẫn khởi lên một vài tạp niệm nhấp nhô nhưng cực kỳ ít ỏi. Đây là trải nghiệm thứ tư.

Trải nghiệm thứ năm trong tu thiền là cảm thụ “điềm tĩnh không còn bị phiền nhiễu”, được ví như hiện tượng “đại dương êm ả”. Sau khi thiền sinh đã chuyên chú trọn vẹn vào thiền định trong một khoảng thời gian nhất định, tâm cũng hoàn toàn tập trung vào đề mục, lúc này, tận sâu thẳm trong tâm thiền sinh tĩnh tại lạ thường, giống như đại dương êm ả, không chút gợn sóng. Dẫu có bất kỳ phiền nhiễu nào từ bên ngoài xâm chiếm, thì các ý niệm vẫn y nguyên, không dời đổi hay lay động, vẫn tịch tĩnh và trong lắng đến vô cùng, chỉ nhất tâm chuyên chú trọn vẹn vào đề mục thiền định. Nếu thiền sinh đã đạt đến cảnh giới này, vậy thì, cũng đã đến lúc nên điều chỉnh nhẹ về phương pháp tu trì. Chính là, thay vì chuyên chú vào đề mục bên ngoài, chi bằng hãy quay trở về nội tâm, quán sát và theo dõi sự tỉnh thức, thấu suốt nguồn tâm của chính mình. Bằng cách quán sát nội tại, thiền sinh sẽ sinh ra năng lực xua tan các vọng niệm, để thiền định “nhất vị” này tiếp tục được duy trì kiên định.

Những điều trình bày ở trên chính là phác họa đôi nét về sự tập trung tâm ý khi tu thiền. Tiếp đến, là những lời giáo huấn trước khi tiến hành quán sát nội tại. Sau khi chúng ta đã được rèn luyện về cách tập trung tâm ý, tâm của chúng ta sẽ được an trú vào trạng thái vững chãi, không có những tạp niệm. Khi nào trạng thái hoan hỷ và an lạc, điềm tĩnh hiện diện lâu dài trong nội tâm, chúng ta mới có thể bắt đầu bước vào hành trình tu tập quán chiếu nội tại sâu sắc hơn, vi diệu hơn. Vì đây là nền tảng cần thực tập thật nhuần nhuyễn, thuần thục và trở thành thói quen như lối sống thường ngày, chỉ có như thế chúng ta mới dần cải thiện trạng thái tâm trở nên vui vẻ, lạc quan, tĩnh tại; tâm trí nhờ đó cũng luôn sáng suốt và nhanh nhạy, đủ để làm chủ thân tâm và dễ dàng giải quyết những vấn đề nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.

Hy vọng hành giả đều ghi nhớ kỹ và thấu hiểu tận tường, phối hợp cùng với tư duy để áp dụng vào quá trình thực tập thiền định, đồng thời cũng nên ứng dụng chúng vào trong đời sống thường nhật. Chỉ khi làm được như thế, chúng ta mới có thể từng bước sinh khởi trí tuệ, sau đó nương vào quá trình tích lũy trí tuệ cùng hành trang công đức mà thẳng tiến đến bến bờ chứng ngộ rốt ráo trọn vẹn.

Hãy chuyên cần thực tập thiền định để cùng nhau trải nghiệm hơi thở tỉnh thức như hơi thở của Phật, cùng tận hưởng niềm pháp hỷ an lạc đến từ sự tĩnh tại. Kính chúc đại chúng luôn sống trong từ bi và trí tuệ, viên mãn tất cả mọi thiện nguyện, đạt được thành tựu trong hành trình học đạo và tu tập của mình. Ngưỡng nguyện Chư Tôn Đức Tăng Ni và quý vị Phật tử một mùa an cư vô lượng an lạc, vô lượng cát tường!

Chú thích:

* ĐĐ. Thích Quảng Lâm, Phó giám đốc điều hành – Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế.

** Sách “Chuyển tâm tứ tư duy” của tác giả Thrangu Rinpoche viết về bốn phương pháp tư duy hay còn gọi là hồi tưởng tâm để chuyển hóa tâm thức trong Phật giáo, bao gồm: thân người hiếm có khó được, mạng sống ngắn ngủi vô thường, lỗi lầm trong kiếp quá khứ, nhân quả nghiệp báo luân hồi. Khi quán chiếu theo bốn phương pháp tư duy này, chúng ta sẽ sinh khởi lòng tin kiên cố và mạnh mẽ đối với chính pháp mà Đức Phật đã dạy, đồng thời trợ duyên cho chúng ta trong quá trình tu tập.

ĐĐ. Thích Quảng Lâm