Ai cũng cần được lắng nghe
Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất cơ họi thấu hiểu chân thật.
Người xưa hay nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, là để nhắc nhở chúng ta đừng chỉ nghe theo dư luận mà không chịu tìm hiểu kỹ càng, không đợi chứng kiến tận mắt. Nhưng người xưa cũng lại nhắc thêm rằng: “Thấy vậy chứ không phải vậy”, là vì có những cái chính mắt ta nhìn thấy rành rành mà vẫn sai nhu thường. Như khi bị người kia ném vào ta những cơn thịnh nộ và cả những lời hết sức cay độ, thông thường ta sẽ nghĩ ngay người này chắc đang rất căm ghét hay đang muốn tấn công mình. Nhưng coi chừng lầm. Có thể người kia đang gặp khó khăn hay có nỗi khổ quá lớn, nên khiến họ mất hết năng lượng và không còn kiểm soát được bản thân. Hoặc có thể do họ đang vướng vào một nhận thức sai lầm nào đó với ta. Hoặc cũng có thể do họ đang cố tình ra chiêu thức để trắc nghiệm phản ứng của ta. Hay chỉ đơn giản là do họ đang uất ức ai đó, nhưng lại chọn ta để giải tỏa cảm xúc theo kiểu “giận cá chém thớt”. Nếu ta nói rằng: “Tôi không cần biết nguyên do. Tôi chỉ biết là anh đã nói những lời như vậy là đã làm tổn thương tôi”, thì ta sẽ đóng bít cơ hội giải bày và cơ hội thể hiện trở lại con người chân thật của họ. Ta sẽ đánh mất họ.
Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao cómột người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng của họ cũng khiến ta với đi rất nhiều phiền muộn rồi.
Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình thì không chịu lắng nghe ai cả. Nhất là thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, ai ai cũng sốn trong hối hả vội vàng, nên làm việc gì đòi hỏi sự kiên nhẫn mà không mang lại hiệu quả kinh tế thì họ rất sợ. Mỗi khi a mở lời xin họ ngồi xuống để ta chia sẻ vài vấn đề khó khăn, nhất là có liên quan tới họ, thì họ viện đủ thứ lý do để từ chối hay xin hẹn vào dịp khác. Với một người lịch sự, họ cũng chấp nhận nghe, nhưng lại khống chế thời gian chia sẻ. Họ ngồi đó như một khúc gỗ vô hồn, mắt cứ xa xăm và không ngừng liếc ngang đồng hồ, thì làm sao ta có thể trút cạn nỗi lòng và dám xin họ cùng ta tháo gỡ khó khăn.
Trích sách “Hiểu về trái tim”
Minh Niệm