Ai cũng cần được yêu thương
Adele Tomlin, một học giả, tác giả, nhà sáng lập Dakini Translation and Publications, đồng thời là một hành giả Kim Cang thừa nổi tiếng, vừa qua đã chia sẻ về một số quan điểm của mình xoay quanh tình yêu thương, hạnh phúc và các mối quan hệ từ sự góc nhìn của Phật giáo.
Mọi người ai cũng muốn được yêu thương, có phải như vậy không? Theo quan điểm của Phật giáo, không có một chúng sinh nào không muốn được yêu thương theo một cách nào đó. Có lẽ chúng ta dùng từ “hạnh phúc” sẽ thích hợp hơn, nhưng tất cả chúng ta đều cần một sự thoải mái và hài lòng nào đó. Chúng ta có thể gặp rất nhiều những loại hạnh phúc như vậy, đặc biệt là trong các mối quan hệ giữa người và người, đến từ cảm giác được yêu thương, hoặc từ tình thương mà chúng ta dành cho người khác.
Dưới góc nhìn của Phật giáo, yêu thương là mong muốn cho người khác được hạnh phúc và hy vọng họ cũng có được tình yêu thương giống như vậy. Vì mục đích này mà bản thân tôi đã cố gắng trở thành một hành giả Phật giáo thực sự, đồng thời phát triển tình yêu thương đến với mọi người và mọi loài. Tôi thường tâm niệm rằng: “Mong người đó, những người đó, hoặc những chúng sinh đó sẽ có được hạnh phúc thực sự”. Điều bạn đang cầu chúc cho họ là sự giác ngộ, giải thoát khỏi luân hồi và lìa xa mọi khổ đau.
Adele Tomlin, một học giả, tác giả, nhà sáng lập Dakini Translation and Publications, đồng thời là một hành giả Kim Cang |
Tuy nhiên, tình yêu thương, nếu nhìn từ góc nhìn của Phật giáo, hoặc thậm chí là của một hành giả, thì đôi khi có vẻ như không giống với những gì mà người thế gian vẫn thường hay quan niệm. Một người Phật tử, trong những tình huống đặc biệt, có thể nói hay hành động trông như thể đang giận dữ hay nặng lời, nhưng những hành động đó có thể là yêu thương nếu với mục đích lợi ích và được dẫn dắt bởi từ bi và trí tuệ.
Thông thường, khi yêu thương một ai đó, chúng ta thường tự đặt mình làm trung tâm. Chúng ta nhìn tình yêu thương từ góc độ mà những gì chúng ta có thể nhận được từ người khác. Họ khiến tôi cảm thấy thế nào? Họ có làm cho tôi hạnh phúc hay không? Tất cả chúng ta đều có thói quen nhận thức này.
Đây là lý do tại sao chúng ta lại đau khổ trong các mối quan hệ, với cha mẹ, người thân, hay thậm chí là người thương của mình. Khi chúng ta ích kỷ và chỉ muốn ai đó làm cho chúng ta dễ chịu, rồi đến một ngày, họ không còn làm như vậy nữa, chúng ta cảm thấy họ không còn quan tâm và yêu thương chúng ta nữa. Yêu thương nghĩa là đem đến hạnh phúc cho đối phương chứ không phải mong chờ một sự đáp trả tử tế từ họ.
Đôi khi chúng ta không xem trọng những tố chất cần có để yêu thương người khác hay để trở thành một người có tình yêu thương thực sự. Chúng ta nghĩ đó là một động từ quá dễ dàng để thực hiện. Tuy nhiên, đó lại là một hành trình dài, bạn phải học cách ở đây vì hạnh phúc và ích lợi của người khác.
Nhưng mọi thứ có khi nào sẽ khác đi không? Bạn có nghĩ rằng mọi người sẽ thay đổi cách “yêu thương” vào những thời điểm lịch sử khác nhau không? Đây thực sự là một câu hỏi hay. Tôi nghĩ chúng ta có thể xem lại cuộc đời của Đức Phật từ 2.500 năm trước. Tại sao Ngài lại rời bỏ cả gia đình, vợ con, và tất cả sự giàu có của một bậc vương tử để xuất gia?
Như vậy, cho dù thời đại có thay đổi, mọi thứ có trở nên tốt hơn thì các vấn đề liên quan đến chấp thủ, khổ đau và tình yêu có điều kiện cũng vẫn tồn tại từ xa xưa cho đến ngày nay. Bởi vì chúng là những phiền trược căn bản của con người. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy sự thiếu hiểu biết và những cách yêu thương không đúng đắn của con người đã có từ vô thỉ.
Tuy nhiên, sau đó, Ngài cũng đã đề cập đến hình ảnh của người mẹ để ví dụ cho những giá trị thực sự cũng đã có từ xa xưa. Người mẹ đã dành tình yêu thương vô điều kiện cho những đứa con của mình. Là hình ảnh vô cùng gần gũi với tất cả mọi người, mẹ là người luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con của mình và che chở, bảo bọc cũng như quan tâm đến mọi mặt của con mình. Đó chính là tình yêu vô điều kiện mà chúng ta nhận được từ khi mới lọt lòng.
Quay lại chủ đề về hạnh phúc và tình yêu thương. Hai khía cạnh này khác nhau như thế nào? Tôi nghĩ chúng không hề tách biệt mà liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi có thể yêu thương được người khác, thì bạn sẽ rất hạnh phúc khi họ được hạnh phúc; khi họ gặp những điều tốt đẹp, khi họ tiến gần hơn đến sự giải thoát và giác ngộ,… bạn cũng sẽ cảm thấy vui mừng cho họ.
Loại hạnh phúc và trạng thái yêu thương đó, tự thân nó là một cách để kết nối với tự tánh của mỗi người. Hạnh phúc chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp của tình yêu thương, niềm vui và lòng trắc ẩn. Đó là tất cả những tinh thần của Phật tánh mà không có bất kỳ bản ngã phân biệt nhị nguyên nào.