Minh triết sống của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Chỉ có người triệt ngộ Chân tâm, thấu suốt Phật tính, tâm không còn bị ngoại cảnh tác động chi phối trói buộc, ở ngay trong cuộc đời bình thường với bao rắm rối mà vẫn đạt được an lạc, hạnh phúc, giải thoát tối thượng.
Có thể nói ngay rằng, từ khi bài phú “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông ra đời, cùng với sự hưng thịnh huy hoàng của Phật giáo Trúc Lâm, thì sức lan tỏa của quan điểm sống này ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội Đại Việt.
Đến nay, trải qua hơn 700 năm thăng trầm của lịch sử, sức sống mãnh liệt của quan điểm ‘Cư trần lạc đạo’ vẫn có sức tác động không nhỏ đến đời sống xã hội Việt Nam hiện đại.
Ôn cố nhi tri tân. Để thấy rõ giá trị chân thật bền vững của bốn câu kệ kết thúc bài phú Cư trần lạc đạo, từ nội dung tư tưởng cho đến hình thức nghệ thuật, tạo thành một quan điểm sống, minh triết sống của một bộ phận người Việt, nhất là bộ phận tri thức có khuynh hướng Phật giáo dân tộc, chúng ta thông qua văn bản tác phẩm:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Tạm dịch: Sống đời vui đạo hãy tùy duyên/Khi đói thì ăn, mệt ngủ liền/Vật báu trong nhà, thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Đọc câu đầu tiên, ‘Sống đời vui đạo, hãy tùy duyên’, ta có cảm nhận như là lời khuyên chân tình mộc mạc, sống ở trên đời nên dành thời gian học đạo thiền, tu tập theo lời dạy của Đức Phật, phải biết tùy theo nhân duyên, tùy theo thời thế, không nên cố chấp hơn thua. Hiện nay, bóng dáng của minh triết sống này có thể thấy được trong phương châm ‘sống tốt đời đẹp đạo’ mà ta thường nghe thấy.
Tinh thần tùy duyên, tùy tục, tùy thời này, được cụ thể hóa trong câu tiếp theo ‘Khi đói thì ăn, mệt ngủ liền’. Ăn, ngủ là những sinh hoạt thường tình, nhưng cũng là nhu cầu vô cùng thiết yếu của mọi người. Vấn đề ở đây, tác giả muốn nói, là sống phải biết tùy duyên nhưng đúng lúc, đúng việc. Ai mà không biết khi đói phải ăn, khi mệt phải ngủ nghỉ. Đạo lý ở đây, là ở trong vị trí nào, trong hoàn cảnh nào, trong môi trường nào, phải cư xử cho phù hợp, cho dung hòa, đúng việc, đúng thời mà tâm vẫn ung dung tự tại, không bị vướng mắc hay trói buộc.
‘Vật báu trong nhà, thôi tìm kiếm’ là câu cực kỳ quan trọng của người tu thiền, chỉ ra chỗ tinh yếu nhất của việc học đạo. Câu này Thiền sư Nhất Hạnh dịch: ‘Châu báu đầy nhà, đừng kiếm nữa’ (Trái tim của Trúc Lâm đại sĩ, trang 30, Nxb Phương Đông). Cái gì là của báu trong nhà có sẵn, không cần chạy ra bên ngoài, bôn ba đi tìm kiếm?
Phật giáo Đại thừa Thiền tông quan niệm rằng, tất cả mọi chúng sinh vốn có sẵn Phật tính thanh tịnh tròn đầy, sáng suốt. Do vô minh si mê che lấp Chân tâm sáng suốt, Phật tính thường hằng nên chúng ta mới theo nghiệp tạo ác, làm tổn hại chúng sinh, phải theo quả báo đó mà luân hồi trong sáu nẻo, chịu khổ vô cùng. Chỉ cần tịnh tâm tu tập thiền định, trừ bỏ tham sân si, loại sạch vọng tưởng điên đảo thì Phật tính hiển lộ, diệu dụng của tuệ giác chiếu soi vô cùng vô tận. Phật tính có sẵn trong mỗi chúng sinh chính là nguồn hy vọng vô biên, là cơ sở của tinh thần bình đẳng tuyệt đối, vì Phật tính của Phật và chúng sinh không khác.
Phật tính trong mỗi chúng sinh chính là hình tượng ‘vật báu có sẵn trong nhà’ mà tác giả muốn nhắc nhở, muốn gửi gắm cho chúng ta. Chỉ cần ‘phản quan tự kỷ’ nhận lại và sống với Chân tâm thanh tịnh, Phật tính sáng suốt của chính mình không cần chạy tìm cầu bên ngoài vô ích.
Phải chăng tinh thần tự tin ở chính mình, phát huy năng lực của chính mình, không ỷ lại, không nương dựa, không tìm cầu bất cứ thứ gì từ bên ngoài của người đứng đầu đất nước như Trần Nhân Tông đã thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường, góp phần viết nên những trang sử vàng chói lọi cho dân tộc Việt Nam thời Trần.
Khi đã ngộ được Chân tâm, đạt được Phật tính, thấu suốt chân lý như thật, biết rõ thực tính của các pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng thì tâm có thể đạt đến trạng thái ung dung thanh thoát, tự do tự tại, giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, vướng mắc, khổ đau, đâu cần hỏi thiền làm gì nữa.
‘Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền’. Trong trạng thái ‘tâm không’, tâm rỗng không thanh tịnh sáng suốt thì không bị ngoại cảnh tác động, hay chi phối được. Nhà thiền hay nói: ‘Tâm không tức Phật’ là thế.
Đến đây, chúng ta chiêm nghiệm lại câu thứ nhất: ‘Sống đời vui đạo, hãy tùy duyên’. Chúng ta thử hỏi chính mình, ai là người có thể sống ở trong đời sống phàm tục thế gian với bao lo toan rắm rối phiền khổ mà có thể ‘lạc đạo’ được?
Thật ra, khi dịch ‘lạc đạo’ là ‘vui đạo’ e rằng chưa trọn hết nghĩa. Chữ ‘lạc’ ở đây so với chữ ‘vui’ thì cao hơn một bậc. Lạc đạo là hạnh phúc trong tu hành, mà cảnh giới cao nhất của hạnh phúc trong tu hành là Niết-bàn, không còn bất kỳ cảm xúc vui buồn nào có thể tác động đến được.
Chỉ có người triệt ngộ Chân tâm, thấu suốt Phật tính, tâm không còn bị ngoại cảnh tác động chi phối trói buộc, ở ngay trong cuộc đời bình thường với bao rắm rối mà vẫn đạt được an lạc, hạnh phúc, giải thoát tối thượng. Có lẽ, thông điệp chính của Trần Nhân Tông muốn gửi gắm cho hậu thế qua Cư trần lạc đạo là ở đây, minh triết sống của Phật hoàng chính là đây.
Chúng ta có thể quan sát suy nghiệm về cuộc đời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, để xác định hướng đi cho cuộc đời mình.
TS.Thích Hạnh Tuệ