Chẳng nhẽ chỉ còn trong huyền thoại

Người ta lưu truyền rằng: Gỗ Ngọc Am chỉ dành cho các bậc đế vương sử dụng; hoặc câu chuyện có một viên quan đầu tỉnh từng bị khép tội khi quân và bị giáng chức chỉ vì “dám” tậu cho cha mẹ mình một bộ hậu sự bằng Ngọc am…

 

Thực tình tôi không phải như Nguyễn Kiên đi tìm cây giống Ngọc am để nhân thành bãi thành rừng. Tôi như bị thôi miên cái mùi thơm của Ngọc am từ lần gặp đầu tiên, khi được gối lên tấm gối vải êm mịn mà thơm nức nở hương gỗ quý. Đó là những chiếc gối đơn bên trong chứa dăm bột Ngọc am – thứ dăm mộc được vun vén khi chế tác đồ mỹ nghệ người ta tận dụng khỏi tiếc của giời. Gối Ngọc am bằng vải thơm và êm, lại còn có gối Ngọc am bằng gỗ nữa. Những súc gỗ lũa nhỏ vài ba ki lô gam được bào trơn, đánh bóng kỹ, cắt xén gọn gàng vừa tầm đầu những ông già quen gối đá nằm sương khiến họ thoải mái khi được giấc ngon trong làn hương thoảng nhẹ, trong nỗi an yên bởi quan niệm: đồ vật bằng Ngọc am khi đặt trong nhà sẽ có tác dụng rất tốt trong việc xua đuổi tà ma, xua đuổi xui xẻo và đón những điều may mắn, thịnh vượng vào nhà.

Cay phu reu phong trong rung Tay Con Linh

Khi còn là nhà báo công tác ở miền Trung – Tây Nguyên, tôi từng được chứng kiến dân chơi đồ gỗ miền cao nguyên nói chung, các tỉnh miền Trung và cả các vùng ở Nam bộ rất ưa chuộng các vật chế từ gỗ Thủy tùng. Gỗ Thủy tùng có vân đẹp, màu xanh đen hoặc màu vàng nhạt được tạc thành Đức Phật, thành những cặp độc bình hoặc nhiều đồ trang trí khác. Độ bóng và màu sắc của Thủy tùng thì khỏi bàn. Riêng mùi hương thì Thủy tùng chỉ kém Trầm hương thứ thiệt. Hương gỗ Thủy tùng cảm giác có vị chua, cũng là loài gỗ được coi trọng trong quan niệm tâm linh. Tôi đã từng ao ước mua được một bức Phật Di Lạc bằng loài gỗ này và quyết định giốc ví khi đứng trước quầy hàng gỗ của khách sạn Tre Xanh ở thành phố Pleiku. Bức tượng chỉ nặng khoảng chục ki lô gam, giá đến mười lăm “củ”. Vậy mà khi đến Hà Giang, mục kích lũa Ngọc am thì tôi quên đứt bức  tượng gỗ Thủy tùng mơ ước kia.

Gỗ để làm vật liệu chế tác đồ mỹ nghệ trong dân gian có nhiều loại, có thể kể đến những loại đắt đỏ hiếm hoi và được tôn vinh hàng đế vương của loài gỗ như: hoàng đàn, sưa đỏ, trầm hương, trắc các loại, mun, gõ đỏ, đinh hương, bách xanh, ngọc nghiến, pơ mu… Loài gỗ nào cũng có vẻ đẹp, độ vững bền, nhất là khi chúng đã được tôi luyện qua nắng lửa mưa nguồn, đạt đến độ lũa, độ nu hoặc hóa thạch. Có những loại đắt không mấy người có tiền mua nổi và có tiền cũng không tìm ra. Tuy nhiên nếu kết hợp giữa bền đẹp, quý hiếm với vấn đề tâm linh và sức hấp dẫn bởi hương liệu thơm tho, tốt cho sức khỏe, làm cho người cảm thấy kết hợp được giữa vật chất sang trọng và tinh thần an yên khi có các vật thể ấy trong nhà thì có lẽ nhiều người chuộng nhất Ngọc am rồi đến Thủy tùng mà thôi.

Nha tho Bui Quang Thanh tren dinh Chiêu Lầu Thi

Riêng Ngọc am, loài gỗ này được quý chuộng cũng một phần do các tích xưa để lại nữa. Người ta lưu truyền rằng: loài gỗ này chỉ dành cho các bậc đế vương sử dụng; hoặc câu chuyện có một viên quan đầu tỉnh từng bị khép tội khi quân và bị giáng chức chỉ vì “dám” tậu cho cha mẹ mình một bộ hậu sự bằng Ngọc am …vv. Gỗ Ngọc am “hảo hạng” còn tiết ra một loài “tuyết” trên thân thể nó như những hạt ngọc trắng lấp lánh. Trước ánh sáng mặt trời hay ánh đèn, trăm ngàn hạt tuyết li ti ấy tạo ra lấp lánh ngũ sắc, vô cùng rực rỡ làm thần bí thêm vật thể quý trong nhà. Cũng vì thế mà những bức tượng chế tác bằng Ngọc am có hồn có cốt hơn nhiều loài gỗ vô hương khác; từ cái vòng đeo tay của nam thanh nữ tú, chuỗi tràng hạt của các vị chân tu, những tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, những hình thú hình chim, linh vật… từ loài gỗ này được nhiều người ưa chuộng. Khi vớt được Ngọc am từ suối, sông, bùn đất… người ta theo màu sắc, chất gỗ, độ chứa tinh dầu mà chia thành hai loại: vàng và đỏ, trong đó gỗ Ngọc am đỏ được săn đón nhiều hơn cả bởi chúng có mùi thơm dai nhất, sắc màu hấp dẫn nhất.

Các bạn nếu lên Hà Giang và một số tỉnh vùng núi phía Bắc, vào các khách sạn hay nhà nghỉ, vào những cơ sở vật trị liệu sẽ thấy người ta đặt trong phòng tắm những chiếc thùng gỗ màu sẫm nâu. Đó là những chiếc thùng, chiếc chậu được làm từ Ngọc am đấy. Khi cho nước ấm vào, nước trong thùng sẽ bốc lên mùi thơm hương gỗ quý. Thứ nước tắm rửa bình thường khi đựng trong những bồn men, chậu nhựa ấy sẽ trở thành dược liệu thơm thảo cho người dùng nếu được chứa trong bồn tắm Ngọc am. Đồng bào Dao “đỏ”  thường sử dụng bồn gỗ này để ngâm nước lá thuốc phục vụ cho du khách nghìn dặm đường xa gột rửa mỏi mê, tìm cảm giác thanh sạch tươi vui trên miền đá hoa trùng điệp. Người ta tin rằng nếu được tắm trong bồn tắm làm bằng loại gỗ quý này thì sẽ có tác dụng rất tốt trong việc thải bỏ các độc tố trong cơ thể, giúp cho khí huyết được lưu thông, ngăn ngừa chứng bệnh rôm sảy, nhất là ở trẻ nhỏ.

Vậy mà Ngọc am đã mất tăm mất tích trên núi rừng Việt Nam? Sau chục năm trời từ buổi đầu tiên cùng Kiên “chim” lên Hà Giang tìm cây giống Ngọc am, hôm nay để kết cho dòng tình cảm mến yêu về loài gỗ huyền thoại này, tôi gọi điện cho Kiên hỏi thăm hành trình và kết quả của cậu ấy. Kiên cho biết rừng đào ở Phia Đén của anh giờ đã trưởng thành, lực lưỡng và hoa trái rất sum suê. Riêng cây Ngọc am trong ý tưởng thì chưa có lời giải. Kiên kể rằng, sau chuyến đi hôm đó, tình cờ gặp một người chạy xe tải chở cây giống cho các nhà buôn, anh ta nói có nguồn cây Ngọc am giống. Kiên dặn lấy cho mấy ngàn cây nhưng người lái xe chỉ chở về tặng cho Kiên vỏn vẹn năm cây. Anh đưa lên trồng trước cửa Trạm Kiểm Lâm Phia Đén để có người chăm sóc và theo dõi sự trưởng thành. Tuy nhiên những cây này được cán bộ kiểm lâm cho biết đó cũng là một loài sa mộc chứ không phải Ngọc am. Kiên thất vọng và từ đó cũng không theo đuổi nữa. Giờ mấy cây “ngọc am – sa mộc” ấy đã khá lớn rồi, còn cây Ngọc am ở Việt Nam, chẳng lẽ đã thành huyền thoại?

Bút ký của Nhà thơ Bùi Quang Thanh