Bài học hiếu nghĩa giải nạn địa ngục giữa con cái với cha mẹ

Bài học về lòng hiếu thảo của đức Mục Kiền Liên cứu mẹ từ cõi địa ngục đã buông bỏ của cải để cúng dường chư tăng và các bậc giác ngộ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Sự hiếu thảo là kim chỉ nam cho các Phật tử đời sau cứu độ cha mẹ không những sau khi mất đi mà ngay cả từ cuộc sống cõi ta bà. Đức tính hiếu thảo bao gồm sự vị tha, nhẫn nhịn, từ tâm, yêu thương và bố thí.Hoan hỷ những khác biệt giữa cha mẹ và sai lầm họ gây ra không phải là ngu dại. Cha mẹ đã sửa cái ngu dại của ta từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Không ai làm điều đó vì ai cũng có sự ích kỷ và chăm lo cái tốt đẹp và bỏ mặc cái vô dụng. Chỉ có tình mẫu tử mới chấp nhận và cái không hoàn hảo từ ta. Dù chúng ta bệnh đau hay khiếm khuyết vẫn không bỏ ta. Dù mất cả sự nghiệp hay tài sản họ vẫn dành chăm lo sức khoẻ của con mình. Sự hy sinh lớn lao ấy đâu ai sánh bằng. Công đức nuôi dưỡng con cái thật to lớn và cực khổ, phiền não và bị giày vò nhưng vẫn không từ bỏ ta. Chúng ta cần mở rộng sự vị tha với mọi hoàn cảnh và sai lầm của cha mẹ như cách mà cha mẹ đã tha thứ cho chúng ta từ tấm bé đến trưởng thành. Sự hoà nhã và thấu hiểu hoàn cảnh của cha mẹ nâng cao trí tuệ cho bản thân và gắn kết tình thâm.

Đừng như con chim rời tổ khi trưởng thành mà hãy nhẫn nhịn với mọi khổ đau cha mẹ đang chịu đoạ đày. Có biết bao cảnh khổ vì con, chồng/vợ khi tuổi xế chiều mất đi sức khoẻ? Cha mẹ chúng ta chắc cũng có người không nơi ở, không bữa no, không thuốc than khi bệnh đau, và bị quá khứ gặm nhắm trong nỗi cô đơn. Cha mẹ chúng ta chắc ai đó phải dầm mưa dãi nắng phơi sương, chấp nhận công việc dơ bẩn để không phụ thuộc vào con cái. Cha mẹ chúng ta chắc đã từng sát sanh hại vật, nói lời vọng ngữ để chúng ta có cái ăn, cái mặc và được bảo vệ. Cha mẹ chúng ta chắc có người đã từng đi vào ác nghiệp để dưỡng nuôi ta mà bị bao người ruồng bỏ.

Cõi ta bà mang bao cám dỗ khiến con người lầm lỗi và nợ sanh nợ. Chúng ta hãy bình tĩnh trước sự giận dữ của cha mẹ. Chúng ta cứ giữ tâm thanh tịnh và không ngừng tìm đến cái thiện lành và hồi hướng công đức ấy đến với cha mẹ. Nhẫn nhịn nương nhờ vào nhau thay vì nghĩ riêng cho mình quá nhiều. Sự thành công trong ảo mộng của chúng ta chỉ là nghiệp nối nghiệp, chứ chưa giải nghiệp cho ai. Tự nhủ lòng đừng để cha mẹ đoạ vào địa ngục nơi trần thế rồi mới cầu siêu. Nếu chúng ta góp địa ngục vào cuộc sống dương gian của cha mẹ, thì địa ngục sau chết cũng khó mà hoá giải.

Cha mẹ chúng ta tội một, nhưng có thể chúng ta tội mười. Cha mẹ chúng ta đã không ngừng âm thầm tích bao công đức và tụng kinh, bố thí hồi hướng cho ta có cuộc sống bình yên hạnh phúc. Nhưng sự vô tâm, ích kỷ của chúng ta còn rất lớn. Bà Thanh Đề đã tự tay giã nếp dâng cúng chư tăng. Tâm bố thí của bà rất chân thật và khiến trụ trì hoà thượng cảm nhận được. Phật dụng tâm không dụng thực. Nghịch duyên để bà gặp hai vị chú tiểu chưa thấu đạo đã khiến bà lâm vào con đường sân hận. Nếu bà không có tâm sao tạo được người con đắt đạo. Bà Thanh Đề vì con đã bỏ hận sanh thương và thành tâm bố thí, đã bỏ tà kiến và ích kỷ để con đi tu. Đó là điều mà không phải người mẹ nào cũng làm được.

Chúng ta đã quá sung sướng để đổi lấy mồ hôi nước mắt từ cha mẹ. Chúng ta đã sống quá nhiều cho bản thân và đam mê của mình để quên đi sự hy sinh của cha mẹ. Lời xin lỗi không ý nghĩa cho những hơi thở cuối. Chỉ có sự thức tỉnh và chuyển tâm về phía cha mẹ mới cảm nhận được. Hãy tử tế với cha mẹ như với chính mình hay với người bạn tâm giao, hay với những bậc thánh nhân vì họ cho ta sự sống, sức khoẻ, trí tuệ và nhiều hơn những gì ta cho họ. Hãy vui với niềm vui và cuộc sống riêng của cha mẹ! Hãy an lạc khi cha mẹ ta có nhà để ở, có bữa no, sức khoẻ và được tận hưởng cuộc sống sau thời gian cống hiến cho đời. Hãy không ngừng làm điều thiện đức, nói lời ái ngữ, tránh khỏi con đường ác đạo để luỵ phiền cha mẹ! Cha mẹ dù là ai vẫn mong con mình là người chân chánh và thiện lành. Vậy làm con, chúng ta cũng mong cha mẹ thoát khỏi ác nghiệp từ cõi ta bà và quay về con đường chân chánh.

Những từ tâm và yêu thương, bố thí giữa cha mẹ với con cái là vô hạn, vậy hãy rãi tâm từ, yêu thương và bố thí vô hạn đối lại với cha mẹ. Khi chúng ta lâm vào con đường ác nghiệp, cha mẹ không ngừng khuyên can. Khi chúng ta rơi vào tay tử thần, cha mẹ đã tìm mọi phương cứu chữa để giành lấy sự sống cho chúng ta. Khi chúng ta nghèo đói và bị người khác hất hủi, cha mẹ vẫn giành phần no cho con cháu mình. Khi chúng ta sắp hoặc đoạ địa ngục, cha mẹ vẫn tìm người cầu siêu cho chúng ta. Nhưng trong tâm chúng ta còn quá nhiều vô minh và toan tín với sự rộng lượng và từ bi của mẹ cha khiến chúng ta tự gây khổ đau cho mình và người khác. Cúng dường cha mẹ như chư tăng, tử tế với cha mẹ như ở chùa hay với bạn tâm giao. Buông bỏ những cái tôi và ngã mạng đang vùng vẫy trong tâm tính. Trở về với tình yêu chân thật, bố thí chân chính, từ tâm chân thành đều xuất phát từ cách tu và hành đạo với mẹ cha.

*Bài dự thi được gửi từ Phật tử Thiện Quang, số nhà: 16, Long Hoà A, Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang.

Thiện Quang